Giao lưu Phật giáo Việt Nam - Nepal: Lan tỏa thông điệp hòa bình từ chùa Pháp Vân

Chương trình hoằng pháp của Đoàn Giáo hội Phật giáo Nepal tại chùa Pháp Vân (Hà Nội) không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Phật tử, mà còn mở rộng cầu nối giao lưu văn hóa tâm linh giữa Phật giáo Nepal và Việt Nam, lan tỏa thông điệp hòa bình, hiểu biết và yêu thương trong thời đại mới.

Quang cảnh buổi hoạt động tôn giáo tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7/2025

Quang cảnh buổi hoạt động tôn giáo tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7/2025

Dẫn đầu Đoàn là ngài H.E Khentrul Kunchok Tenzin Rinpoche cùng 9 vị Tăng, Ni đến từ Tu viện Thegchen Lekshey Ling (thuộc dòng truyền thừa Karma Kagyu - một trong những truyền thống lớn của Phật giáo Kim Cương thừa). Trong hành trình hoằng pháp tại Việt Nam, Đoàn đã đi qua các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ và Khánh Hòa.

Tại Hà Nội, từ ngày 4 - 6/7, Đoàn đã có chương trình hoằng pháp và giao lưu tại chùa Pháp Vân. Trong khuôn khổ chương trình, các hoạt động nổi bật như: hành trì chân ngôn linh diệu, thực hành Cúng dường Mandala, nghi lễ Cúng khói, và giảng giải ý nghĩa các nghi thức tu tập theo truyền thống Kim Cương thừa đã được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo chư Tăng, Ni và Phật tử tham dự.

Đặc biệt, vào sáng ngày 4/7, chùa Pháp Vân đã phối hợp tổ chức Lễ cầu siêu trang trọng, tưởng niệm chư hương linh, anh hùng liệt sĩ và người thân quá vãng của Phật tử, hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và mùa Vu Lan báo hiếu sắp tới.

Ngài H.EKhentrul Kunchok Tenzin Rinpoche tại chùa Pháp Vân

Ngài H.EKhentrul Kunchok Tenzin Rinpoche tại chùa Pháp Vân

Một điểm nhấn đáng chú ý trong dịp này là việc chư Tăng, Ni và Phật tử được đón nhận sự gia trì và ban phước thông qua hơn 8.000 vật phẩm cúng dường được chế tác công phu và đầy ý nghĩa tâm linh, trong đó có 1.000 Torrma, 1.000 tháp hương cùng nhiều lễ phẩm thủ công tinh xảo. Đây không chỉ là biểu tượng của sự tinh tấn tu học, mà còn thể hiện tấm lòng chí thành của người thực hành đạo đối với con đường giải thoát.

Để tiếp nối dòng chảy tâm linh và mở rộng cơ hội thực hành cho hành giả, từ ngày 11 - 13/7, Tăng đoàn sẽ tổ chức Pháp hội Đạo sư Tài bảo - Lama Norlha tại chùa Sủi (Gia Lâm, Hà Nội). Pháp hội dự kiến quy tụ đông đảo Tăng, Ni và Phật tử thuộc cả hai truyền thống Đại thừa và Kim Cương thừa. Các nghi lễ quan trọng như: khóa tụng sáng, tụng trì thần chú, giảng pháp, cúng khói và Cúng dường Mandala sẽ được thực hành với tâm nguyện tăng trưởng công đức, thu nhiếp thiện duyên và cầu nguyện an bình, thịnh vượng cho đất nước, chúng sinh và toàn thể pháp giới.

Nghi thức tụng trì diễn ra trong không khí linh thiêng, trang nghiêm tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7

Nghi thức tụng trì diễn ra trong không khí linh thiêng, trang nghiêm tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7

Chia sẻ tại buổi lễ, đại diện Đoàn Giáo hội Phật giáo Nepal nhấn mạnh: “Dù đến bất cứ đâu, chúng tôi đều mang theo tâm nguyện lan tỏa hòa bình và hạnh phúc. Mỗi nghi lễ, mỗi vật phẩm cúng dường đều là phương tiện tích lũy công đức và hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Chúng tôi vô cùng trân trọng sự tiếp đón nồng hậu của Phật tử Việt Nam và hy vọng mối giao lưu văn hóa tâm linh giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục được nối dài trong tương lai.”

Đông đảo chư tăng Phật tử tham gia cầu nguyện tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7

Đông đảo chư tăng Phật tử tham gia cầu nguyện tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7

Ngài H.EKhentrul Kunchok Tenzin Rinpoche cùng các vị tăng, ni từ Tu viện Thegchen Lekshey Ling (thuộc dòng truyền thừa Karma kagyu) tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7/2025

Ngài H.EKhentrul Kunchok Tenzin Rinpoche cùng các vị tăng, ni từ Tu viện Thegchen Lekshey Ling (thuộc dòng truyền thừa Karma kagyu) tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7/2025

Các Tăng, N từ Tu ViệnThegchen Lekshey Ling cùng đông đảo các chư Phật tử tham gia cầu nguyện tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7

Các Tăng, N từ Tu ViệnThegchen Lekshey Ling cùng đông đảo các chư Phật tử tham gia cầu nguyện tại chùa Pháp Vân sáng ngày 4/7

Sự hiện diện và hoằng pháp của Đoàn Giáo hội Phật giáo Nepal tại chùa Pháp Vân không chỉ là dịp để Phật tử Việt Nam tiếp cận sâu hơn với giáo pháp Kim Cương thừa, mà còn là một sự kiện giao lưu văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc - góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa hai nền Phật giáo và lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ, hòa bình giữa lòng thế giới hiện đại.

Vương Quốc Hoa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/giao-luu-phat-giao-viet-nam-nepal-tan-toa-thong-diep-hoa-binh-tu-chua-phap-van-a29385.html