Giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng
Sáng 5-10, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Thiện Thành (30-9-1919 – 30-9-2019).
Tham dự Lễ kỷ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo TPHCM và tỉnh Trà Vinh cùng Tổng Lãnh sự các quốc gia Nga, Trung Quốc, Campuchia, Lào đóng trên địa bàn TPHCM.
Về phía gia đình cố Giáo sư Nguyễn Thiện Thành có bà Dương Thị Minh là phu nhân và con trai là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Cống hiến cả cuộc đời cho ngành y
Nhớ lại về người cha của mình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động nói: Cha tôi có một đặc điểm là ít nói về mình, ông luôn tự quyết định phải làm gì và luôn có sự lựa chọn, dù cuộc đời có khó khăn tới đâu, ông cũng không bao giờ bế tắc.
Lần thứ nhất vào năm 1939 sau khi tốt nghiệp Tú tài Đông Dương loại ưu, ông được Cơ quan giáo dục điều hành Đông Dương (DRIP) chọn sang Pháp học với điều kiện học 1 trong 3 ngành là võ bị, chính trị và thương mại cao cấp. Đối với ông cả 3 ngành này đều không thể cứu cho nước, nhân dân nên ông đã từ chối và đề nghị được học ngành y để chăm sóc, chữa bệnh phục vụ đồng bào.
Lần thứ hai vào năm 1960 sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ loại xuất sắc, ông được Hội đồng Khoa học đề nghị ở lại làm tiến sĩ tại Liên Xô, ông cũng không ở lại mà bày tỏ nguyện vọng được trở về chiến đấu tại chiến trường miền Nam vì ông nghĩ đến sức khỏe đồng bào.
Lần thứ ba là năm 1964 khi đang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (sau này là Học viện Quân y) ông mong muốn trở về miền Nam và tháng 12-1964 ông trở về miền Nam trên con tàu không số.
Lần nói không thứ tư là sau năm 1975, ông làm ở Bệnh viện Thống Nhất thì có ý kiến đề xuất ông ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng ông nói rằng ông làm bác sĩ cũng rất tốt, bởi vì cứu chữa được nhiều hơn cho đồng bào của mình.
Hồi ức về vị thầy đáng kính của biết bao thế hệ thầy thuốc, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: trong hai cuộc kháng chiến kiên cường của dân tộc, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành vừa là một thầy thuốc cứu chữa thương bệnh binh, vừa là một chiến sĩ sẵn sàng cầm súng đương đầu với bom rơi, lửa đạn. Là một bác sĩ, ông luôn tận tụy làm việc, đau đáu với từng ca bệnh và trăn trở để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Tại chiến trường miền Đông Nam bộ, đau đớn trước hàng ngàn tân binh bị sốt rét hoành hành, nhiều người đã ngã xuống khi chưa kịp ra mặt trận, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra phác đồ điều trị sốt rét hiệu quả, giúp bộ đội tái tạo sức khỏe, trở lại chiến trường.
Đó chính là sáng chế Filatov, với tác dụng tuyệt vời trong việc tăng cường khả năng đề kháng, giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật. Khi chiến trường ngớt tiếng súng, ông là một người thầy giáo lấy hầm hào làm bục giảng, lấy kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức của mình đào tạo hàng ngàn y bác sĩ phục vụ hiệu quả, cứu chữa bệnh binh sau những trận càn quét của kẻ thù.
Dấu ấn của ông in đậm trong từng trang sử vẻ vang của Viện Quân y K71 và của toàn ngành quân y nước nhà.
“Đi qua tất thảy những gian khổ của chiến tranh, ông vẫn không có một ngày nghỉ ngơi cho riêng mình, công việc bộn bề của những ngày đất nước mới giải phóng đã cuốn ông miệt mài, bền bỉ xây dựng và phát triển Bệnh viện Thống Nhất. Giám đốc Nguyễn Thiện Thành cùng tập thể Đảng ủy triển khai nhiều chủ trương giải pháp đưa Bệnh viện Thống Nhất nhanh chóng trở thành một trung tâm y tế chất lượng cao trong khu vực và cả nước, hoàn hành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao là khám chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên địa bàn”, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh bồi hồi nhớ lại.
“Cuộc đời thầy là cuốn sách quý”
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Công, nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, phần lớn cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện Thống Nhất ngày hôm nay đều là học trò của thầy và chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy. Việc giáo dục đào tạo đội ngũ thầy thuốc cho thế hệ mai sau, không chỉ là trách nhiệm mà còn là một niềm đam mê. Không những thế, ông còn thường xuyên viết sách, tài liệu nhằm phổ biến kiến thức y học đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Còn theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, với kiến thức được đào tạo bài bản về chuyên ngành Lão khoa ở Liên Xô cùng với kinh nghiệm từng trải và tầm nhìn của một người làm công tác quản lý có khả năng bao quát lớn, có tư duy chiều sâu và là người luôn trăn trở với sức khỏe của đồng chí đồng bào mình, ông nhận thấy việc đào tạo bác sĩ có trình độ chuyên sâu về Lão khoa là rất cần thiết cho ngành y tế.
Giáo sư Nguyễn Thiện Thành (1919 -2013), ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
- Năm 1980, Ông được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư, là đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước.
- Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
- Năm 1989, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Ông đã dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu, biên soạn tài liệu, xây dựng đội ngũ con người để khai mở ra Bộ môn Lão khoa đầu tiên do chính ông làm Chủ nhiệm và trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
Việc nghiên cứu thành công tảo Spirulina và Kaglutam cũng là tình cảm và tâm huyết của ông trong việc nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi.
Việc bào chế ra hai loại dược phẩm này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á sản xuất ra tảo dạng viên.
Những đóng góp lớn lao của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành mãi mãi còn đó, là nền móng cho các bác sĩ trẻ kế thừa và phát triển.
Nhiều thế hệ học trò của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã nhận xét rằng, cả cuộc đời ông yêu và nặng nợ với ngành y. Ngoài thời gian cho công tác quản lý bệnh viện, còn lại ông dành cho việc nghiên cứu, học tập kiến thức y khoa. Trong công việc, ông nghiêm khắc với cấp dưới và nghiêm khắc với chính mình bởi ông hiểu rõ, bất cứ một sai sót nào của bác sĩ dù là nhỏ cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của con người. Ông hiểu rõ, xuyên suốt cuộc đời mình, ông chỉ có một luận án duy nhất, đó là sức khỏe của nhân dân và ông đã tận hiến không mệt mỏi để hoàn thành xuất sắc luận án đó.
Thay mặt gia đình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động nói: "Tự tận đáy lòng mình, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, UBND TPHCM, quê hương Trà Vinh, Bệnh viện Thống Nhất cùng đội ngũ y bác sĩ luôn dành cho cha tôi sự hỗ trợ về tinh thần và điều kiện làm việc trong những năm tháng vừa qua. Thưa Ba, 100 năm trước Ba sinh ra đời, chưa có Má, chưa có chúng con. Hôm nay Bệnh viện Thống Nhất, quê hương Trà Vinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ba, nhưng Ba đã đi xa. Má và chúng con, đồng đội, đồng nghiệp, quê hương, Đảng, Nhà nước, quân đội... vẫn nhớ đến Ba. Chúng con xin hứa với Ba, chăm sóc Má, góp phần gìn giữ truyền thống gia đình".
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm ôn lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của ông, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện cho những đồng nghiệp trong và ngoài Quân đội như: Đặt tượng Giáo sư Nguyễn Thiện Thành; tái bản cuốn sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành- Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng”; giới thiệu bộ phim tư liệu “Bác sĩ Filatov”.
Dịp này, Bệnh viện Thống Nhất cũng phát động cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành trong Đoàn viên thanh niên và nhân viên Bệnh viện.