Giáo sư Trần Đông A và những quyết định lịch sử

Trong Chương trình 'Chào Xuân Tân Sửu 2021' của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phát sóng sáng mồng Một Tết, sự xuất hiện của hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi khiến nhiều khán giả cảm động.

Vậy là ca mổ tách cặp song sinh dính liền nhau đặc biệt phức tạp đã thành công mỹ mãn. Người góp công lớn, đảm nhiệm vai trò cố vấn, đưa ra quyết định cho ê kíp hơn 100 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên thực hiện sứ mệnh đầy thử thách này là Anh hùng Lao động, Giáo sư (GS), Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A.

Góc bình dị của một tên tuổi lớn

Vì là chỗ quen biết, đã gặp ông nhiều lần tại các sự kiện y học nên khi chuẩn bị tư liệu cho bài viết này, tôi có ý định chỉ gọi điện thoại hỏi chuyện ông. Vậy nhưng khi nghe tôi trình bày, GS Trần Đông A cười thân thiện rồi cất giọng sang sảng: “Nghề của cậu và nghề của tôi khác nhau nhưng đều có điểm chung là phải “nói có sách, mách có chứng”. Hẹn cậu 9 giờ sáng mai tại phòng làm việc nhé!”.

Nơi làm việc của GS Trần Đông A là một căn phòng nhỏ ở dãy nhà cũ đã phủ màu thời gian, nằm cuối con đường rợp bóng cây cổ thụ trong Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Phòng làm việc của ông rất đơn giản, ngoài chiếc bàn, hai cái ghế và một cái tủ nhỏ, thứ có giá trị nhất chính là cái máy vi tính. Tôi nghe một bác sĩ trẻ kể, lãnh đạo và nhiều bác sĩ đầu ngành ở bệnh viện này đều là học trò của thầy Đông A. Họ muốn dành cho thầy căn phòng làm việc sang trọng, nhưng ông khiêm tốn khước từ. Với ông, điều cần làm là đem đến cho bệnh nhân kết quả điều trị và chăm sóc y tế tốt nhất chứ không phải nhận về mình những thứ ưu ái không cần thiết. Lựa chọn lối sống dung dị, đơn giản, khiêm tốn là quyết định của ông. Trong chồng hồ sơ bệnh án, tôi để ý thấy tập hồ sơ đề tên Song Nhi đang mở trên bàn. Hỏi ông, tại sao hai bé Diệu Nhi, Trúc Nhi (ông gọi thân mật là Song Nhi) đã xuất viện về với gia đình mà ông vẫn còn nghiên cứu bệnh án, thì ông nói, bổn phận của người thầy thuốc đối với những bệnh nhân đặc biệt thì chỉ có khởi đầu chứ không có kết thúc. Cá nhân ông hằng ngày vẫn theo dõi sát tình hình sức khỏe của hai cháu.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Đông A.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Đông A.

Để đi đến quyết định phẫu thuật tách rời hai bé, GS Trần Đông A và ê kíp đã có quá trình nghiên cứu, hội chẩn liên tục, làm công tác chuẩn bị trước đó cả năm trời. Nhằm giúp các học trò của mình tự tin thực hiện ca mổ, với quyết tâm không được phép thất bại, GS Trần Đông A đã đồng hành, hướng dẫn, tham vấn, hội chẩn, đưa ra những đánh giá tỉ mỉ ở tất cả công đoạn, phần việc. Khi công tác chuẩn bị đã chín muồi, ê kíp bác sĩ phẫu thuật xin GS Trần Đông A đưa ra quyết định. Vị giáo sư đáng kính siết chặt tay từng học trò, nói gọn: “Chúng ta mổ thôi!”. Thời khắc quan trọng ấy diễn ra sáng 15-7-2020. Ca đại phẫu thuật kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ, với sự tham gia của ê kíp hùng hậu gồm hơn 100 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên. Sự kiện đã ghi vào lịch sử y học Việt Nam và y văn thế giới một mốc son mới.

Giờ đây, nhìn hai bé vui đùa, gương mặt GS Trần Đông A rạng ngời niềm hạnh phúc. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy từng đi vào truyền thông y học thế giới từ 30 năm trước, khi ông chủ trì thực hiện thành công ca phẫu thuật lịch sử, tách cặp song sinh Nguyễn Việt-Nguyễn Đức, với sự trợ giúp của ê kíp 62 y sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên. Ca mổ này là một kỳ tích của y học Việt Nam, được thế giới ngưỡng mộ, khâm phục, đặc biệt là bác sĩ Trần Đông A thực hiện ca mổ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt.

- Sau gần 3 thập kỷ, ngành y tế nước nhà lại thiết lập một kỳ tích mới. Cả hai ca phẫu thuật đều in đậm dấu ấn, công lao to lớn của ông. Ở thời điểm này, giáo sư có cảm nghĩ gì?- tôi hỏi.

GS Trần Đông A nói:

- Tôi rất hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Các em đã đủ tài năng để thực hiện thành công những ca phẫu thuật đặc biệt khó, vươn lên làm chủ y thuật hiện đại.

- Các ca phẫu thuật đó là những quyết định quan trọng nhất trong đời giáo sư? -tôi hỏi tiếp.

GS Trần Đông A cười hiền:

- Về phương diện nghề nghiệp, có thể nói như vậy. Nhưng mọi quyết định của nghề y đều là sự tiếp nối, bắt nguồn từ những quyết định trọng đại mang tính bước ngoặt của cuộc đời!

Nói về những quyết định của cuộc đời, giọng của vị giáo sư tuổi 80 trầm lại, chậm rãi. Từng câu, từng lời của ông chất chứa thật nhiều tâm tư, tình cảm về một giai đoạn đầy thử thách, đặt bản thân vào sự lựa chọn hệ trọng...

Hạnh phúc là tận hiến, quốc gia dân tộc là trên hết

Nhắc đến GS Trần Đông A, ai cũng biết ông là cây đại thụ của nền y học nước nhà, nhưng không nhiều người hiểu ông từng có thời gian phục vụ trong quân đội ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 với vai trò y sĩ quân y, về sau là bác sĩ. “Đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người hỏi tôi về những năm tháng ấy, tôi có ân hận gì không? Trước sau, tôi chỉ trả lời, tôi là bác sĩ, làm bổn phận của người thầy thuốc cứu chữa bệnh nhân. Tôi không hề có nợ máu với đồng bào mình nên không có gì phải ân hận cả”.

Vì quan niệm đúng đắn về nghề thầy thuốc nên trong những năm tháng trên chiến trường khốc liệt, bác sĩ Trần Đông A đã nhiều lần mổ cấp cứu cho cả bộ đội giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, dù được lựa chọn là một trong 30 trường hợp đặc biệt được Chính phủ Mỹ bảo lãnh cấp thẻ thường trú nhân (thẻ xanh), đưa gia đình sang Mỹ định cư, nhưng Trần Đông A đã khước từ. “Từ chối sang Mỹ định cư là quyết định khó khăn nhất của tôi lúc bấy giờ. Nhiều người nói tôi dại, vì với tay nghề của mình, lại nhận được sự bảo lãnh đặc biệt, tôi hoàn toàn có được cuộc sống và công việc tốt ở Mỹ mà nhiều người mơ ước. Nhưng tôi đã quyết định ở lại đất nước mình. Với tôi, đó là một quyết định lịch sử, là bước ngoặt đặc biệt quan trọng của cuộc đời. Sau đó và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó là một quyết định đúng đắn. Tôi rất hạnh phúc!”, GS Trần Đông A chia sẻ.

Khi Trần Đông A trở thành một tên tuổi lớn của ngành y, là người nổi tiếng, được đi nhiều nước tham dự các sự kiện lớn về y khoa và đối ngoại, câu chuyện về cuộc đời ông luôn là đề tài được truyền thông quốc tế quan tâm đặc biệt. Đi đến đâu, ở diễn đàn nào cũng có người xoáy vào những bước ngoặt cuộc đời ông để hỏi về tình hình đất nước, bình luận về chế độ xã hội ở Việt Nam. Nhiều câu chuyện được ông nhắc nhớ như một cách để tự răn mình và chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ sau trong ứng xử khi quan hệ quốc tế. Có lần một nghị sĩ Quốc hội Mỹ, là cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam hỏi rằng, Trần Đông A từng bị cải tạo, sống và làm việc tại Việt Nam, ông có bị phân biệt đối xử không? Trần Đông A đáp: “Hai năm trong trại cải tạo sau ngày giải phóng miền Nam là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với tôi. Nhưng nhìn lại, tôi thấy việc cải tạo đó là cần thiết. Nếu có sự phân biệt đối xử, chắc hôm nay tôi không có vinh hạnh được gặp ngài ở đây”.

Ý thức rõ tầm ảnh hưởng của bản thân đối với xã hội và các mối quan hệ quốc tế nên GS Trần Đông A đã đặt ra phương châm, lẽ sống cho cuộc đời mình là tận hiến cho y học, phụng sự nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp cho đến hiện tại khi đã ở tuổi thượng thọ, GS Trần Đông A vẫn luôn kiên định với mục tiêu, lẽ sống ấy. Nhờ đó, khi đất nước đổi mới, hội nhập, trước sự quan tâm “chăm sóc” đặc biệt của một bộ phận truyền thông và dư luận quốc tế, ông luôn thể hiện lập trường quan điểm đúng đắn, vững vàng, nói, viết và hành động vì danh dự dân tộc và vị thế quốc gia. Ông đã thể hiện xuất sắc vai trò là một “sứ giả”, cầu nối quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta với kiều bào ở nước ngoài. Những danh hiệu cao quý Đảng, Nhà nước phong tặng cũng chính là sự ghi nhận, hội tụ tình cảm trân quý của các thế hệ học trò, bệnh nhân và đông đảo người dân dành cho ông. Những cống hiến của ông thật cao quý, nhưng trong cuộc sống thường ngày, GS Trần Đông A là một điển hình của phong cách bình dị, khiêm tốn, nghĩa tình!

Điện thoại của GS Trần Đông A rung lên rì rì. Tôi tế nhị xin phép ra ngoài để ông nghe, nhưng ông bảo tôi ngồi lại. “A lô! Thầy nhớ rồi. Đúng 14 giờ thầy sẽ có mặt!”. Thì ra, đó là cuộc điện thoại của một bác sĩ, là học trò của ông, gọi để nhắc thầy về lịch hội chẩn cho ca ghép tạng phức tạp ở một bệnh nhi. Tôi hiểu, dù tuổi cao, sức khỏe không còn được như xưa nhưng trí tuệ, tinh thần ông vẫn còn mẫn tiệp. Hiện nay, ngoài cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Nhi Đồng 2, ông còn phụ trách nghiên cứu các đề tài ghép tạng, tham gia giảng dạy, hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho nhiều trường đại học, bệnh viện lớn trong cả nước và thực hiện chức trách của Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tôi cũng hiểu, dù cố gắng tiếp cận góc độ nào thì với một tên tuổi lớn như ông, khuôn khổ một bài báo chỉ là những nét phác thảo rất đỗi bình dị. Xin mượn lời của đạo diễn Nguyễn Hải Anh, người đã thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời GS Trần Đông A được giới chuyên môn đánh giá cao để tạm kết bài viết này: "Ở bác sĩ Trần Đông A, tôi nhận ra nơi ông một thầy thuốc với tất cả y đức cao cả. Ông làm việc không tiếc công sức, không biết mệt mỏi, luôn khao khát có thêm những đóng góp lớn hơn cho y học Việt Nam. Ông đáng để người thời nay, thời sau ngả mũ kính phục...”.

GS Trần Đông A sinh năm 1941 tại Hải Hậu (Nam Định). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khóa VI đến nay, được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (năm 2006), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2008)...

Bài và ảnh: NGUYỄN SONG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/giao-su-tran-dong-a-va-nhung-quyet-dinh-lich-su-652326