Giáo sư Valery Feigin - 'cha đẻ' phòng chống đột quỵ: 'Phía trước là bầu trời' cho khoa học Việt Nam

GS. Valery Feigin, Giám đốc Viện Nghiên cứu đột quỵ và khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, thuộc Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), người được mệnh danh là 'cha đẻ' phòng chống đột quỵ đánh giá, Việt Nam có thể trở thành trung tâm điều trị đột quỵ hàng đầu khu vực. 'Tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam', ông nói.

GS. Valery Feigin, Giám đốc Viện Nghiên cứu đột quỵ và khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, thuộc Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand)

GS. Valery Feigin, Giám đốc Viện Nghiên cứu đột quỵ và khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, thuộc Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand)

VinFuture gây nhiều thương nhớ…

Lần đầu tiên, GS. Valery Feigin cùng cộng sự của mình - Balakrishnan Nair, CEO Công ty PreventS-MD Ltd (New Zealand) đến Việt Nam tham dự Lễ trao giải VinFuture Awards 2024, kết hợp lịch làm việc dày đặc với các bên liên quan. Không có nhiều thời gian trải nghiệm, nhưng ông rất ấn tượng trước vẻ đẹp thiên nhiên và lòng hiếu khách của người Hà Nội.

Khách sạn được ông chọn để nghỉ trong những ngày ở Hà Nội là Hotel de l'Opera Hanoi Mgallery nằm trên phố Tràng Tiền. Nơi đây, theo miêu tả của ông, giống như một tòa lâu đài xa hoa trong lòng phố cổ đông đúc người qua lại, với mọi loại tiếng ồn, như động cơ, còi xe, tiếng bước chân, giọng nói…

Bỏ qua những tiếng ồn đó, ông như được mời gọi đắm mình trong những câu chuyện phiêu lưu, lãng mạn, lịch sử và văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trong suốt thời gian lưu trú tại đây, ông cũng được khám phá không gian độc đáo và hàng loạt tiện ích 5 sao đầy thú vị ngay trong lòng phố cổ. Khách sạn chỉ cách Nhà hát lớn Hà Nội 5 phút đi bộ - nơi diễn ra Lễ trao giải VinFuture mà ông được mời tham dự.

GS. Valery Feigin là giáo sư thần kinh học và dịch tễ học, Giám đốc Viện Nghiên cứu đột quỵ và khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, thuộc Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand); giáo sư liên kết của Đại học Washington (Hoa Kỳ); Chủ tịch Công ty PreventS-MD Ltd (New Zealand).

Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 850 ấn bản học thuật (bao gồm hơn 440 bài báo trên tạp chí, trong đó có 109 bài báo trên Tạp chí The Lancet), 12 sổ tay, 26 cuốn sách, 4 bằng sáng chế. Học thức uyên bác của GS. Feigin trong lĩnh vực thần kinh học và dịch tễ học được công nhận trên khắp thế giới.

“Đó là một buổi lễ gây nhiều thương nhớ với giới nghiên cứu khoa học toàn cầu. Tôi nghĩ, VinFuture là giải thưởng danh giá thứ hai trên thế giới, sau giải Nobel. Không có gì ngạc nhiên khi một số người đoạt giải sau này đã trở thành người chiến thắng giải Nobel. Tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam”, GS. Feigin bày tỏ.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2024 diễn ra trước Lễ trao giải ít ngày, mỗi nhân vật đều mang đến sức mạnh và câu chuyện riêng. Ở phần tọa đàm “Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ”, GS. Feigin là một trong những nhân vật được giới nghiên cứu trong lĩnh vực y học mong chờ nhất. Song, với sự khiêm tốn và khéo léo, ông đã hướng mọi sự chú ý của giới chuyên môn Việt Nam tới các cộng sự cùng nhóm nghiên cứu của mình.

Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực đột quỵ và công nghệ số y tế tại Việt Nam

Đến Việt Nam lần này, GS. Valery Feigin thông qua Đại học Công nghệ Auckland để mang tới những dự án, sáng kiến đầy kỳ vọng. Trong đó, nổi bật là bộ công cụ can thiệp mới, giúp giảm 50% tình trạng đột quỵ.

Ước tính, nếu Việt Nam áp dụng dự án với bộ công cụ được cung cấp bởi nhóm nghiên cứu của GS. Feigin trên quy mô cả nước trong vòng 5 năm, sẽ có khoảng 100.000 người có thể tránh được đột quỵ và tiết kiệm cho nền kinh tế đất nước hàng tỷ USD. Chưa kể, tác dụng dự kiến là có thể phòng ngừa đối với các bệnh không lây nhiễm chính khác có chung các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, như chứng mất trí nhớ, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường và ung thư.

Dự án mà nhóm của GS. Feigin đề xuất triển khai tại Việt Nam tương tự những dự án đã và đang cung cấp ở một số quốc gia châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan) cũng như trên toàn cầu. Sự can thiệp phòng ngừa này đã được Tổ chức Đột quỵ thế giới và các ủy viên của Hội đồng Tạp chí The Lancet Neurology (có hơn 200 ủy viên đại diện cho hơn 100 quốc gia) khuyến nghị thực hiện trên toàn cầu.

Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một trung tâm điều trị đột quỵ hàng đầu khu vực. Vậy nên, cùng các cộng sự của mình, GS. Feigin có một kế hoạch đầy tham vọng về sự hợp tác lâu dài với các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực đột quỵ và công nghệ số y tế, bao gồm cả sự hợp tác rất chặt chẽ trong dự án phòng ngừa đột quỵ của ông và nhóm cộng sự.

Thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt để ngăn ngừa và điều trị đột quỵ là tình trạng gia tăng và chưa có chiến lược hiệu quả nào để phòng ngừa căn bệnh này.

- GS. Valery Feigin

“Chúng tôi tin rằng, cách tiếp cận của nghiên cứu nhằm ngăn ngừa đột quỵ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc ngăn ngừa đột quỵ và bệnh tim mạch, giúp cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới”, ông nói.

GS. Valery Feigin năm nay tròn 70 tuổi. Cách đây 4 thập kỷ, ông chuyển trọng tâm sang nghiên cứu đột quỵ và cách ngăn chặn bệnh khi chứng kiến cha mình qua đời vì đột quỵ. Đó là một cú sốc lớn đối với ông và gia đình. Cha của GS. Feigin là giáo sư ở Trường đại học Y khoa Novosibirsk (Nga), ra đi ở tuổi 50 khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.

Thời điểm 40 năm trước, thế giới chưa có chiến lược và giải pháp cụ thể để phòng ngừa rủi ro đột quỵ. Khi ấy, mọi người vẫn nghĩ rằng, đột quỵ xảy ra ngẫu nhiên và có thể đến với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào. Nhưng bây giờ, quan điểm này đã thay đổi.

GS. Feigin đã góp phần thay đổi điều đó và giành nhiều giải thưởng danh giá cho nghiên cứu về đột quỵ. Trong hơn 4 thập kỷ qua, nghiên cứu của GS. Feigin và cộng sự giúp xác định đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật lớn thứ hai trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh những biện pháp ngăn chặn cơ bản chưa đủ hiệu quả, do thường nhắm vào người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Tuy nhiên, phần lớn ca đột quỵ và đau tim xảy ra ở người có nguy cơ từ thấp tới trung bình; 80% người bị đột quỵ không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.

Một hiểu lầm lớn khác là đột quỵ chỉ xảy ra với người già. Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu của GS. Feigin cho thấy, ngày càng nhiều người dưới 65 tuổi bị đột quỵ. Đây là kết quả từ các yếu tố liên quan tới lối sống, nên có thể kiểm soát rủi ro ngay từ nhận thức.

“Trước khi có nguy cơ đột quỵ cao hơn về cuối đời, chúng ta có khả năng hạ thấp nguy cơ. Đó là lý do người trẻ cần biết các nguy cơ đột quỵ và có thể giảm bớt nguy cơ này thông qua điều chỉnh chế độ ăn và lối sống”, GS. Feigin nhấn mạnh.

Ứng dụng di động miễn phí Stroke Riskometer mà nhóm của GS. Feigin phát triển cung cấp giao diện hoàn hảo để truyền tải thông tin sức khỏe về đột quỵ, yếu tố rủi ro và cách kiểm soát chúng.

“Nếu không phòng ngừa tốt các rủi ro này, sẽ có rất nhiều tổn thất đối với gia đình và xã hội. Chẳng hạn, ở Việt Nam, thiệt hại do đột quỵ có thể lên đến 10 tỷ USD một năm, bao gồm cả chi phí cấp cứu, chăm sóc và hồi phục. Tuy nhiên, 70% thiệt hại đó xuất phát từ việc mất đi khả năng lao động hoặc giảm năng suất lao động, trong khi rất nhiều bệnh nhân đột quỵ đang ở độ tuổi lao động”, GS. Feigin phân tích.

Ngoài tổn thất xã hội, gia đình của bệnh nhân bị đột quỵ còn phải đối mặt với áp lực chi phí tài chính và những vấn đề tâm lý, cảm xúc. Đó là lý do tại sao trong chuyến đến Việt Nam lần này, ông và các cộng sự đã thảo luận rất kỹ với Bộ Y tế để giảm thiểu những chi phí đó. Ước tính, mức giảm có thể lên đến 2 - 3 tỷ USD nếu Việt Nam có thể thực hiện chương trình phòng ngừa.

“Lấy đà” cho những bước tiến tiếp theo

Sinh ra và lớn lên ở TP. Novosibirsk thuộc vùng Siberia, gần biên giới giữa Nga với Kazakhstan và Mông Cổ, Valery Feigin chọn theo ngành y khoa và nối gót cha. Luôn say mê tìm hiểu về bộ não, ông trải qua thời gian đào tạo ngắn về tâm thần học, trước khi quyết định chuyển sang ngành thần kinh học.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Novosibirsk, GS. Feigin chuyển từ Moskva tới Bệnh viện Mayo Clinic (Hoa Kỳ) và Đại học Erasmus (Hà Lan) để đào tạo nâng cao về thần kinh học và nghiên cứu dịch tễ lâm sàng.

Kết thúc thực tập vào năm 1985, GS. Feigin đảm nhận vị trí nghiên cứu ở Viện Nội khoa SB RAMS tại Novosibirsk và trở thành Trưởng khoa Bệnh mạch máu não. Nghiên cứu của ông hầu như không được biết đến cho tới năm 1989, khi ông được mời làm chủ tọa và diễn giả ở hội nghị của Hiệp hội Đột quỵ quốc tế tại Kyoto (Nhật Bản). Kể từ đó đến nay là giai đoạn “thăng hoa” của cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Sau khi tham dự VinFuture Awards 2024 tại Việt Nam và trở về nước, vị chuyên gia trong top 1% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong mọi lĩnh vực khoa học trong năm 2018 (theo Web of Science) cũng chuẩn bị kết thúc thời gian làm việc cuối năm để tận hưởng kỳ nghỉ Giáng sinh và đón năm mới bên gia đình. Giáng sinh và năm mới với ông là một mùa tràn đầy những kỳ vọng, với khởi đầu mới, đồng thời cũng giúp ông có dịp nhìn nhận lại những ưu tiên, thói quen của mình, những việc đã thực hiện, những sở thích mới mà bản thân muốn khám phá…

“Sự tò mò luôn là một phần làm nên tính cách của tôi. Khi suy nghĩ về việc mình muốn làm hoặc người mà bản thân muốn trở thành, tôi không bao giờ để con người hiện tại kìm hãm tiềm năng, tham vọng của mình. Tôi luôn đón nhận và cố thể hiện trọn vẹn mọi khía cạnh trong con người tôi”, ông nói.

Cuộc sống hối hả có thể khiến mỗi người quên mất việc tận hưởng những khoảnh khắc đáng giá. GS. Feigin luôn chuẩn bị cho mỗi chuyến đi để có thể mang lại sự cân bằng, mở rộng tầm nhìn và tạo ra những kỷ niệm khó quên nhất. Mỗi hành trình đến mỗi quốc gia sẽ giúp ông thêm yêu đời và trân trọng cuộc sống hơn. Đó cũng là cách để ông “lấy đà” cho nhưng bước tiến trong nghiên cứu.

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giao-su-valery-feigin---cha-de-phong-chong-dot-quy-phia-truoc-la-bau-troi-cho-khoa-hoc-viet-nam-d243726.html