Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Cuộc Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo, Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội phối hợp với các đơn vị đã được tổ chức tại đền Rừng, Gia Lâm, Hà Nội trong 4 ngày từ ngày 24 -27/10.

Ban tổ chức tặng hoa cho các thanh đồng tham gia Giao lưu. Ảnh: Long Hưng

30 thanh đồng đến từ Hà Nội và các tỉnh: Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Gia Lai. Đây là dịp để các vị Thủ nhang, Đồng đền, các Thanh đồng, Đạo quan, các nghệ nhân hát văn gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm về nghi thức, về đạo cụ, trang phục, âm nhạc, lời ca… ; cùng nhau nghiên cứu các nét đổi mới cho phù hợp với cuộc sống đương đại mà vẫn gìn giữ bảo tồn, kế thừa nghi lễ truyền thống, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực lợi dụng nghi lễ Hầu đồng để thực hiện mê tín dị đoan, thương mại hóa…

Nghi lễ Hầu đồng là nghi lễ tiêu biểu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, yêu cầu phải được thực hành trong không gian thờ tự như đền, phủ, điện… đảm bảo tính trang nghiêm từ nghi thức, trang phục, cung đàn tiếng hát của những người thực hành nghi lễ cũng như sự trân trọng của những người đến dự.

Thanh đồng Lưu Ngọc Đức – Thủ nhang Lảnh Giang vọng từ. Ảnh: Long Hưng

Bên cạnh tính tâm linh thì nghi lễ Hầu đồng có sức hút mạnh mẽ, hấp dẫn đông đảo người dân vì hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật: trình diễn, trang phục, hội họa, âm nhạc, ca từ… đặc biệt tính tương tác cao giữa người thực hành nghi lễ và những người dự hầu đã lôi cuốn người dân đến với tín ngưỡng.

Sau khi được UNESCO vinh danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bên cạnh niềm hân hoan phấn khởi của cộng đồng tín ngưỡng thì các vấn đề về quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của tín ngưỡng còn nhiều bất cập do thiếu các văn bản quy định, các luật thực hành dẫn đến nhiều biến tướng. Như hầu các giá đồng không có trong tín ngưỡng, trang phục cải biên sai lệch, vàng mã phung phí… một số tổ chức, cá nhân biểu diễn tín ngưỡng ở các nơi công cộng tại đường phố, cổng chợ, tại các nhà hàng, quán nước, hội chợ… gây nhiều bức xúc cho cộng đồng tín ngưỡng và nhân dân.

Để khẳng định sự linh thiêng, trang nghiêm của nghi thức Hầu đồng, tinh thần đoàn kết, cầu thị học hỏi của những người thực hành tín ngưỡng, Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội phối hợp cùng UBND quận Long Biên, Ban QLDT đền Rừng, Phòng VHTT quận Đống Đa, Ban QLDT đình đền Hào Nam tổ chức “Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Hà Nội 2019”.

Nghệ nhân dân gian Lưu Ngọc Đức – Thủ nhang Lảnh Giang vọng từ, người có 50 năm tuổi đồng, chứng kiến nhiều thăng trầm của tín ngưỡng, nói: “Phần lớn các đền, phủ vẫn giữ được nề nếp, thực hành nghi lễ hầu đồng theo lối cổ truyền thống và đã tìm tòi ra nét đổi mới phù hợp với cuộc sống đương đại. Ngoài các mặt tích cực lại đang có những sự phát sinh đến mức báo động vì sáng tác sai lệch các giá hầu, trang phục cải biên như biểu diễn trên sân khấu, lời ca tiếng đàn không phù hợp, vàng mã phung phí… đặc biệt cần chấn chỉnh sự đoàn kết trong cộng đồng tín ngưỡng để giúp cái gốc vững chắc thì cành lá mới xanh tốt được”.

Cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu rất mong các cơ quan quản lý văn hóa, tôn giáo cần ra các văn bản luật, quy định về việc thực hành tín ngưỡng và đề xuất chế tài xử lý khi có vi phạm.

Một số hình ảnh tại đền Rừng, Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội:

Thanh đồng Trần Thị Kim Huệ - Thủ nhang phủ Chính Tiên Hương, Phủ Dầy, Nam Định. Ảnh: Long Hưng

Thanh đồng Đặng Thị Nhiễu – Thủ nhang đền Rừng, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Long Hưng

Thanh đồng Vũ Thanh Bình, đền Bảo Ninh, Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Long Hưng

Đồ ngự dụng. Ảnh: Long Hưng

Nhạc cụ trong hát cung văn. Ảnh: Long Hưng

Thanh đồng Vũ Thanh Bình, đền Bảo Ninh, Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Long Hưng

Dâng rượu trong giá hầu. Ảnh: Long Hưng

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giao-luu-thuc-hanh-nghi-le-hau-dong-trong-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-post69772.html