Giáo sư kinh tế Mỹ nhận định về chiến lược thuế quan của Tổng thống Trump

Thị trường tài chính Mỹ bùng nổ sau một cú 'quay xe' khó đoán từ Tổng thống Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 12/4, quyết định đầy bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm hoãn áp thuế quan toàn cầu trong vòng 90 ngày vừa qua đã làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới, khơi dậy một làn sóng tranh cãi gay gắt.

Tuần qua, thị trường toàn cầu chứng kiến một phen chao đảo sau khi các mức thuế quan mà chính quyền Trump công bố trước đó chính thức có hiệu lực vào rạng sáng 9/4. Ngay lập tức, thị trường phản ứng tiêu cực, lao dốc không phanh. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, một diễn biến bất ngờ đã xảy ra. Vẫn giữ nguyên mức thuế chung 10% đối với hàng nhập khẩu, nhưng hàng loạt các loại thuế bổ sung khác, có mức áp dụng lên đến 50% đối với một số quốc gia, đã được bãi bỏ một cách chóng vánh.

Phản ứng của thị trường trước thông tin này không khác gì một cú đảo chiều ngoạn mục. Từ vực sâu, các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ như S&P 500 và Nasdaq đồng loạt bật tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất trong ngày kể từ năm 2008. Điều đáng chú ý là Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất không nằm trong danh sách được "loại bỏ" thuế quan, thậm chí còn chứng kiến mức thuế bị áp đặt ngày càng gia tăng.

Sự thay đổi đột ngột này đã làm dấy lên không ít hoài nghi trong giới quan sát và chính trị gia. Đảng Dân chủ đã không ngần ngại kêu gọi một cuộc điều tra sâu rộng về động thái này của Tổng thống Trump. Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, ông Hakeem Jeffries, tuyên bố đảng này sẽ "quyết liệt yêu cầu câu trả lời và sự minh bạch", đặc biệt là liên quan đến các giao dịch mua bán cổ phiếu diễn ra trong những ngày gần đây. Các Thượng nghị sĩ Adam Schiff và Ruben Gallego thậm chí còn đề xuất một cuộc điều tra về đạo đức để làm rõ liệu có cá nhân nào đã hưởng lợi tài chính từ việc nắm trước thông tin về quyết định thay đổi thuế quan của Tổng thống Trump hay không.

Đáp lại những cáo buộc này, người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai khẳng định rằng "Tổng thống Mỹ có trách nhiệm trấn an thị trường và người dân Mỹ về an ninh kinh tế của họ trước những lời đe dọa liên tục của giới truyền thông".

Bên cạnh đó, phải thấy rằng khả năng tiến hành một cuộc điều tra như vậy tại Quốc hội Mỹ, nơi cả hai viện đều đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, hoặc tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), cơ quan chịu trách nhiệm điều tra các trường hợp giao dịch nội gián, dường như là rất thấp.

Trong khi đó, một số nhà quan sát lại giải thích động thái khó hiểu này của ông Trump dưới góc độ chiến lược đàm phán. Họ viện dẫn cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" xuất bản năm 1987 của chính ông như một "kim chỉ nam" cho chính sách thuế quan hiện tại. Bản thân ông Trump cũng từng tuyên bố rằng chiến lược của ông đã buộc các nền kinh tế khác phải ngồi vào bàn đàm phán lại các điều khoản thương mại.

Ngược lại, những ý kiến khác cho rằng quyết định tạm dừng áp thuế, đặc biệt là sau phản ứng tiêu cực của thị trường, cho thấy một chiến lược kinh tế đầy hỗn loạn và thiếu nhất quán.

Giáo sư kinh tế David Bieri tại Virginia Tech nhận định rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định ý nghĩa thực sự của việc tạm dừng thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng việc đơn giản hóa hành động này thành một chính sách vội vã là một sai lầm. Thay vào đó, ông mô tả đây như một loại "sonar" (cảm biến) mà ông Trump sử dụng để thăm dò phản ứng của thế giới đối với cách tiếp cận thương mại dựa trên thuế quan của mình.

"Theo những gì tôi thấy được, đây không phải là dấu hiệu cho thấy ông ấy thay đổi quan điểm hay đi chệch khỏi chương trình nghị sự về thuế quan của mình. Đơn giản là ông ấy cho mọi người một chút thời gian nghỉ ngơi, hoặc một hình thức thống trị chiến lược để liên tục điều chỉnh các quy tắc của trò chơi. Trong chiến thuật đàm phán, điều này rất phổ biến, vì nó có nghĩa là bạn đang thiết lập ưu thế - bạn liên tục khiến mọi người phải lùi bước", Giáo sư Bieri phân tích.

Ông Bieri cũng cho rằng kế hoạch của Tổng thống Trump là một nỗ lực nhằm giải quyết vai trò đang thay đổi của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu và mức nợ công cao kỷ lục.

"Trong phần lớn 50 năm qua, vai trò của nước Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi. Và đã có một sự chậm trễ trong việc các thể chế của Mỹ trong việc thu hẹp khoảng cách giữa vai trò của họ trên toàn cầu so với vai trò của họ trong nước... nơi (Mỹ) vừa là nhà cung cấp an ninh tài chính toàn cầu vừa là nhà cung cấp sự ổn định (kinh tế) và nền kinh tế trong nước đang thay đổi nhanh chóng", ông Bieri nhấn mạnh.

Sau một tuần đầy biến động, giới quan sát và các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những động thái tiếp theo của Tổng thống Trump, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn đang leo thang. Nếu Washington thực sự đang tìm cách định hình lại vai trò kinh tế toàn cầu của mình, thì theo Giáo sư Bieri, điều này sẽ mở ra cơ hội cho các nền kinh tế khác lấp đầy khoảng trống lãnh đạo.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giao-su-kinh-te-my-nhan-dinh-ve-chien-luoc-thue-quan-cua-tong-thong-trump-20250413092649993.htm