Giao lưu trực tuyến: Thời cơ và thách thức của công tác dân số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Nghị quyết 21-NQ/TW nêu rõ, công tác dân số cần chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Vì thời lượng chương trình có hạn nên các chuyên gia đã giải đáp những câu hỏi gửi đến sớm nhất và có nội dung bao trùm. Các câu hỏi còn lại xin hẹn quý bạn đọc trong chương trình giao lưu sau. KÍNH MỜI QUÝ BẠN ĐỌC THEO DÕI TOÀN BỘ PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU Ở PHẦN DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.
Sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay.
Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,7 tuổi năm 2020, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh…).
Các chuyên gia nhận định, có được những kết quả như vậy là do Đảng và Nhà nước ta có chính sách đúng đắn về công tác DS-KHHGĐ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các quốc gia, tổ chức quốc tế và có bộ máy làm công tác dân số chất lượng, kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dân số ở nước ta cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền.
Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc già hóa dân số. Chất lượng dân số còn thấp. Phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập…
Thực tế trên đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Với nguyên tắc chung của Đảng là lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành TW Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm "Tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển" xác định: Công tác dân số cần chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".
Để làm rõ hơn những những vấn đề nêu trên, Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Thời cơ và thách thức của công tác dân số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên chuyên trang điện tử Gia đình và Xã hội (Giadinh.suckhoedoisong.vn) vào lúc 9h ngày 15/11/2022.
KÍNH MỜI QUÝ BẠN ĐỌC THEO DÕI TOÀN BỘ PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU PHÍA DƯỚI!
Giadinh.suckhoedoisong.vn
Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến
Gửi câu hỏi Phỏng vấn trực tuyến
Họ và tên
Nội dung
Gửi