Giáo sư, Hiệp sĩ Anh gốc Việt Jonathan Van Tam trao đổi với 300 nhà khoa học Việt Nam

Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam - Giáo sư gốc Việt đầu tiên được phong tước Hiệp sĩ của Hoàng gia Anh đã có buổi trao đổi, chia sẻ khoa học với khoảng 300 khách tham dự là các chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu, ban lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam chia sẻ về kinh nghiệm, trải nghiệm của cuộc đời ông trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam chia sẻ về kinh nghiệm, trải nghiệm của cuộc đời ông trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Nhận lời mời từ Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam chính thức có chuyến thăm Việt Nam kéo dài 5 ngày (từ 5-9/12/2023). Trong thời gian này, Giáo sư, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi và nói chuyện với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế.

Tại buổi trao đổi khoa học, Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam đã có bài nói chuyện với chủ đề "Từ Việt Nam đến số 10 Phố Downing". Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam chia sẻ: “Tôi rất vinh dự và xúc động khi được đứng tại đây, trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của mình. Số 10 Phố Downing là dinh thự của Thủ tướng Anh. Sở dĩ, tôi đặt tên như vậy vì đây không chỉ là bài khoa học mà còn là câu chuyện của đời tôi - một người con gốc Việt sát cánh với Thủ tướng Anh trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng (dịch Covid-19 - PV) tồi tệ nhất trong 100 năm qua”.

Trong suốt bài nói chuyện, Giáo sư đúc kết những điều đã học và làm trong quãng đường sự nghiệp của mình. Ông hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm này có thể giúp các nhà nghiên cứu, bác sĩ trẻ Việt Nam với tuổi đời hay mới dấn thân vào con đường nghiên cứu có thể tham khảo để vững tin khi muốn đóng góp cho chính sách y tế công cộng sau này.

Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư đã có nhiều câu nói đầy tâm huyết như khẩu hiệu truyền lửa đến các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam: “Gia đình tôi không có tiền cho những thứ xa xỉ hay những món đồ phù phiếm nhưng để mua sách học thì tiền lúc nào cũng sẵn”; “Tôi nhận ra rằng muốn trở thành một bác sĩ giỏi, trí thông minh chỉ là một phần. Điều quan trọng không kém là học cách giao tiếp tốt và nhận diện các mô hình bệnh (patterns)”; “Khoa học chân chính sẽ phát huy tác dụng”...

Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam là chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh cúm, một nhà nghiên cứu vaccine, dịch tễ học gắn với bệnh truyền nhiễm, đối phó nhiễm trùng, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng… Trong chuyến về thăm quê hương lần này, với tình cảm sâu đậm dành cho nguồn cội Việt Nam, ông đặc biệt quan tâm tầm vóc và sự phát triển của hệ thống y tế dự phòng và y tế khám chữa bệnh của Việt Nam.

Những thông tin tại tọa đàm khoa học của Giáo sư đã mở ra cơ hội tuyệt vời giúp nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam được truyền cảm hứng, được kết nối, hỗ trợ, định hướng, tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam phát triển tầm quốc tế, thông qua các công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế của ông.

Giáo sư Jonathan Van Tam là người gốc Việt được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ danh giá vào đầu năm 2022 vì những đóng góp to lớn, thiết thực, mang tính cách mạng của ông trong đại dịch Covid-19 tại Anh. Ông còn là nguyên Phó giám đốc Y tế Trung ương - phụ trách chuyên môn, cố vấn khoa học cho Thủ tướng Anh.

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Phó chủ tịch thường trực Hội Y tế dự phòng Việt Nam bày tỏ niềm vui khi Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam phản hồi thư và nhận lời mời thăm Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề ngoại giao giữa các nhà khoa học 2 nước mà kỳ vọng sẽ có dịp trao đổi nhiều vấn đề khoa học liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh mới, từ kinh nghiệm của Anh và từ một chuyên gia của lĩnh vực này.

"Đây là vấn đề nóng của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, những bài học của phòng, chống dịch của Anh chắc chắn sẽ có ý nghĩa thiết thực với Việt Nam chúng ta, đặc biệt giúp những người làm công tác tiêm chủng vaccine của chúng tôi làm tốt hơn nữa trong công việc của mình”, Giáo sư Nguyễn Trần Hiển bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, Trưởng nhóm các bệnh Nhiễm trùng mới nổi, OUCRU Việt Nam cùng nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ có buổi nói chuyện sôi nổi với Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, Trưởng nhóm các bệnh Nhiễm trùng mới nổi, OUCRU Việt Nam cùng nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ có buổi nói chuyện sôi nổi với Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam.

Trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Giáo sư có những đóng góp to lớn trong việc tư vấn chính sách cho công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam, được Đại sứ quán Việt Nam tại Anh vinh danh.

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Giáo sư từ lời mời của Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) khẳng định năng lực, tầm nhìn của Viện nghiên cứu Tâm Anh trong nỗ lực tiếp cận khoa học thế giới, thông qua vai trò quan trọng của các giáo sư, các nhà khoa học, góp phần giúp các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học quy mô quốc tế, tham gia cùng nghiên cứu và giải quyết những vấn nạn y tế mang tính toàn cầu, như là vấn đề dịch bệnh cấp bách.

Kết thúc buổi gặp gỡ với các chuyên gia y tế đầu ngành Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh cùng nhiều nhà khoa học, bác sĩ trẻ có đam mê nghiên cứu y học, một lần nữa, Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam nói: “Cảm ơn tất cả các bạn cho tôi đặc ân và cơ hội được về thăm quê cha đất tổ. Tại thời điểm này trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, tôi dành tâm huyết cho việc đào tạo thế hệ tương lai”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giao-su-hiep-si-anh-goc-viet-jonathan-van-tam-trao-doi-voi-300-nha-khoa-hoc-viet-nam-post786346.html