Giáo sư Vũ Khiêu - Một trí thức uyên bác, nhà văn hóa tiêu biểu
Lịch sử đất nước như dòng chảy lớn mà mỗi thế kỷ đều được tiếp truyền phù sa bởi những sự kiện-nhân vật tiêu biểu. Là một đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Vũ Khiêu là một hiền tài sống động, tỏa sáng uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái.
Cuộc đời cống hiến đầy sáng tạo và sự nghiệp vinh quang của GS Vũ Khiêu toát ra sức hút của một trí tuệ và tài hoa hiếm biệt.
GS Vũ Khiêu tên đầy đủ là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19-9-1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo, là người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia tộc Đặng Vũ, nhưng đích thực lại là người họ Vũ. Sau khi tốt nghiệp tú tài trường Bonnal (nay là trường PTTH Ngô Quyền-Hải Phòng) từ thời thuộc Pháp, ông đã mê nghiên cứu văn hóa Đông-Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Năm 1935, ông về Hà Nội dạy học và đi theo cách mạng. Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn. Cuộc đời cách mạng và công tác của GS Vũ Khiêu phần lớn gắn bó với Hà Nội.
GS Vũ Khiêu là trí thức tham gia cách mạng từ rất sớm và đã từng hoạt động trên các lĩnh vực: Công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau năm 1954, ông chuyển từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được tín nhiệm giao trọng trách làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ông là viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học và ngành mỹ học ở Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và viết sách của mình, GS Vũ Khiêu đã xuất bản hàng trăm tác phẩm có giá trị, trong đó có hơn 60 đầu sách viết chung và viết riêng trên nhiều lĩnh vực như: Triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, cuộc đời một số thi hào... Các tác phẩm tiêu biểu như: Đẹp (1963), Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm (1976), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980).
Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước xã hội chủ nghĩa; giúp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về nho giáo tại Việt Nam và Paris...
Đầu năm 2017, GS Vũ Khiêu đã vinh dự được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Trước đó, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất, công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội... Dấu ấn GS Vũ Khiêu trên nhiều mặt của văn hóa, cống hiến xuyên thế kỷ bằng sự đa dạng, bền bỉ phi thường. Viết, chủ biên những bộ sách lớn, chủ trì các hội thảo, hướng dẫn và xây dựng nhiều công trình khoa học xã hội, Vũ Khiêu là một học giả đa tài mà uy tín khiến giới khoa học, trí thức nể trọng, nhân dân cả nước mộ phục.
Cổ văn là sở trường của ông, khó cây bút nào của nền văn học Việt Nam đương đại bì kịp. Mảng văn tế, văn bia, minh phú, câu đối, ông là chuyên gia số 1. Thể cổ văn đòi hỏi sự tuân chỉnh niêm luật chặt chẽ, lại chứa đựng vốn kiến thức lịch sử, văn học sử phong phú, từ vựng dồi dào, nhạc điệu trầm hùng, khí phách... Tất cả đều được Vũ Khiêu thể hiện bằng tài năng, xúc cảm, tạo nên những tác phẩm gây xúc động nhân quần. Đọc những bài văn bia, nghe văn tế Giỗ tổ Hùng Vương, đều thấy đó là những áng văn kinh điển đạt độ tuyệt hảo của trí lực, thần thái, cuốn hút. Có những bài như tráng ca, lại có những đoạn mà mỗi con chữ ứa tràn nước mắt. Sự thật là không ít lần ông đã khóc vì đồng bào của mình. Đó là lúc viết Văn tế những người chết đói năm 1945, sau khi đã chứng kiến hàng triệu người chết đói ngổn ngang khắp Hà Nội và Nam Định. Đó là khi ông trắng đêm viết những văn bia, bài cầu siêu cho linh hồn các liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thông thạo Hán Nôm là thế, ông lại thường viết câu đối bằng tiếng Việt, thêm một cách thể hiện, phát triển quốc ngữ.
Không ngừng vận động, học và đọc không ngừng, GS Vũ Khiêu đã đặt chân tới hầu hết các địa phương khắp nước Việt, đến nhiều nước trên thế giới, từ châu Á sang châu Âu qua châu Mỹ. Ở ông, sự kết hợp cổ điển của phương Đông và phóng khoáng, hiện đại của phương Tây hòa quyện thành phong thái tư duy: Vừa trầm sâu, thâm thúy vừa giàu sức đột khởi, sáng tạo.
Những đúc kết và ý tưởng mang tầm thời đại, không lệ thuộc vào một hoàn cảnh xã hội cụ thể sẽ có sức sống trường tồn. Với sức lao động phi thường, không quản ngày đêm trong những năm tháng cuối đời, GS Vũ Khiêu vẫn miệt mài làm việc. Không hổ danh là một lão thành cách mạng, một nhân sĩ trí thức tiêu biểu, một nhà khoa học lớn của đất nước, càng tuổi cao ông càng ấp ủ và biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị. Khi bước vào tuổi thượng thọ, ông vẫn hoàn thành xuất sắc bộ sách 3 tập "Văn hiến Thăng Long", dày tới 2.400 trang, bộ sách đã được xuất bản trong sự vui mừng và cảm phục của các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ học và đông đảo bạn đọc. Đây là món quà tinh thần đặc biệt quý giá mà GS Vũ Khiêu dâng tặng Thăng Long-Hà Nội. Là một học giả nổi tiếng về nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông từng là người được các cơ quan, tập thể và cá nhân trân trọng, chào đón; coi sự xuất hiện của ông tại sự kiện là một vinh dự. Song, ông không vì thế mà tỏ ra kiêu ngạo, luôn nhẹ nhàng, từ tốn, nho nhã; ăn nói chừng mực, đúng chuẩn của một kẻ sĩ.
Không phải ai cũng có được nguồn năng lượng như GS Vũ Khiêu. Và không phải ai cũng làm được kỳ tích như GS Vũ Khiêu-một hiện tượng hiếm có trong đời sống xã hội hôm nay. GS Vũ Khiêu và những hiền tài của đất nước qua nhiều thế hệ đã và đang tiếp nối, nuôi dưỡng dòng tinh hoa bất tận của dân tộc. Cuộc đời chiến đấu, lao động sáng tạo và cống hiến xuất sắc của GS Vũ Khiêu là tấm gương truyền cảm hứng về lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc về tinh thần trách nhiệm, năng lượng sống và niềm tin hướng tới tương lai.
Là một nhà văn hóa lớn, GS Vũ Khiêu luôn có tư tưởng trăm họ là toàn dân nên củng cố đoàn kết dân tộc phải chú ý xây dựng khối đoàn kết trong từng dòng họ. GS đã có đóng góp không nhỏ cho việc phát triển truyền thống các dòng họ, đặc biệt đã dày công vun đắp cho sự phát triển của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam.
Xin được kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt GS, AHLĐ, NGND Vũ Khiêu với niềm tiếc thương vô hạn.