Giao lưu trực tuyến: Phòng chống bệnh Sởi - Quai bị - Rubella
Để giúp bạn đọc có thêm kiến thức về cách phòng chống cũng như chăm sóc cho bệnh nhân mắc Sởi – Quai bị - Rubella, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: 'Phòng chống bệnh Sởi – Quai bị - Rubella'.
Tường thuật trực tiếp
15:04 19/12
Sau khi tiêm bao lâu thì vắc xin sởi có thể bảo vệ cho cơ thể tránh được bệnh đã tiêm chủng?
Hoàng Anh (Hà Nội)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:
Vắc xin sởi có thể giúp tạo miễn dịch sau 2 tuần tiêm chủng mũi đầu tiên, với những mũi bổ sung, miễn dịch có thể được tăng cường sớm hơn.
15:01 19/12
Thưa bác sĩ, biến chứng sởi thường xảy ra ở những trường hợp nào? Triệu chứng bệnh như thế nào để phân biệt với việc bé chỉ bị sốt phát ban thông thường? Bệnh lây qua đường nào ạ?
Viễn Hồng (Văn Giang - Hưng Yên)
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời: Biến chứng thường gặp nhất của bệnh sởi là viêm phổi nặng. Viêm phổi do sởi rất nguy hiểm có thể gây tử vong. Ngoài ra các biến chứng khác ít gặp hơn nhưng cũng rất nặng như viêm não, tiêu chảy, lao…
Để phân biệt sởi với sốt phát ban người ta dựa vào diễn biến của bệnh và đặc điểm của ban. Diễn biến của sởi là trẻ thường sốt cao, ho , hắt hơi trong 1-3 ngày đầu, từ ngày thứ 3 bắt đầu nổi ban. Ban này mọc lần lượt từ đầu đến chân. Thường mọc ban xảy ra trong 3 ngày thì bắt đầu bay. Cũng bắt đầu bay từ đầu đến chân, và khi ban sởi bay thì cũng hết sốt. Sau khi ban sởi bay hết để lại các vết thâm trên da hàng tuần sau. Trông giống như da hổ nên thường được gọi là vết vằn da hổ. Còn ban do sốt phát ban thông thường thì mọc cùng lúc toàn thân. Cũng bay rất nhanh sau 1-2 ngày. Khi bay thì không để lại các vết thâm trên da. Bệnh sởi lây qua đường hô hấp.
14:59 19/12
Xin bác sỹ cho biết, tôi năm nay 25 tuổi, chưa lập gia đình. Tôi nghe nói mắc quai bị có thể bị vô sinh. Vậy với tuổi này tôi có thể tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị hay không và vắc xin có còn tác dụng không?
Vân Nguyễn (Bắc Ninh)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:
Nếu bạn chưa tiêm vắc xin và chưa từng bị quai bị thì tiêm phòng vẫn là biện pháp tốt nhất. Và vẫn còn nguyên giá trị bảo vệ
14:58 19/12
Bệnh Rubella hay mắc ở tuổi nào? thời điểm tiêm phòng phù hợp để tránh sinh em bé bị dị tật do Rubella?
Trang Anh (Hà Nội)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:
Bệnh có thể mắc ở tất cả các độ tuổi nhưng với tuổi sinh đẻ thì nguy cơ cao đối với trẻ em sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm trong thời gian mang thai. Thời điểm tiêm phòng tốt nhất là tiêm theo lịch của TCMR và tiêm dự phòng trước mang thai hoặc tiêm ở độ tuổi sinh sản (từ 15 tuổi trở lên) để phòng Rubella bẩm sinh
14:57 19/12
Tôi nghe nói nhiều trường hợp tiêm phòng sởi rồi vẫn mắc bệnh, thậm chí còn có biến chứng nặng nữa. Vậy việc tiêm phòng vắc xin rồi vẫn mắc bệnh có liên quan chất lượng vắc xin không ạ?
Quỳnh Anh (Hải Phòng)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:
Vắc xin sởi dù tốt đến đâu thì tỉ lệ sinh miễn dịch cũng chỉ khoảng 90% cho liều đầu, 95% cho liều tiếp theo. Do vậy không phải 100% người đi tiêm có được miễn dịch bảo vệ với sởi. Những người chưa có miễn dịch nếu mắc sởi vẫn giống người bình thường. Việc tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh không liên quan tới việc triển khai vắc xin này do vậy không nên vi mình đã có tiêm mà thoải mái tiếp xúc với bệnh nhân hay đi vào vùng dịch.
14:55 19/12
Con trai tôi 6 tuổi, cháu bị quai bị đã 2 ngày nay. Tôi đã đưa cháu đi khám, được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên tôi rất lo lắng vì nghe nói bệnh quai bị có nhiều biến chứng rất nguy hiểm, nhất là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Xin bác sĩ cho biết có đúng như vậy không và làm thế nào để điều trị hiệu quả bệnh này?
Nguyễn Thị Ái Nhân (Tuy Hòa - Phú Yên)
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời: Bạn đã cho con đi khám thì nên làm theo lời dặn của bác sĩ, không nên quá lo lắng. Thực hiện đúng theo đơn thuốc của bác sĩ đã cho chỉ 1 tuần là khỏi. Biến chứng viêm tinh hoàn mặc dù nặng nhưng ít xảy ra, bạn nên theo dõi tinh hoàn của cháu hàng ngày bằng cách quan sát bên ngoài, nếu vẫn thấy bình thường, không thấy sưng nóng, đỏ, đau, trẻ vẫn đi lại, ăn uống tốt thì không sao.
14:54 19/12
Ở người lớn, nếu mắc sởi có thể bị biến chứng nặng không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Hồng Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh)
BS Nguyễn Bá Đăng - Chuyên viên Cục Y tế Dự phòng trả lời:
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi, đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là rất khó khăn, tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Ở người lớn, khi mắc bệnh thường có biểu hiện nhẹ, dễ nhầm lẫn với các sốt phát ban khác. Trong trường hợp bội nhiễm bởi các tác nhân gây bệnh khác, sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
14:51 19/12
Những bệnh nào thường gặp vào mùa Đông – Xuân? Vì sao các bệnh này lại liên quan đến diễn biến thời tiết trong năm?
Đặng Văn Minh (An Giang)
BS Nguyễn Bá Đăng - Chuyên viên Cục Y tế Dự Phòng
Trong mùa đông xuân, trẻ em thường hay mắc các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp. Cụ thể thường gặp là các bệnh cảm cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản... Các bệnh về sốt do vi rút, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, thủy đậu, ho gà. Các bệnh về tiêu hóa, tiêu chảy do vi rút. Các bệnh này có liên quan đến thời tiết mùa đông xuân, vì thời điểm này với thời tiết lạnh, ẩm làm cho vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi rút tồn tại lâu hơn trong môi trường và phát triển mạnh, đồng thời trong thời gian này sức đề kháng của cơ thể thường bị suy giảm nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
14:49 19/12
Tôi nghe nói nhiều trường hợp tiêm phòng sởi rồi vẫn mắc bệnh, thậm chí còn có biến chứng nặng nữa. Vậy việc tiêm phòng vắc xin rồi vẫn mắc bệnh có liên quan chất lượng vắc xin không ạ?
Minh Anh Hoàng (Bà Rịa - Vũng Tầu)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:
Vắc xin sởi dù tốt đến đâu thì tỉ lệ sinh miễn dịch cũng chỉ khoảng 90% cho liều đầu, 95% cho liều tiếp theo. Do vậy không phải 100% người đi tiêm có được miễn dịch bảo vệ với sởi. Những người chưa có miễn dịch nếu mắc sởi vẫn giống người bình thường. Việc tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh không liên quan tới việc triển khai vắc xin này do vậy không nên vi mình đã có tiêm mà thoải mái tiếp xúc với bệnh nhân hay đi vào vùng dịch.
14:44 19/12
Con tôi năm nay 32 tháng, chưa tiêm vắc xin sởi lần nào. Nếu tiêm vắc xin sởi muộn thì hiệu quả phòng bệnh có đạt không thưa bác sĩ?
Phạm Hoa Nhài ( Đông Hưng - Thái Bình)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:
Tiêm chủng muộn sẽ không phòng được trước khi tiêm chủng nghĩa là nếu gặp tác nhận thì con bàn sẽ mắc bệnh. Bạn cần đem con đi tiêm chủng càng sớm càng tốt, hiệu quả phòng bệnh sau tiêm không có vấn đề gì cả.
14:43 19/12
Hoangnguyen9872@gmail.com
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời: Bệnh quai bị thông thường nếu không có biến chứng thì cũng tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên nếu có biến chứng như viêm não hoặc màng não thì bệnh rất nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp biến chứng viêm tinh hoàn thì có thể gây vô sinh.
Để tránh mắc bệnh này tốt nhất là tiêm phòng vắc xin quai bị. Hiện nay có vắc xin 3 trong 1 phòng được 3 bệnh là : Rubella, sởi và quai bị. Vắc xin này rất an toàn nên những phụ nữ có thai nên tiêm để phòng bệnh cho trẻ sơ sinh sau này.
14:41 19/12
Con tôi lúc 9 tháng hay bị ốm nên chưa tiêm mũi sởi đơn, đến 12 tháng bé tiêm mũi tổng hợp sởi - quai bị- rubella. Giờ con tôi được 2 tuổi cháu có cần tiêm bổ sung mỗi sởi đơn hay tiêm mũi tổng hợp. 4 tuổi bé cần tiêm nhắc lại nữa không thưa bác sĩ.
Linhlinh (1977@gmail.com)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
12 tháng đã được tiêm mũi tổng hợp thì có thể nhắc lại một mũi tổng hợp MR lúc 18 tháng hoặc 2 tuổi. Nếu không, trước khi cho trẻ đi học, bạn nên tiêm môt mũi tổng hợp sởi - quai bị- rubella nữa để đảm bảo miễn dịch cho bé
14:39 19/12
Xin bác sĩ cho biết, bệnh rubella có biểu hiện như thế nào? Làm sao phòng bệnh hiệu quả? Người lớn có bị mắc rubella không?
An Trang (Gia Lai)
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời: Rubella nếu mắc ở người lớn thì cũng rất ít triệu chứng do vậy rất dễ bị bỏ qua. Đặc biệt nếu xảy ra ở phụ nữ có thai thì có thể lây cho trẻ sơ sinh khi sinh ra.
Những trường hợp trẻ sơ sinh sinh ra mà bị Rubella sẽ bị tổn thương rất nhiều cơ quan như tim, não và nhiều dị tật khác ảnh hưởng nặng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, kể cả khi trẻ lớn lên sau này. Phòng bệnh Rubella hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin Rubella.
Hiện nay có vắc xin 3 trong 1 phòng được 3 bệnh là: Rubella, sởi và quai bị. Vắc xin này rất an toàn nên những phụ nữ có thai nên tiêm để phòng bệnh cho trẻ sơ sinh sau này. Bất kỳ ai cũng có thể bị mắc bệnh Rubella nhưng vì rất ít triệu chứng, không biểu hiện ra bên ngoài nên có nhiều người mắc mà không biết, đặc biệt là phụ nữ có thai
14:38 19/12
Nếu mắc viêm quai bị rồi, có thể bị mắc lại không, thưa bác sỹ?
Duy Hoàng (Tiền Giang)
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời:
Mắc quai bị rồi cũng có thể bị mắc lại những trường hợp này rất là hiếm.
14:32 19/12
Xin cho biết văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp có nhiệm vụ gì? Có thể hỗ trợ cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh như thế nào?
Giangvanmai@gmail.com
BS Nguyễn Bá Đăng - Chuyên viên Cục Y tế dự phòng trả lời:
Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) được Bộ Y tế thành lập từ tháng 5.2013, thuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, có nhiệm vụ làm đầu mối tầm soát, tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, đánh giá nguy cơ và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh khẩn cấp từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế phục vụ cho việc chủ động các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Văn phòng còn có nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch, theo dõi, điều phối hoạt động giữa các tiểu ban thuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp đáp ứng thích hợp với các tình huống về dịch bệnh; tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan huy động, điều phối các đội chống dịch cơ động, các đội cấp cứu lưu động hoặc các cán bộ viên chức y tế từ các đơn vị y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh và các lực lượng có liên quan tham gia vào các hoạt động đáp ứng, phòng chống dịch bệnh khẩn cấp; phối hợp với các đơn vị và tổ chức có liên quan huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước và thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác đáp ứng, phòng chống dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng.
Văn phòng EOC đã nhiều lần được kích hoạt để triển khai các hoạt động phòng chống dịch như cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola, Zika ..., thực hiện tham mưu công tác phòng chống dịch bệnh cho Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, điều phối các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương, triển khai các đội chống dịch cơ động, các đội cấp cứu lưu động, cấp cứu bệnh nhân tại các tuyến y tế cơ sở.
Văn phòng EOC cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO),.. phân tích, đánh giá nguy cơ về tình hình các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, đồng thời huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế trong công tác đáp ứng, phù hợp với từng tình huống về dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng.
14:30 19/12
Có gì khác biệt về dịch bệnh mùa đông xuân tại miền Bắc-miền Trung và miền Nam, thưa ông?
Loitrangnghia789@gmail.com
BS Nguyễn Bá Đăng, chuyên viên Cục Y tế Dự phòng trả lời:
Thời tiết mùa đông - xuân với khí hậu lạnh, ẩm thường rõ rệt tại các tỉnh khu vực miền Bắc, trong khoảng thời gian này với điều kiện thời tiết như trên rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng, nhất là với các bệnh bệnh đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu gây viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy do vi rút Rota.
Đối với các khu vực khác thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do của con người, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; đồng thời, trong khu vực này người dân tăng vẫn còn thói quen tích trữ nước sạch, nước mưa trong lu, chum, vại hoặc bồn chứa, nhiệt độ không xuống quá thấp ... tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh, nhất là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên vẫn có nguy cơ gia tăng các trường hợp mắc bệnh do muỗi truyền vào mùa đông - xuân ở các khu vực này.
14:29 19/12
Xin bác sĩ cho biết bị quai bị có phải kiêng tuyệt đối việc chạy nhảy, đi lại hay không? Tôi nghe nói bé trai bị quai bị mà chạy nhảy sau này dễ vô sinh đúng hay sai?
Huyền Thanh (Gia Viễn - Ninh Bình)
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời: Khi bị quai bị nên cho trẻ nghỉ ngơi và không chạy nhảy hay đi lại quá nhiều làm cho trẻ mệt và dễ gây biến chứng. Biến chứng vô sinh trong quai bị là do viêm tinh hoàn. Những trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị có thể xảy ra ở mọi đứa trẻ dù có chạy nhảy nhiều hay không.
14:27 19/12
Bị sởi là phải kiêng tắm rửa, kiêng ra gió và tránh ánh nắng mặt trời phải không ạ?
Mai Anh (Bỉm Sơn - Thanh Hóa)
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời: Đây là quan niệm cũ, những quan niệm này có thể gây hại cho trẻ và tạo ra các biến chứng như: viêm da, viêm miệng,… Viêm miệng đôi khi rất nặng gây hoại tử nướu răng và rụng răng mà trước đây gọi là bệnh Cam tẩu mã. Nguyên nhân là do kiêng nước và không vệ sinh răng miệng tốt.
14:23 19/12
Tôi nghe các BS khuyến cáo là cho con đi tiêm phòng thì nên đọc kỹ tên, hạn sử dụng trên vỏ lọ vắc xin. Nhưng vì không có chuyên môn y tế nên có đọc chúng tôi cũng chỉ biết vậy. Tôi muốn sau khi tiêm được giữ lại vỏ lọ vắc xin đó, đề phòng có vấn đề gì bất trắc. Điều đó có được không và nếu giữ vỏ lọ vắc xin thì cần giữ trong bao lâu, thưa bác sỹ?
Hoangvantien1972@gmail.com
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả lời:
Bạn có thể giữ vỏ lọ hoặc chụp lại vỏ lọ nếu cần, các Trung tâm tiêm chủng không cần lưu vỏ lọ nên họ sẽ cho bạn giữ không có vấn đề gì cả. Việc giữ vỏ lọ không có trong khuyến cáo y tế và cũng không khuyến cáo giữ lại vỏ lọ với bất cứ khoảng thời gian nào
14:21 19/12
Thưa bác sỹ, triệu chứng và diễn tiến của bệnh quai bị là như thế nào ạ? Biến chứng của quai bị có nguy hiểm hay không?
Nguyễn Thị Lộc - Thuận Thành, Bắc Ninh
Bác sĩ: Nguyễn Bá Đăng - Chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trả lời
Khởi phát bệnh nhân có sốt, mệt mỏi, sau khi sốt 1-3 ngày, tuyến nước bọt đau nhức, sưng to, có thể sưng ở một hoặc cả hai bên, khiến khuôn mặt bệnh nhân bị biến dạng, khó nhai, khó nuốt, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị; có thể kèm theo khó chịu, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn; nặng hơn có thể kèm viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, tổn thương thần kinh sọ như điếc một hoặc hai bên, mù, viêm tụy và một số cơ quan khác.
Người mắc bệnh quai bị có thể gặp một số biến chứng của quai bị như viêm tinh hoàn và nhất là teo tinh hoàn, có thể dẫn đến vô sinh; viêm buồng trứng, đặc biệt là phụ nữ mang thai mắc quai bị có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Ngoài ra có thể bị nhồi máu phổi, viêm tụy cấp tính, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não.
14:17 19/12
Xin bác sĩ cho biết, những ai dễ bị bệnh nặng khi nhiễm sởi?
mylinhnguyen@gmail.com
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời:
Sởi thì hay xảy ra ở trẻ nhỏ tuy nhiên gần đây kể cả người lớn cũng có thể bị sởi. Tuổi hay bị sởi nặng nhất ở trẻ nhỏ là 1 tuổi; với người lớn là càng nhiều tuổi càng bị nặng, trong đó đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai mà bị sởi vào gần ngày sinh thì trẻ sơ sinh sinh ra cũng bị sởi. Trường hợp này cũng rất nặng. Nếu sởi ở trên một người bị bệnh mạn tính như: Thận, khớp, ung thư và những bệnh nhân này sử dụng thuốc giảm miễn dịch hoặc những người bị bệnh giảm miễn dịch mắc phải như HIV.
Thưa bác sĩ, tôi thấy nhiều người truyền miệng cách khi con mắc sởi sẽ dùng trứng gà luộc nóng, lăn khắp người cho ‘bay sởi’, rồi dùng nước lá cúc tần và lá gừng để tắm. Cách này đúng hay sai? Có gây biến chứng gì không ạ? Cảm ơn bác sỹ.
anchi9196@gmail.com
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội trả lời: Các cách làm này thường không gây biến chứng gì trừ trường hợp nếu trứng quá nóng lăn vào người có thể gây bỏng. Tuy nhiên cách làm này không làm cho bệnh sởi nhẹ đi, cũng không làm cho ban sởi bay nhanh hơn.
14:03 19/12
Những virus nào hay tấn công cho phụ nữ mang thai vào mùa đông xuân thưa bác sĩ? Vì sao bà bầu bị nhiễm virus lại nguy hiểm trong 3 tháng đầu thai kỳ?
Hoàng Anh (Ninh Bình)
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả lời:
Trong thời kỳ đông xuân, các vi rút lây qua đường hô hấp hoạt động mạnh, có thể kể đến như cúm, sởi, rubella, thủy đậu... Các vi rút này đều có những tác động nguy hiểm đến bào thai nếu mẹ bị nhiễm đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đây là thời kỳ phân chia tế bào và hình thành các cơ quan ban đầu. Tổn thương trong giai đoạn này có thể trực tiếp làm sẩy thai hay những bệnh lý bẩm sinh nguy hiểm cho trẻ.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi khuẩn gây ra với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ. Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm não ở trẻ em và viêm phổi ở người lớn.
Quai bị là một loại bệnh truyền nhiễm, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Trong đó trẻ em 5 đến 8 tuổi dễ bị nhất, người lớn ít mắc. Bệnh này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là vô sinh.
Bệnh Rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính nhưng nguy hiểm nhất của bệnh Rubella là khi gặp ở phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là thai kỳ ở giai đoạn 3 tháng đầu. Theo các điều tra nghiên cứu thì nếu mẹ mang thai 3 tháng đầu mà bị nhiễm virut Rubella thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm virut Rubella rất cao, trên 90% (trung bình từ 50 – 80%) và nếu bị nhiễm từ 3 tháng tiếp theo thì tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh Rubella khoảng từ 10 – 30%. Dị tật gặp ở thai nhi sau khi sinh (hội chứng Rubella bẩm sinh) có thể là điếc, tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, bệnh đầu nhỏ (chậm phát triển), bại não hoặc các dị dạng về xương, tổn thương các xương dài, mù mắt…
Để giúp bạn đọc có thêm kiến thức về cách phòng chống cũng như chăm sóc cho bệnh nhân mắc Sởi – Quai bị - Rubella, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Phòng chống bệnh Sởi – Quai bị - Rubella”.
Thời gian tổ chức: 14 giờ ngày 19/12, tại trụ sở Báo Tiền Phong.
Khách mời giao lưu:
- Bác sĩ: Nguyễn Bá Đăng - Chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
- TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
- PGS - Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Bạn đọc quan tâm xin gửi câu hỏi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn