Giáo sư Nhật Bản nâng cánh ước mơ cho sinh viên Việt Nam
Từ que tre, bọt biển và những linh kiện tự sản xuất hay đặt mua trên mạng, tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, thiết bị bay không người lái của Việt Nam đã ra đời. Giấc mơ bay cao của sinh viên ngôi trường miền Trung này đã được cất cánh nhờ sự tận tụy gần 2 năm qua của vị giáo sư tình nguyện đến từ Nhật Bản.
Ngày cuối năm tại khu thực hành của sinh viên trường Cao đẳng (CĐ) Công nghiệp Huế, một kỹ sư trong bộ quần áo bạc màu, đầy vệt quệt ngang dọc của dầu máy và bụi, đang cặm cụi cùng 4 cộng sự lắp ráp, chỉnh sửa một thiết bị dài hơn nửa mét. Dưới vành mũ lưỡi trai là mái tóc đã bạc và gương mặt lấm tấm mồ hôi của người đã ngoài 70 tuổi, ánh mắt chăm chú vào từng chi tiết được gắn, buộc trên thiết bị. Bàn tay với những vết đồi mồi không dễ dàng lách vào từng chi tiết nhỏ, nhưng mỗi cử chỉ của ông đều thu hút sự tập trung của các cộng sự.
Dưới sự hướng dẫn của ông, mỗi người trong nhóm đều chủ động với công việc, nhanh nhẹn nhưng cẩn trọng, kiểm tra, ghi chép lại từng công đoạn.
Một cú bấm nút. Thiết bị làm bằng cốt tre và bọt biển sơn hai màu đỏ - vàng mang hình dáng một chiếc máy bay, rung nhẹ, rồi từ từ chuyển động, tăng tốc dần đều. Chạy một vệt dài tới gần cuối khu thực hành, thiết bị tự động bung dù, giảm tốc độ, nhẹ nhàng dừng lại. Nhóm kỹ sư di chuyển theo, căn chỉnh, thắt buộc, rồi lại bắt đầu một lần thử nghiệm nữa.
“Huế đã vào mùa mưa, không bay ngoài trời được, chúng em kiểm tra ngay trong khu thực hành về khả năng phanh, hãm của máy bay không người lái. Trong quá trình hỗ trợ giáo sư OBIKANE Yasuo thực hiện mô hình máy bay không người lái, em đã học được các cách thức, quá trình để làm ra một thiết bị, học được kỹ thuật chế tạo, sử dụng phần mềm chế tạo…. Bên cạnh đó, em học được cách làm việc chuyên nghiệp của người Nhật”- sinh viên Huỳnh Thế Trường, lớp 17 CĐCK (trường CĐ Công nghiệp Huế), cho biết.
Hơn 1 năm với hàng nghìn lần thí nghiệm, giờ thì chiếc máy bay không người lái có thể cất và hạ cánh trên mặt nước của Việt Nam sắp ra mắt. Trong 5 phút, máy bay có thể bay 3-5km, tới những địa hình con người không tới được.
Video clip Giáo sư OBIKANE hướng dẫn sinh viên và các cộng sự thực hành thí nghiệm về máy bay không người lái:
“Kỹ thuật này hoàn toàn mới đối với chúng tôi, chúng tôi đã không thể nghĩ tới việc làm nó, và chắc là không thể hoàn thành nếu không có Giáo sư Nhật Bản”, TS Nguyễn Văn Anh, Trưởng khoa Cơ khí (trường CĐ Công nghiệp Huế) chia sẻ với sự kính trọng và cảm phục.
Vị Giáo sư mà TS Nguyễn Văn Anh cùng các sinh viên luôn nhắc đến là ông OBIKANE Yasuo, Giáo sư người Nhật Bản, chuyên ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ, tình nguyện viên cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Từ tháng 3/2018, ông OBIKANE tới ngôi trường miền Trung này để hướng dẫn cho sinh viên và cán bộ nghiên cứu của nhà trường. Xuất phát từ mục tiêu chế tạo ra chiếc máy bay không người lái (UAV) có thể cất và hạ cánh trên các địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận, đến nay, 3 sản phẩm có ý nghĩa của nhóm cộng sự đã ra đời: Thiết bị UAV có thể cất cánh từ mặt đất, hạ cánh trên mặt nước đầm phá; UAV điều khiển qua GPS; và hệ thống hầm gió hỗ trợ thử nghiệm UAV.
“Tôi muốn cùng sinh viên và các giáo viên nghiên cứu ra các thiết bị tự động, giúp mọi người có thể thư thái trong cuộc sống. Tôi muốn phát triển một sản phẩm máy bay không người lái làm mẫu, và mong có một nhà máy sản xuất các thiết bị này tại Việt Nam”, Giáo sư OBIKANE chia sẻ.
Những đóng góp về mặt học thuật của Giáo sư OBIKANE đối với kỹ thuật chuyên ngành cơ điện tử là điều tập thể cán bộ trường CĐ Công nghiệp Huế ghi nhận. Đáng trân trọng hơn nữa, qua quá trình “cầm tay chỉ việc” cho từng sinh viên và cán bộ nghiên cứu, Giáo sư OBIKANE đã xây dựng một hình mẫu về thái độ làm việc của một nhà khoa học: cần cù, chu đáo, tận tụy, kiên nhẫn, không bỏ cuộc.
“Thật không thể tin được, vị giáo sư đầu ngành, nổi tiếng của Nhật Bản chuyên ngành DRONE (máy bay điều khiển từ xa) và UAV (máy bay không người lái), từng làm chuyên gia tại nhiều nước trên thế giới, lại tới với chúng tôi, cùng tôi ra chợ, bỏ tiền mua từng cây tre, vào siêu thị mua từng ốc vít, mỏ lết…, giúp sinh viên và cán bộ nghiên cứu cắt xốp, lắp linh kiện, ghép thành máy bay. Mỗi lần cất cánh, hạ cánh không thành công, mắc trên cây cao, ông không nề hà, cặm cụi lấy về sửa lại”, TS Nguyễn Văn Anh tâm sự.
TS Nguyễn Văn Anh còn nhớ lần Giáo sư đề xuất Nhà trường đầu tư một hầm gió để thực hiện thí nghiệm, đo tác động ngoại lực đến máy bay không người lái. Do kinh phí của nhà trường có hạn nên đề xuất không được chấp thuận. Giáo sư không nản, đi tìm giải pháp thay thế mà vẫn đạt hiệu quả. Lấy bịch nước để thay cho quả cân. Thiếu dù thì tự mua vải về cắt may. Đặt mua linh kiện trên Internet… “Từ một đất nước tiên tiến tới đây, Giáo sư đã dạy cho chúng tôi hiểu được chân lý đơn giản: Nhà khoa học không bao giờ để những thiếu thốn vật chất làm cản đường. Vượt khó khăn từ những điều nhỏ nhất, sẽ thu được kết quả lớn cuối cùng”, TS Nguyễn Văn Anh chia sẻ.
“Bên cạnh các kiến thức truyền đạt qua các giờ giảng và thực hành, tôi còn muốn dạy các em phương pháp để đạt được mục đích nghiên cứu và thử nghiệm. Đội ngũ giáo viên, sinh viên của trường cần được tiếp cận với nhiều công nghệ mới hơn, từ đó, trường mới có thể phát triển thành trường Đại học. Tôi cũng mong việc sản xuất thiết bị bay không người lái sẽ trở thành môn học của khối ngành kỹ thuật của nhà trường”, Giáo sư OBIKANE chia sẻ.
Một mục tiêu trong năm mới của Giáo sư OBIKANE và các sinh viên, giáo viên nhà trường là làm các động cơ, hệ thống lái tự động. Công trình này nếu hoàn thành sẽ có thể áp dụng vào nhiều máy móc công nghiệp, ví dụ động cơ lái thuyền, lái tàu, máy cày, ô tô. “Các sinh viên đã thử nghiệm rồi, hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện”, Giáo sư OBIKANE phấn khởi cho biết.
“Chỉ còn vài tháng nữa là thời gian làm tình nguyện viên cao cấp của tôi ở Việt Nam kết thúc. Tôi đã đề xuất JICA tìm kiếm một tình nguyện viên khác, có thể tiếp nối, giúp hoàn thiện các sản phẩm để có thể sản xuất và đi vào đời sống.... Qua quá trình giảng dạy và làm việc cùng các em, tôi tin các em hoàn toàn có thể làm được. Ngoài ra, tôi mong muốn một nhà máy sản xuất UAV được mở ở Việt Nam để sinh viên chuyên ngành kỹ thuật có cơ hội làm việc tại đó”, Giáo sư OBIKANE chia sẻ.