Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, một trí thức khiêm nhường
Đối với Khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là một con người hết sức đặc biệt. Các buổi nói chuyện của thầy chúng tôi nghe say mê và sảng khoái bởi kiến thức rộng lớn và cách nói chuyện đặc trưng của thầy.
Thầy giảng luôn quên giờ giấc, nhất là khi giảng về tiếng Việt với sự đa thanh, đa nghĩa đến hóc hiểm, song thầy Hiến giảng hết sức dễ hiểu, dễ nhớ.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21 tháng 7 năm 1930 tại Nam Định. Quê gốc của ông là làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau năm 1945, ông tản cư cùng gia đình, tiếp đó học Trường Trung học Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh và được gửi đi đào tạo ở Liên Xô (cũ).
Năm 1959, ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành Lý luận phê bình tại Đại học Tổng hợp Matxcơva, sau đó trở về giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tiếp đó, như một cơ duyên đặc biệt, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cùng với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Vĩnh Cư và một số người tâm huyết đã đề xuất sáng lập và chèo lái con thuyền Trường Viết văn Nguyễn Du.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, học viên khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du đã có lần xúc động nói: “Là hiệu trưởng, là người lên chương trình giảng dạy cho trường, là một nhà sư phạm xuất sắc và một nhà nghiên cứu văn học uyên bác, nhưng thầy Hiến chỉ dạy chúng tôi có đúng một tiết lý luận văn học 45 phút. Thầy chỉ tự cho phép mình lên bục giảng có 45 phút thôi, trong suốt 3 năm học. Vì thầy là một trí thức biết tập hợp xung quanh mình những trí thức khác, biết để cho những trí tuệ khác tỏa sáng. Khiêm nhường đến thế mới là thầy của chúng tôi”.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21 tháng 7 năm 1930 tại Nam Định. Quê gốc của ông là làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau năm 1945, ông tản cư cùng gia đình, tiếp đó học Trường Trung học Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh và được gửi đi đào tạo ở Liên Xô (cũ). Năm 1959, ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành Lý luận phê bình tại Đại học Tổng hợp Matxcơva, sau đó trở về giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tiếp đó, như một cơ duyên đặc biệt, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cùng với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Vĩnh Cư và một số người tâm huyết đã đề xuất sáng lập và chèo lái con thuyền Trường Viết văn Nguyễn Du.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nổi tiếng với khái niệm “văn học phải đạo”. Chính vì khái niệm này đã khiến ông luôn không thuận buồm xuôi gió đúng như lời ông viết về Nguyễn Huy Thiệp còn tranh luận tới tận hôm nay. Trên thực tế, nền văn học nghệ thuật ở nước ta với sự phát triển đa dạng của nó luôn diễn ra trong khuôn khổ “văn học phải đạo” theo ý thầy Hoàng Ngọc Hiến cũng không có gì sai khác.
Song, nhiều người lại hiểu khác ý thầy, cho rằng “văn học phải đạo” tức là phải chuyên chở những gì đặc trưng nhất của văn học mà nó phải phục vụ ngay lập tức trong thời điểm thể chế chính thống mà gạt ra ngoài những thứ khác mới khiến mọi người phải tranh luận mãi đến mức như không thể dừng được. Điều đó khiến thuật ngữ của thầy một số người trong giới lý luận phê bình mượn làm võ đài đấu đá những thứ ngoài văn học.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến thường có những phát ngôn độc đáo. Thầy từng nói: “Không phải chỉ trong lĩnh vực phê bình văn học, mà trong mọi lĩnh vực liên quan đến việc đi tìm cái Thật, cái Đẹp, tôi càng ngày càng nghiệm ra câu nói của Évariste Galois, một nhà toán học Pháp thế kỷ 19: “Chúng ta không đi đến chân lý, chúng ta chỉ va chạm vào chân lý”.
Năm 1987, thầy Hiến viết một bài giới thiệu truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh - một học trò của ông. Bài viết đã khai sinh ra một khái niệm “dòng văn học bước qua lời nguyền” gây sóng gió trên văn đàn nhưng cũng tạo ra trào lưu đổi mới đã cho thấy cái chất Hoàng Ngọc Hiến tuyệt không lẫn với ai. Sau này, trong một buổi tọa đàm về Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến khi ông đã mất, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã xúc động ngâm nga vần thơ tự sáng tác:
“Than ôi công ông lớn
Bao học trò thành danh!
Tên tuổi trùm thiên hạ
Đều từ đây mà thành...
Thời “hiện thực phải đạo”
Thời “bước qua lời nguyền”
Thời “loanh quanh minh triết”
Vẫn giữ vẹn phẩm tiết!”.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã để lại nhiều công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học và dịch thuật. Tiêu biểu phải kể đến: “Maiacôpxki - Con người, cuộc đời và thơ” (khảo cứu, tuyển dịch, 1976); “Maiacôpxki” (hài kịch, dịch, 1984); “Văn học Xô viết đương đại” (khảo cứu, 1987); “Văn học - văn học” (tiểu luận và phê bình, 1992); “Văn học và học văn” (tiểu luận phê bình, 1997); “Văn học gần và xa” (tiểu luận, 2000); “Minh triết phương Đông và triết học phương Tây” (tuyển tập những công trình của nhà triết học đương đại Pháp Francois Jullien, 2004); “Triết lý văn hóa và triết luận văn chương” (khảo cứu, 2006); “Văn hóa và văn minh - Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý” (2007); “Hoàng Ngọc Hiến - Tuyển tập chọn lọc” (2008); “Xác lập cơ sở cho đạo đức - Bàn về tính hiệu quả” (dịch từ sách của Francois Jullien)... đã cho thấy biên độ rất rộng lớn trong nghiên cứu phê bình văn học và dịch thuật của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến.
Rất nhiều bài nói, bài viết, bài trả lời phỏng vấn của thầy trong suốt mấy chục năm đều mang hàm lượng tri thức rất cao. Nhiều vấn đề mới mẻ, hóc hiểm đều được thầy Hiến lý giải tường tận nằm trong các bài đó rất cần được quy hoạch và in thành sách. Điều này, mong muốn rằng các học trò của thầy Hiến hãy mau chóng thực hiện.
Đối với Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 6 chúng tôi, khi đối diện với việc chuyển từ mô hình Trường Viết văn Nguyễn Du thành Khoa Sáng tác, Lý luận phê bình đã như một thách thức về ý thức trách nhiệm và niềm tin, cả tâm tư tình cảm và quyền cất lên tiếng nói từ lương tri của mình với một dấu mốc mang tính lịch sử của một ngôi trường độc đáo với những thành tựu lớn trong định hình và góp nên những tên tuổi của nền văn học nghệ thuật. Anh chị em khóa 6 rất không mong muốn việc chuyển từ trường thành khoa.
Giới văn bút chia ra với nhiều phân tích, nhận định, hiến kế sách khác nhau nhưng tuyệt nhiên không thấy Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói gì. Ông giữ một thái độ im lặng cũng chính là tinh thần khoa học theo bản tính của ông. Đến hôm nay, chúng tôi vẫn cho rằng thái độ đó là chừng mực và đúng đắn. Có những vấn đề không thể nào trả lời ngay rằng đúng hay sai.
Là học trò của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, trong những năm chúng tôi học ở Trường Viết văn Nguyễn Du đều học thầy qua lối tâm truyền, thậm chí là truyền tai nhau những giai thoại về thầy. Chúng tôi luôn hiểu rằng, sáng tạo là độc lập, đơn độc tìm đường đi nước bước cho mình.
Dù hay như Nguyễn Du cũng chỉ nên có một mới là bản sắc riêng và có giá trị riêng. Không thể nào có hai Nguyễn Du, cũng không nên có hai Hoàng Ngọc Hiến. Điều đó hình như chính thầy Hiến đã nhiều lần nói. Mà nếu thầy im lặng không nói cũng chính là trao truyền tư duy độc lập phải suy nghĩ, phải khẳng định, phải dám chịu trách nhiệm của mỗi người.
Khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du gần ba mươi anh chị em chúng tôi mỗi người mỗi con đường sáng tác, làm việc ở các khu vực khác nhau, đều độc lập tư duy đúng như mong muốn của thầy. Các anh chị, nhiều người đã bước vào lứa U60, U50 hẳn nhiên trong tâm tư và hoạch định cuộc đời mình, đều nhớ rất rõ những lời thầy dạy.
Trong buổi sáng mùa thu trời cao xanh thoáng rộng, anh chị em Khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du chúng tôi vẫn luôn nhớ tới thầy.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã để lại nhiều công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học và dịch thuật. Tiêu biểu phải kể đến: “Maiacôpxki - Con người, cuộc đời và thơ” (khảo cứu, tuyển dịch, 1976); “Maiacôpxki” (hài kịch, dịch, 1984); “Văn học Xô viết đương đại” (khảo cứu, 1987); “Văn học - văn học” (tiểu luận và phê bình, 1992); “Văn học và học văn” (tiểu luận phê bình, 1997); “Văn học gần và xa” (tiểu luận, 2000); “Minh triết phương Đông và triết học phương Tây” (tuyển tập những công trình của nhà triết học đương đại Pháp Francois Jullien, 2004); “Triết lý văn hóa và triết luận văn chương” (khảo cứu, 2006); “Văn hóa và văn minh - Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý” (2007); “Hoàng Ngọc Hiến - Tuyển tập chọn lọc” (2008); “Xác lập cơ sở cho đạo đức - Bàn về tính hiệu quả” (dịch từ sách của Francois Jullien)... đã cho thấy biên độ rất rộng lớn trong nghiên cứu phê bình văn học và dịch thuật của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến.