Giáo lý xây tổ ấm
Lưu Gia Xương, pháp danh Quảng Minh, sinh năm 1992 và vợ Ngô Ngọc Kim Ngân, pháp danh Hạnh Ngân, sinh năm 1993 đã cùng nhau tìm đến chùa Thiên Tôn (Q.5, TP.HCM) xin được tổ chức lễ hằng thuận - như một dấu ấn trong hành trình kiến tạo, xây dựng tổ ấm, đời sống hôn nhân.
Xây dựng tổ ấm từ nền tảng giáo lý
Chia sẻ về quyết định tổ chức lễ hằng thuận ở chùa, Gia Xương cho biết: “Nhà mình gần chùa, mẹ mình có duyên với chùa từ nhỏ, nên có cậu, dì đều là Phật tử. Sau này mẹ mình thường xuyên làm Phật sự và từ thiện tại chùa Thiên Tôn, nhận thấy lễ hằng thuận hay và ý nghĩa, nên đã phát tâm khi nào mình cưới sẽ thưa với thầy để tổ chức lễ hằng thuận cho hai vợ chồng”.
Nhưng điều bất ngờ là, thay vì mẹ đến chùa để xin làm lễ hằng thuận thì Gia Xương và vợ lại quyết định tự đến chùa để xin. Bạn cho biết: “Mình rủ vợ cùng đến chùa thưa, khi thầy nhận lời tổ chức lễ hằng thuận cho, cả hai vợ chồng đều vui mừng, cả vợ và mình đều cười suốt”. Cả hai vợ chồng trẻ đều có chung kỳ vọng: “Khi xây dựng cuộc sống gia đình, có những điều ai cũng mong muốn trong lòng, nhưng không dễ nói ra với nhau, thì cũng nhờ một phần trong lễ thầy sẽ chỉ dạy”.
Mình kết hôn được 8 năm và năm đó, gia đình hai bên tổ chức cho hai vợ chồng lễ hằng thuận. Trước khi được rước dâu về nhà chồng thì vào chùa làm lễ.
Lúc đó, mình chưa phải là Phật tử nhưng nhớ lời thầy chia sẻ về ý nghĩa chiếc nhẫn: “Nhẫn đeo ở tay không chỉ là lời nhắc nhở mình đã lập gia đình, nhẫn nại vượt qua khó khăn; nhẫn làm bằng vàng mà ‘vàng càng luyện càng tinh’ nên đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì danh lợi, tiền của, sắc đẹp mà thay lòng đổi dạ”.
Nhớ lời phát nguyện lúc hằng thuận, nguyện đi trọn một đường nên khi hai vợ chồng có lúc bất đồng quan điểm, suýt ly hôn nhưng đã kịp dừng lại, tĩnh tâm và cùng nhau tháo gỡ các nút thắt.
“Hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng nhưng may mắn là vợ chồng mình biết, khi mình giữ 5 giới của người Phật tử và hành trì mỗi ngày, mái ấm của mình ngày càng hạnh phúc. Khi mình làm ba mẹ thì mình càng ý thức và thấm hơn giáo lý; mọi hành vi đều nhắc mình ‘mình là Phật tử’, nghĩa là mình không chỉ sống cho mình, mà còn là tấm gương cho con trẻ”.
Ngô Ái Huê (SN 1990), Q.5, TP.HCM
Hồi hộp chờ đợi, đến lễ hằng thuận được diễn ra, cả hai vợ chồng đón nhận được nhiều điều thiêng liêng, xúc động: “Lời khuyên của quý thầy trong buổi lễ hằng thuận không phải mới mẻ (xoay quanh trách nhiệm người chồng, người vợ, làm con, làm rể, làm dâu, làm cha mẹ sau này), vì mình quy y từ nhỏ và hàng ngày đã áp dụng giáo lý Đức Phật vào cuộc sống. Nhưng trong không khí trang nghiêm của lễ hằng thuận, quỳ trước tượng Phật và trong hôn nhân của chính mình thì ‘thấm’ hơn rất nhiều”.
Gia Xương chia sẻ thêm: “Cả nhà hai bên gia đình ai cũng hoan hỷ tiếp nhận buổi lễ, buổi lễ diễn ra ngắn và ý nghĩa, không nhiều chi phí như mình nghĩ. Hai vợ chồng dâng hoa, quả phẩm đảnh lễ Tam bảo, và cúng dường quý thầy trong lời chúc phúc. Xúc động nhất là khi thầy giải thích ý nghĩa chiếc nhẫn, sau đó chúng mình được trao nhẫn cho nhau trước sự chứng minh của Tam bảo, hai vợ chồng cảm nhận được điều thiêng liêng với gắn kết... khoảnh khắc đó hai nhà trai gái đều khó quên”.
Về chùa xin làm lễ hằng thuận cho con
Chị Kim Anh, 52 tuổi tìm đến chùa Thiên Tôn (Q.5, TP.HCM) để xin quý thầy tổ chức lễ hằng thuận cho con gái Lưu Bảo Hân (28 tuổi). Chị Kim Anh đến với tâm nguyện thiết tha, ngoài việc tặng cho con món quà là được thấm sâu giáo lý Đức Phật qua lời dạy của quý thầy, để con áp dụng vào đời sống hôn nhân, thì còn nhiều ý nghĩa sâu xa và cũng là lời gửi gắm của chị với gia đình thông gia.
“Lần đầu tiên gia đình thông gia dự lễ hằng thuận, ai cũng hoan hỷ thực hiện các nghi lễ và lắng nghe lời quý thầy truyền trao; xúc động nhất là hai bên gia đình khi nghe được kinh Thiện Sanh, về 6 mối quan hệ đạo đức, gia đình và xã hội, ai cũng muốn thực hành sống với nhau bằng tình thương và biết cách cư xử với nhau cho phải đạo”, chị Kim Anh không giấu được niềm hạnh phúc của mình.
Con gái và con rể chị Kim Anh đều cảm thấy hạnh phúc, trân quý với món quà ý nghĩa, khi mẹ “tặng cho lễ hằng thuận”. Vì đó là tấm lòng, là sự thương yêu, là quà tặng, cũng là “chìa khóa” để Bảo Hân - con gái và Gia Lâm - con rể chị Kim Anh có thêm bí quyết xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong hôn nhân. Lễ hằng thuận theo đó mà có nhiều ý nghĩa thiêng liêng, không chỉ là cầu nối gắn kết đôi trẻ, mà còn là cơ hội để ông bà, cha mẹ có cơ hội nhận diện, để cùng chung tay vun vén hạnh phúc cho con cháu, xây dựng mái ấm gia đình, và tạo thêm phúc đức.
Buổi lễ kết thúc, chị Kim Anh cho biết thêm: “Mặc dù lễ diễn ra ngắn nhưng tôi rất cảm động vì điều ý nghĩa nhất tôi mong muốn đã được truyền đi một cách trọn vẹn nhất. Con gái và con rể có thêm hành trang; đặc biệt, chị gái tôi quay về với đạo, tín tâm hơn với Tam bảo cũng nhờ tham dự buổi lễ này, khi lắng nghe giáo lý quý thầy truyền trao”. Niềm hạnh phúc thêm trọn vẹn với gia đình chị Kim Anh.
“Phật hóa gia đình là một trong những điều chúng tôi rất quan tâm trong công tác hướng dẫn Phật tử nói chung và rất quan tâm đến giới trẻ. Trong giai đoạn công nghệ phát triển, đời sống người dân có nhiều thay đổi, bản thân chúng tôi cũng tăng cường đổi mới các phương thức thực hiện chương trình Phật hóa gia đình, để đem Phật pháp vào đời sống.
Ngoài việc tổ chức các khóa tu, hội trại, hội thi giáo lý, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lễ hằng thuận. Trước khi đến với đời sống hôn nhân, các bạn trẻ nên thực hiện lễ hằng thuận, được quý thầy truyền đạt những lời Phật dạy, không chỉ vợ chồng trẻ mà cả hai họ cùng lắng nghe và cùng thực hành, ứng dụng lời Phật dạy, để mang đến lợi ích thiết thực ngay trong đời sống hiện tại của người Phật tử tại gia.
Phật hóa gia đình hướng đến khuyến khích các thành viên trong hộ gia đình quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, ứng xử với nhau trên tinh thần lục hòa Đức Phật đã dạy, để có thêm nhiều kỹ năng, xây dựng gia đình hạnh phúc, an vui”.
Hòa thượng Thích Chơn Không
Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/giao-ly-xay-to-am-post74556.html