Giáo sư Bùi Khánh Thế qua đời

Giáo sư Bùi Khánh Thế là một nhà khoa học và nhà giáo dục uy tín, được nhiều người kính trọng. Ông là tấm gương sáng về sự học tập và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

GS Bùi Khánh Thế

GS Bùi Khánh Thế

Nguồn tin từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) cho biết Giáo sư Bùi Khánh Thế đã qua đời hôm 1-4, hưởng thọ 88 tuổi.

GS Bùi Khánh Thế sinh năm 1936 tại Bình Định. Ông bắt đầu giảng dạy tiếng Nga tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội từ năm 1959 dù chưa có bằng đại học.

Sau đó, ông tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1968 và ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1969. Ông nhận bằng Tiến sĩ Ngữ văn tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1981, được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 2004.

Từ năm 1977 đến 1986, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP HCM - nay là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM). Ông là người đặt nền móng cho Khoa Đông phương học tại Trường ĐH Tổng hợp TP HCM vào năm 1994.

Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học tiêu biểu như: Nhập môn ngôn ngữ học (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995); Từ điển Chăm - Việt (chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995); Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (NXB ĐHQG TP HCM, 2001); Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh (NXB ĐHQG TP HCM, 2011); Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012).

Ông đã dẫn dắt nhiều thế hệ học trò thành đạt, trong đó có nhiều người trở thành nhà khoa học và nhà giáo dục nổi tiếng.

PGS- TS Nguyễn Hữu Đạt trong bài "GS- TS- NGND Bùi Khánh Thế - một tấm gương về sự "khổ học thành tài" có viết: Đối với học trò, GS Bùi Khánh Thế là người nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Ông thường tận tâm chỉ bảo cho học trò những gì khiếm khuyết và cổ vũ họ tinh thần say mê nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, thời còn sinh viên chúng tôi không được học ông nhiều giờ mà ấn tượng về ông lại rất sâu đậm. Trong đó, một trong những mặt nổi bật nhất rất đáng để cho các thế hệ đi sau học tập, đó là tinh thần tự học, tự vận động trong mọi hoàn cảnh để trở thành nhà khoa học có bản lĩnh nghề nghiệp có trình độ chuyên môn rộng và sâu. Ông quả thực là tấm gương sáng với bốn chữ "khổ học thành tài".

Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-su-bui-khanh-the-qua-doi-196240402152502179.htm