Giáo sư Hiệp sĩ người Anh gốc Việt về nước truyền lửa nghiên cứu khoa học
Chiều 6/12 tại hội trường Viện Nghiên cứu Tâm Anh, GS, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam đã chia sẻ về đời làm nghiên cứu khoa học với hơn 300 khách mời là chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, nhà nghiên cứu Việt Nam.
Giữ gìn truyền thống ham học của người Việt giữa trời Tây
Trước khi mở đầu bài nói chuyện “Từ Việt Nam đến số 10 Phố Downing”, GS. Jonathan kể về mẩu đối thoại với cha lúc nhỏ: “Con mua đồ chơi mới được không? - Không! Con mua quần áo mới được không? - Không! Con mua sách được không? - Được, con muốn mua bao nhiêu cuốn?”
Theo GS. Jonathan, giống như các bậc phụ huynh Việt Nam truyền thống, cha ông rất coi trọng giáo dục. Dù gia đình không có nhiều tiền cho những thứ xa hoa, phù phiếm nhưng nếu con cái muốn học từ sách thì luôn sẵn sàng. Cha là người có ảnh hưởng lớn đến khao khát nghiên cứu y khoa của ông.
Với giọng kể cuốn hút về cha, GS. Jonathan đã truyền cảm hứng, tình yêu tri thức, tinh thần học hỏi không ngừng đến những khách mời có mặt tại hội trường TAMRI. Và hình ảnh về số 10 Phố Downing hiện ra. Căn nhà số 10 phố Downing (Luân Đôn) là dinh thự của các thế hệ Thủ tướng Anh, cũng là nơi chứng kiến điều chưa từng có tiền lệ: một người gốc Việt trở thành Phó Giám đốc Y tế Trung Ương - Phụ trách chuyên môn, Cố vấn khoa học cho Thủ tướng Anh giai đoạn 2017 - 2022.
Để có thành công này, ông đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách cam go với bản thân, gia đình và toàn xã hội khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các bệnh viện trên khắp thế giới đã vật lộn để đối phó với nhiều người cao tuổi. Cách duy nhất để sớm kết thúc đại dịch là sớm có vắc xin.
GS, Hiệp sĩ Jonathan Van Tam kể lại: “Đây là biện pháp hữu hiệu nhất nên chúng tôi phải thử. Sứ mệnh trở nên nặng nề hơn khi tôi biết rằng đang có hàng triệu người già ở Anh và thế giới đang sợ hãi dịch bệnh này”.
Và chính GS. Jonathan đã tham gia vào lực lượng đặc nhiệm sản xuất vắc xin trong vai trò cố vấn y tế, góp công lớn trong việc kiểm soát và đẩy lùi đại dịch, đồng thời thiết lập chương trình vắc xin vững chắc tại Anh.
Kết thúc bài phát biểu, GS. Jonathan gửi đến các bác sĩ, nhà nghiên cứu trẻ: “Tôi nhận ra, để trở thành bác sĩ giỏi, thông minh chỉ là một phần. Điều quan trọng là phải học cách giao tiếp tốt và nhanh chóng nhận biết các dạng bệnh”; “Tôi khuyến khích các bạn trẻ chủ động nghiên cứu vì trong những đại dịch tiếp theo, các bạn chính là người lãnh trọng trách đối phó dịch bệnh”; “Tôi khuyến khích các bạn trẻ tận dụng mọi cơ hội để giỏi hơn, hãy học hỏi liên tục, cả bên ngoài môi trường của mình”; “Bác sĩ điều trị không phải chỉ giúp cho người bệnh khỏe mạnh nhất thời mà phải nghiên cứu để cho mọi người không mắc bệnh”…
Cuộc đối thoại khoa học xuyên biên giới
Ngay khi kết thúc bài nói chuyện, từ đầu cầu Hà Nội, GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Phó Tổng giám đốc chuyên môn Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nói: “Người dân Anh xem ông là báu vật của Anh quốc. Còn đối với chúng tôi, ông là báu vật của thế giới”.
Sau chia sẻ của GS.TS.BS Ngô Quý Châu, khán phòng ở cả hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội xuất hiện hàng loạt cánh tay của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua và cả các bác sĩ, nhà nghiên cứu trẻ. Tất cả đều mong muốn được đối thoại thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần khoa học với Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam - “người hùng” chống dịch Covid-19 tại Anh.
Trả lời câu hỏi khi nào đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra, GS. Jonathan cho biết, chúng ta không thể dự báo được khi nào đại dịch tiếp theo xảy ra. Nhìn lại quá khứ, trong 5 đại dịch gần nhất trong quá khứ có đến 4 đại dịch cúm, cho nên tôi nghĩ khả năng đây sẽ đại dịch tiếp theo. Cần nhớ rằng, đây chỉ là dự đoán, khả năng sai rất cao.
Trả lời câu hỏi của BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM về vấn đề nhiều người quan niệm khác nhau, về cách đeo khẩu trang và chính sách giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19; GS. Jonathan Van Tam cho rằng không có giải pháp nào tuyệt đối trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cách duy nhất để làm điều này là thông qua các biện pháp giãn cách xã hội bao gồm cả phong tỏa. Các giải pháp chỉ mang tính tạm thời, giúp giảm thiểu nguy cơ. Khi đã có vắc xin và thuốc men thì chúng tôi có thể dừng các can thiệp xã hội và cho phép các can thiệp y tế thực hiện chức năng của mình.
Khi nhiều chuyên gia hỏi về khả năng ông có mở ra cơ hội hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu khoa học không? GS. Jonathan Van Tam chia sẻ, ông theo đuổi ngành y tế dự phòng với mục đích giúp nhiều người không mắc bệnh, chứ không chỉ ở mức độ điều trị bệnh. Và tận sâu thẳm lòng mình, ông còn sức khỏe là còn giúp đời.
Một số ảnh của Giáo sư Hiệp sĩ Jonathan Van Tam tham quan các địa điểm tại TP.HCM: