Giao thông đi lại hạn chế khiến trường vùng cao khó tuyển dụng dẫn tới thiếu GV
Năm học mới 2022-2023 cận kề, nhưng bài toán thừa, thiếu giáo viên vẫn chưa thể khắc phục triệt để ở nhiều trường trung học phổ thông của tỉnh Lào Cai.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Đáng chú ý, số môn học lựa chọn được điều chỉnh còn 9 môn và không yêu cầu học sinh chọn theo nhóm môn như trước đó.
Nỗ lực điều tiết để giáo viên dạy đủ 17 tiết/tuần
Thế nhưng, trước thềm năm học mới, bên cạnh việc điều chỉnh theo kế hoạch chung, nhiều trường trung học phổ thông ở tỉnh Lào Cai dự báo xảy ra tình trạng , nhất là các trường ở khu vực vùng cao, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết, nhà trường cũng có những điều chỉnh nhất định. Thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã sẵn sàng.
“Năm học tới sẽ đưa vào triển khai đối với lớp 10, mọi công tác chuẩn bị về nhân lực và vật lực cơ bản ổn định. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo,cho phép học sinh đăng ký 4/9 môn là hoàn toàn phù hợp và tạo nhiều thuận lợi cho cả nhà trường và học sinh.
Cụ thể, dựa trên những thay đổi, nhà trường bỏ việc xây dựng 5 tổ hợp môn như trước và chuyển sang tư vấn cho các em lựa chọn môn học cơ bản theo 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Bởi, quá trình học của học sinh còn phục vụ việc ôn và thi đại học. Do đó, trường tư vấn để đảm bảo không có học sinh thay đổi môn học trong suốt 3 năm đào tạo.
Theo kế hoạch, ngày 22/8, nhà trường dự kiến tập trung học sinh để phổ biến và cho đăng ký. Ngày 25/8, trường họp phụ huynh để chốt nguyện vọng của học sinh. Sau đó, trường tiến hành sắp xếp thời khóa biểu và mô hình lớp học. Việc tư vấn dựa vào số giáo viên cơ hữu của trường, nguyện vọng của học sinh.
Những học sinh có nguyện vọng sử dụng môn Lịch sử để ôn và xét tuyển đại học thì ngoài học chương trình bắt buộc thì sẽ được bố trí để học tăng cường nội dung chuyên đề.
Những học sinh có nhu cầu học môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì có hai hướng giải quyết. Cụ thể, với số lượng đông thì nhà trường sẽ cố gắng để huy động giáo viên dạy liên trường. Còn số lượng ít thì sẽ không thể tổ chức dạy và động viên các em", thầy Phan Như Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo thầy Phan Như Quỳnh, học sinh miền núi có xu hướng lựa chọn các môn Khoa học xã hội nhiều hơn nên trường cũng đã tính đến tình huống dôi dư giáo viên ở các môn học này.
Theo đó, trong trường hợp thừa giáo viên Khoa học tự nhiên, trường tiến hành cắt giảm số tiết của giáo viên này, đồng thời, tăng cường phân công giáo viên tham gia đảm nhận các nhiệm vụ khác.
“Việc cắt giảm số tiết đứng lớp ở phân môn chính nhằm giúp giáo viên vừa duy trì giảng dạy, vừa có thời gian để tham gia làm tốt các công việc kiêm nhiệm khác. Điều này vẫn đảm bảo sao cho các thầy, cô giáo dạy đủ số tiết, chi trả lương theo đúng định mức quy định”, thầy Phan Như Quỳnh cho biết thêm.
Không ở trong tình trạng thừa giáo viên, theo ghi nhận của phóng viên, năm học mới này, Trường Trung học phổ thông Số 1 huyện Bát Xát (huyện Bát Xát, Lào Cai) đang .
Qua trao đổi với thầy Lưu Quốc Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Số 1 huyện Bát Xát, được biết, thời điểm này, mặc dù có một số thay đổi theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng rất dễ điều chỉnh. Mọi công tác chuẩn bị năm học mới của nhà trường đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho năm học mới.
“Về cơ bản, trường đang tiến hành chuẩn bị năm học mới theo đúng quy trình hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, tiến hành kiểm tra, sửa chữa, cải tạo và nâng cấp các hạng mục, bổ sung thiết bị dạy học còn thiếu, “làm giàu” tài nguyên thư viện, tôn tạo cảnh quan môi trường và tổ chức cho cán bộ giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, nhất là tập huấn cho chương trình giáo dục phổ thông mới”, thầy Lưu Quốc Hương chia sẻ.
Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng, nhà trường thiếu tổng 3 giáo viên ở 2 môn và .
Và để giải quyết vấn đề này, trường tiến hành tăng số tiết của giáo viên dạy môn Ngữ văn và môn Lịch sử, chia đều ở các lớp.
“Để đảm bảo các thầy, cô không quá áp lực khi phải dạy tăng cường, trường quy định những giáo viên này sẽ không phụ trách công tác chủ nhiệm lớp hay công tác Đoàn, Hội ở trường mà sẽ tập trung vào dạy chuyên môn.
Việc tăng số tiết và giảm kiêm nhiệm nhiệm vụ khác đối với giáo viên vẫn phải đảm bảo cho giáo viên dạy đủ 17 tiết/tuần theo đúng quy định. Có như vậy, giáo viên sẽ không nhiều áp lực, học sinh sẽ được đảm bảo quyền lợi được tham gia học tập”, thầy Phó Hiệu trưởng chia sẻ thêm.
Về trang thiết bị dạy học, nhìn chung, hầu hết các trường đều cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, chỉ thiếu các đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới mà tới đây trường sẽ được cấp theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đẩy mạnh phong trào “Trường giúp trường”
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018, lãnh đạo Sở đã có hướng dẫn kịp thời đến các trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong đó, nhằm kịp thời chung tay, hỗ trợ các trường ở địa bàn vùng cao giảm bớt khó khăn, hoàn thành tốt nghiệp vụ giáo dục, củng cố đội ngũ giáo viên, năm nay, phong trào “Phòng giúp Phòng – trường giúp trường” trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục được triển khai.
Nhiệm vụ chính của phong trào là hỗ trợ các trường vùng cao hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Các trường cùng trao đổi, khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục toàn diện, khơi dậy và phát huy nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành giáo dục.
“Phong trào chính thức hoạt động từ năm 2021 và đến nay vẫn đang đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, chú trọng giúp đỡ trường về đội ngũ, kinh phí, cở sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học và sinh hoạt của giáo viên và học sinh.
Cụ thể, những trường thiếu về đội ngũ giáo viên mà gặp khó khăn trong sắp xếp, điều tiết thì sẽ tham mưu và có hướng dẫn để trao đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo không gián đoạn nhiệm vụ giáo dục và đào tạo”, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai thông tin thêm.
Cũng theo chia sẻ của vị này, với phương châm “thầy giúp thầy, thầy giúp trò, trò giúp trò”, những trường học ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về kinh phí, sách vở, đồ dùng học tập, trang thiết bị dạy học đều sẽ được vận động và nhận ủng hộ từ các trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện phong trào vẫn còn nhiều hạn chế do gặp một số khó khăn, nhất là việc trao đổi, thu hút giáo viên về giảng dạy tại các trường ở địa bàn vùng cao, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại hạn chế. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số trường trung học phổ thông hiện nay.
Thời gian tới, tinh thần chung là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục có những hướng dẫn để cùng các trường tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và vật lực, đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, sẵn sàng bước vào năm học mới.