Giáo sư Lê Văn Lan: Tập tục văn hóa bản địa của Rằm tháng bảy đang bị lấn át

Lễ Vu lan là một quan niệm của Phật giáo có lẽ chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào giữa thế kỷ 20 ở miền Nam, rồi sau này mới có ở miền Bắc. Vậy Vu lan là gì? Nếu cắt nghĩa theo từ Hán Việt thì nó không có nghĩa gì…

PV: Thưa Giáo sư, trong đời sống hiện nay vẫn đang song hành các quan niệm khác nhau về ngày lễ Rằm tháng bảy. Theo tập tục văn hóa của người Việt thì rằm tháng bảy là lễ xá tội vong nhân, bởi vậy tháng bảy gọi là tháng cô hồn. Đồng thời cũng tồn tại song song quan niệm Rằm tháng bảy là Lễ Vu lan, báo hiếu cha mẹ. Ông có thể giải thích thêm về điều này?

GS Lê Văn Lan.

GS Lê Văn Lan.

GS LÊ VĂN LAN: Theo văn hóa truyền thống của người Việt thì cả tháng bảy được quan niệm là “tháng cô hồn”, Rằm tháng bảy là lễ xá tội vong nhân. Kể cả tiết trời tháng bảy cũng phù hợp khi thường là mưa gió sụt sùi. Tín ngưỡng dân gian cho rằng Rằm tháng bảy là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. Bởi vậy Rằm tháng bảy người Việt cúng cháo thí đựng trong cái bồ đài ở các gốc đa để giúp đỡ cho những cô hồn vất vưởng. Quan niệm này có từ rất lâu đời và được người Việt thực hành như một nghi thức văn hóa quan trọng trong năm. Tới mức văn học Việt Nam đã có những tác phẩm rất hay như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông từ thế kỷ 15 và Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du cuối thế kỷ 18.

Suốt cả nửa đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam chưa có ai nói đến Lễ Vu lan. Lễ Vu lan là một quan niệm của Phật giáo có lẽ chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào giữa thế kỷ 20 ở miền Nam, rồi sau này mới có ở miền Bắc. Vậy Vu lan là gì? Nếu cắt nghĩa theo từ Hán Việt thì nó không có nghĩa gì. Bởi vì nó là từ được đọc theo phiên âm từ chữ tiếng Phạn gốc là Ullambana. Phiên âm theo chữ Hán là Vu lan bồn. Cho nên, nếu đầy đủ phải gọi là Lễ Vu lan bồn, hiện nay nói Lễ Vu lan là cắt xén.

Tiếng phạn Ullambana có nghĩa là Nỗi khổ bị treo ngược kể về truyền thuyết mẹ của nhà sư Mục Kiền Liên bị đày xuống địa ngục. Rồi ngài được Đức Phật dạy cho cách nhờ chư tăng vào ngày Rằm tháng bảy chú nguyện mà giải thoát cho mẹ khỏi nỗi khổ bị treo ngược. Từ đó, Rằm tháng bảy theo đạo Phật là Lễ Vu lan bồn để thực hành Hiếu hạnh, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên.

Thưa Giáo sư, sự tiếp nhận văn hóa này đang đem lại những giá trị tích cực khi con người có một dịp để đề cao chữ Hiếu, thực hành những việc làm tốt đẹp hướng tới ông bà, cha mẹ, tổ tiên?

- Tôi không phủ nhận những giá trị tốt đẹp khi xã hội đang ngày càng quan tâm thể hiện lòng hiếu thảo. Rằm tháng bảy bây giờ trở thành lễ cúng to trong năm. Thậm chí bây giờ Rằm tháng bảy được hiểu là Lễ Vu lan (mà đáng lẽ phải gọi đúng là Vu lan bồn) hiện nay đang là quan niệm phổ biến hơn trong xã hội. Thậm chí còn có phần lấn át tập tục Rằm tháng Bảy là lễ Xá tội vong nhân của tín ngưỡng dân gian. Không ít người bây giờ chỉ biết Rằm tháng bảy là lễ Vu lan báo hiếu. Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu sửa mình. Đấy là câu của cụ Đồ Chiểu. Cho nên đề cao chữ Hiếu thì tốt. Nhưng đứng ở góc độ của người nghiên cứu văn hóa, tôi vẫn muốn ngày Rằm tháng bảy trở về với đúng tín ngưỡng dân gian Việt Nam là lễ Xá tội vong nhân với cái bồ đề cháo thí cúng quanh gốc đa đầu tính nhân văn, nhân bản. Còn lễ Vu lan bồn của đạo Phật thì các nhà chùa và Phật tử vẫn thực hành theo nghi thức của đạo Phật.

Hiện nay, tôi thấy cách thực hành tín ngưỡng có phần bị lạm dụng, biến tướng khiến nhân danh việc thực hành Hiếu hạnh người ta đã làm những việc rườm rà, lôi thôi như đốt rất nhiều vàng mã cho người cõi âm rồi bảo là báo Hiếu…

Xin cảm ơn Giáo sư!

CT (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-su-le-van-lan-tap-tuc-van-hoa-ban-dia-cua-ram-thang-bay-dang-bi-lan-at-10288226.html