Giao thông là mạch máu để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Đó là ý kiến của TS Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại hội thảo Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL tổ chức sáng 29/3 tại TP Cần Thơ.
Kết nối vùng bằng cao tốc, cầu lớn
ĐBSCL có diện tích hơn 40.000km2, tổng dân số hơn 17 triệu người. Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch và được xác định là một trong bảy vùng du lịch của Quốc gia, với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, biển đảo...
Tuy có nhiều điều kiện phát triển du lịch, nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua của vùng chưa như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Quyết định 2227 đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định hai không gian du lịch phía tây và phía đông của vùng, đồng thời hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.
Ngoài ra, Quyết định 194 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL cũng xác định hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và cấp Quốc gia.
TS Hiệp cho rằng các không gian du lịch sẽ được rộng mở từ quy hoạch tích hợp ĐBSCL và liên kết từ 13 bản quy hoạch của các địa phương trong vùng.
Trong đó, ông nhấn mạnh giao thông là mạch máu, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng.
"Quyết định 287 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; bốn cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa", TS Hiệp nói.
TS Hiệp phân tích rằng, ĐBSCL có các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn, đặc biệt là các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Mỹ An - Cao Lãnh.
Cùng với các tuyến cao tốc trên là hơn 10 cây cầu lớn vượt sông như cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu, Cao Lãnh, Hàm Luông, Cái Lớn, Năm Căn, Đầm Cùng, Châu Đốc, Đại Ngãi...
"Đây là những chiếc chìa khóa mở ra không gian phát triển mới, tạo xung lực mới, liên kết các tiểu vùng thuộc tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, vùng ven biển Đông và dọc hành lang biển Tây, kết nối với siêu cảng biển Trần Đề được đưa vào quy hoạch, đánh thức tiềm năng kinh tế biển ĐBSCL và mở rộng "cánh cửa" biên giới Tây Nam.
Các cao tốc, cầu lớn này cũng sẽ có nhiệm vụ kết nối không gian du lịch phía tây gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với không gian phía đông gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh", ông nói.
Ba yếu tố cạnh tranh của du lịch
Tại hội thảo, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng cần nâng cao tính cạnh tranh, đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của cả nước và khu vực.
Theo bà Lan, sự cạnh tranh trong du lịch dựa trên ba yếu tố gồm: Sản phẩm, chất lượng dịch vụ và xúc tiến du lịch. Do vậy, để nâng tầm du lịch của vùng cần tập trung đầu tư cho ba lĩnh vực này.
Bà cũng lưu ý trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động đóng vai trò chủ lực. Phải tập trung nâng cấp chất lượng của đội ngũ lao động trong du lịch và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Ngoài ra, theo bà Lan, vùng và từng địa phương cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. ĐBSCL có tài nguyên du lịch phong phú, nhưng để hấp dẫn cần tạo ra sự khác biệt.
Dù vậy, bà vẫn đánh giá du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên kết ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao.
Việc liên kết này nhằm phát huy những thế mạnh riêng vốn có của mỗi địa phương, từ đó xây dựng và phát triển bền vững những sản phẩm du lịch đặc trưng của cả vùng.
Bà Lan cũng cho rằng, việc xây dựng chính sách để phát triển du lịch cũng cần đặc biệt quan tâm. Trong đó, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ chung cho công tác nghiên cứu, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu và xu hướng mới, đặc biệt là du lịch xanh mà ĐBSCL là nơi giàu tiềm năng.
Sau dịch Covid-19, du lịch ĐBSCL đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Ước tính năm 2023, tổng số khách đến ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn ba lần với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46.000 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022.