Giáo sư Trương Nguyện Thành: Thời đại số buộc chúng ta phải thay đổi cách dạy và học
Giáo sư Trương Nguyện Thành - Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota, Giáo sư Danh dự Đại học Utah, Mỹ mới đây đã có buổi thuyết trình về giáo dục đáng chú ý. Xin tóm lược lại những điều cơ bản Giáo sư đã đề cập về chủ đề 'thay đổi cách dạy và học trong thời đại số'.
Quan điểm về sử dụng công cụ học tập
Khi còn ở Việt Nam, tôi có thói quen học thuộc lòng. Ngay cả các bài tập Toán, Vật lý… cũng giải theo công thức có sẵn. Tôi còn rất tự hào với khả năng nhân chia tính toán bằng tay của mình. Qua Mỹ năm 19 tuổi, tôi được học năm cuối trung học - Giáo sư Trương Nguyện Thành kể chuyện.
Lúc ấy, do vốn liếng tiếng Anh còn ít ỏi nên tôi chọn học lớp Vật lý vì từ ngữ, bài toán đơn giản, một số chỗ không biết thì có thể suy đoán được. Tất nhiên là tôi vẫn tiếp tục tính toán thủ công. Thấy vậy, thầy giáo đưa máy tính cầm tay bảo dùng nhưng tôi từ chối. Tôi nói: "Em không cần vì có thể tính toán bằng tay rất nhanh và không để thua kém bạn bè". Thầy không nói gì.
Một hôm, thầy giáo giao ba bài tập Vật lý, yêu cầu một bạn học kém nhất lớp dùng máy tính và học sinh Thành tính bằng tay để xem ai giải xong trước. Kết quả, bạn nộp bài lâu lắm rồi mà tôi vẫn còn loay hoay tính toán.
Khi đó, thầy cầm máy tính tới nói: 'Thành, vấn đề ở đây không phải em có thể nhân chia tính tay giỏi hơn ai. Tôi không cần biết em sử dụng công cụ gì và bằng cách nào, kể cả em mở sách lục tung đọc lại tất cả, tôi chỉ cần em giải bài tập nhanh nhất và chính xác nhất'.
Về nhà, tôi nghĩ mãi không ra. Tại sao mình tính toán giỏi như thế mà lại thua bạn học kém nhất lớp. Thi cử thì phải cất sách vở, ai nhớ tốt hơn, nhiều hơn thì điểm cao, ai nhớ ít thì điểm thấp chứ. Đằng này thầy lại bắt dùng máy tính, cũng không cần biết làm cách gì, miễn cho đáp số chính xác. Tôi bị sốc cực mạnh bởi người thầy lẫn tư duy học hoàn toàn mới này".
Đó là câu chuyện đầu tiên khi tôi gặp sự thay đổi trong dạy và học trung học ở Việt Nam và Mỹ.
Bài học về tận dụng khả năng cá nhân trong làm việc nhóm
Câu chuyện thứ hai đề cập đến cách nhà trường tại Mỹ dạy học sinh làm việc nhóm ngay từ bậc tiểu học. Khi con trai út của tôi (Giáo sư Trương Nguyện Thành) học lớp 5 được cô giáo giao một dự án, đồng thời chỉ định thêm bốn bạn khác lập thành nhóm học tập. Một hôm, con về nhà và phàn nàn với ba về việc cô giáo yêu cầu đúng ngày giờ đó phải nộp kết quả dự án nhưng lại không nói rõ phải phân chia công việc cho các thành viên trong nhóm ra sao.
"Được ba gợi ý, sáng hôm sau con lên lớp hỏi cô thì tối về tiếp tục phàn nàn, rằng cô không những không giúp đỡ lại còn bảo chuyện phân chia công việc là chuyện của nhóm, các em tự trao đổi và thống nhất với nhau. Cô chỉ cần biết đúng hạn nhóm phải nộp kết quả, và tất cả đều có cùng một điểm số.
Thế là con chia đều công việc cho mỗi thành viên và con chịu trách nhiệm tổng hợp. Tuy nhiên có bạn trong đội không làm tốt công việc của mình nên dự án đầu tiên này bị chấm điểm thấp. Con hậm hực, cho rằng việc chấm điểm không công bằng, không muốn ở trong nhóm nữa nhưng cô giáo lại yêu cầu làm tiếp dự án khác với nhóm", Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại.
Giáo sư nói rằng, việc này khiến cậu bé 10 tuổi không tài hiểu nổi. Tại sao cả nhóm phải có chung điểm? Tại sao mình không được quyền tự tìm người phù hợp để lập nhóm? Và Giáo sư Trương Nguyện Thành khuyên con, thay vì yêu cầu mỗi người đều phải đảm nhận một việc công bằng như nhau thì nên tận dụng thế mạnh của từng bạn.
Ví dụ, trong nhóm có cô bạn thích giao tiếp, giỏi tương tác thì giao cho cô ấy chuyện kết nối mọi người, trình bày, liên hệ, thuyết phục, còn bạn giỏi kỹ thuật chỉ cần làm kỹ thuật thôi. Như vậy mọi người sẽ vui hơn. Sau khi hiểu cách làm việc đội nhóm, con đã triển khai dự án thứ hai rất vui vẻ, thành công.
Bài học về làm việc nhóm trên tài nguyên sẵn có
Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ, sau 30 năm giảng dạy tại Đại học Utah, năm nào cũng có sinh viên Việt Nam sang du học. Có thể đưa ra nhận định rằng, các em rất giỏi khi làm việc cá nhân nhưng lại chưa ổn khi làm việc nhóm. Mỗi khi đưa vào làm việc nhóm là y như rằng các sinh viên sẽ đề xuất "thầy ơi cho em làm một mình đi. Em làm còn giỏi hơn ba bạn kia nên em không cần ba bạn ấy".
Theo Giáo sư Trương Nguyện Thành, sinh viên Việt Nam muốn thể hiện cá tính, bản lĩnh của mình mà nếu trở thành thành viên của đội nhóm, phải va chạm nhiều người nhiều tính cách, rồi sự thành hay bại của dự án là kết quả của toàn nhóm mà không của riêng một ai. Nếu đội là nhóm A thì mình là thành viên nhóm A chứ không được là ông A, mình chẳng là ai cả.
"Tiếc là, khi đi làm chúng ta luôn phải làm việc nhóm. Lúc ta vào công ty nào đó, hay tham gia một dự án nào đó thì họ đã ở đó. Chúng ta không có quyền lựa chọn sếp và đồng nghiệp", Giáo sư Trương Nguyện Thành lí giải sự cần thiết phải làm việc nhóm.