Giao lưu cùng bạn bè quốc tế

Hoạt động giao lưu học thuật giữa Khoa Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế và các sinh viên quốc tế mở ra nhiều trải nghiệm ý nghĩa, lan tỏa tinh thần phát triển bền vững và kết nối văn hóa.

 Airi (góc trái) cùng làm bài nhóm với các sinh viên khoa Môi trường

Airi (góc trái) cùng làm bài nhóm với các sinh viên khoa Môi trường

Trong dịp Hội trại 26/3 vừa qua của Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, gian hàng của Khoa Môi trường luôn rộn ràng tiếng cười bởi sự góp mặt của hai nhân vật đặc biệt: Yamamoto Airi và Sugiyama Rin đến từ Nhật Bản. Cả hai là sinh viên đang tham gia chương trình trao đổi học thuật tại Khoa Môi trường. Airi và Rin thu hút ánh nhìn bởi vẻ thân thiện, rạng rỡ. Các bạn sinh viên Việt Nam thích thú khi được nghe Airi giới thiệu về văn hóa Nhật Bản, còn Rin thì học nói tiếng Việt với chất giọng đáng yêu.

“Trong 3 tháng học tập tại Huế, tôi cảm nhận thành phố rất yên bình, dịu dàng và đậm chất văn hóa. Tôi có dịp tham gia một số hoạt động của Đoàn thanh niên do khoa và trường tổ chức. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ, tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại với Huế”, Airi bộc bạch.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, Khoa Môi trường đã chào đón đoàn giáo sư và sinh viên đến từ Trường ĐH Ferris (Yokohama, Nhật Bản) trong khuôn khổ chương trình trao đổi học thuật quốc tế về các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Trong vòng 1 tuần, những sinh viên đến từ hai bờ Thái Bình Dương đã cùng nhau khám phá thiên nhiên Huế, chia sẻ hiểu biết chuyên môn và lan tỏa tinh thần của một thế hệ trẻ hướng về tương lai xanh.

Trong những ngày ở Huế, các sinh viên Trường ĐH Ferris đã bị cuốn hút bởi sự đa dạng của thiên nhiên vùng đất Cố đô. Khi đến rừng ngập mặn Rú Chá (phường Hương Phong, quận Thuận Hóa), các bạn được trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên. Sinh viên Trường ĐH Ferris có cơ hội tham quan Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc). Giữa không gian đại ngàn nguyên sơ, các bạn trẻ đến từ xứ sở mặt trời mọc trầm trồ trước sự đa dạng sinh học, vẻ đẹp của từng tầng rừng, và nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của Huế.

“Tôi cảm nhận được thiên nhiên Huế thật tuyệt vời. Từ các hệ sinh thái ven sông, đến những dãy núi trùng điệp, từ rừng ngập mặn đến các vườn cây nhiệt đới, mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng biệt. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là người dân sống hài hòa với môi trường. Chuyến đi này không chỉ giúp tôi hiểu hơn về Việt Nam, về Huế, mà còn khiến tôi thêm yêu ngành học của mình”, Aiko Tanaka, sinh viên Trường ĐH Ferris cho biết.

Song hành cùng các hoạt động thực địa, sinh viên hai trường còn được tham gia những buổi giao lưu học thuật tại Đại học Huế. Những bài thuyết trình, những giờ thảo luận không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, mà còn là cơ hội để hiểu hơn về phương pháp giáo dục, cách tiếp cận các vấn đề môi trường ở hai quốc gia.

Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật giúp mở rộng tầm hiểu biết của sinh viên hai trường về các vấn đề môi trường toàn cầu. Đây cũng là dịp để sinh viên Huế có thêm những người bạn quốc tế, giúp các bạn phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và khám phá các nền văn hóa khác nhau, từ đó tạo ra những cơ hội học hỏi và phát triển toàn diện.

“Qua những buổi thảo luận và đi thực tế cùng nhau, tôi học được nhiều từ cách mà các bạn Nhật quan sát, đặt câu hỏi và phân tích vấn đề. Điều tôi nhớ nhất là sự tỉ mỉ, cẩn trọng mà các bạn dành cho từng khía cạnh của môi trường”, Đoàn Minh Vũ, sinh viên Khoa Môi trường chia sẻ.

Trải nghiệm tại Huế đã trở thành một phần ký ức quý giá trong hành trình trưởng thành của mỗi sinh viên quốc tế. Những giờ học lý thú, những câu nói bằng tiếng Việt chập chững, những lần nói chuyện bằng ngôn ngữ và cả… cử chỉ, tất cả tạo dựng nên những mối liên kết đáng quý trong học tập và cuộc sống.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/giao-luu-cung-ban-be-quoc-te-152920.html