Giao lưu văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm - Hành trình kết nối tâm linh và di sản
Nhân kỷ niệm 695 năm ngày Nhị Tổ Pháp Loa viên tịch (22/3/1330 - 22/3/2025), tối 29/3 (tức mồng 1 tháng 3 âm lịch) chương trình giao lưu văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm đã được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần và di sản mà Thiền phái Trúc Lâm để lại.
Sự kiện do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Văn hóa Ngọa Vân Yên Tử và Câu lạc bộ Ngôi trường cuộc sống - Sắc màu tự nhiên tổ chức, nhân kỷ niệm 695 năm Nhị Tổ Pháp Loa về cõi Phật.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, là người kế tục sự nghiệp hoằng pháp của Đệ nhất Tổ - Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sinh năm 1284 tại Nam Sách, Hải Dương, ngay từ nhỏ, Đồng Kiên Cương (tên tục của Ngài) đã bộc lộ tư chất đặc biệt. Năm 1304, Ngài xuất gia theo Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, được ban pháp danh Pháp Loa và chính thức trở thành người truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm vào năm 1308.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại chương trình.
Trong suốt 12 năm đảm nhiệm vị trí Tổ thứ hai của dòng thiền, Thiền sư Pháp Loa đã có những đóng góp quan trọng trong việc hệ thống hóa và phát triển tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm. Ngài là người đầu tiên tổ chức đào tạo tăng tài theo mô hình quy củ, đặt nền móng cho giáo dục Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Ngài còn cho in ấn nhiều bộ kinh sách quan trọng và xây dựng hàng chục tự viện trên khắp cả nước, góp phần lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống dân gian.
TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ: "Thông qua các hoạt động này, Ban tổ chức, trước hết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, sau đó là Trung tâm du lịch Ngọa Vân cùng nhiều người yêu mến Phật giáo mong muốn truyền tải thông điệp về niềm tin tâm linh đối với Thiền phái Trúc Lâm, cũng như những nét đẹp trong văn hóa Phật giáo từ xưa đến nay. Trước đây, các bậc tiền nhân đã thực hành đạo Phật với tinh thần 'Phật tại tâm', như Đức Điều Ngự Trần Nhân Tông đã giáo huấn, giúp mọi người biết đến việc thiện, tránh điều xấu ác, yêu thương và kính trọng lẫn nhau, cùng xây dựng đất nước theo đúng phương châm 'Quốc thái dân cường'. Những giá trị này đã giúp các bậc tiền nhân được tôn vinh, và hậu thế tiếp tục giữ gìn, phát huy."

Các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn trích đoạn trong vở cải lương“Pháp Loa, Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm”.
Bên cạnh đó, TS. Bùi Hữu Dược nhấn mạnh, am Ngọa Vân là nơi Đức Điều Ngự Trần Nhân Tông đã tu hành trong những năm tháng cuối đời, cũng là nơi Thiền sư Pháp Loa dựng pháp đàn và lưu lại xá lợi Phật của Đức Điều Ngự. Vì vậy, chương trình giao lưu văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng kính ngưỡng với Phật giáo Trúc Lâm. Đêm văn hóa văn nghệ đã quy tụ đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ cùng Phật tử từ Bắc chí Nam, tạo nên không gian giao lưu văn hóa đặc sắc, lan tỏa giá trị Phật giáo Trúc Lâm và tinh thần nhân quả trong đời sống.
Nhân dịp này, các hoạt động giao lưu văn hóa, hội thảo khoa học và nghi lễ tri ân đã được tổ chức nhằm ôn lại công đức của Nhị Tổ Pháp Loa, đồng thời khẳng định giá trị bền vững của Thiền phái Trúc Lâm trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Các chuyên gia, học giả đã chia sẻ nhiều góc nhìn về vai trò của Pháp Loa trong việc phát triển Phật giáo cũng như những đóng góp của Ngài trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức và văn hóa cho dân tộc.