Giáo viên bị hiệu trưởng tính sai tiết phụ trội vô lí
Giáo viên dạy thừa tiết định mức nhưng hiệu trưởng 'ép' kê khai cả 37 tuần/năm học khiến thầy cô giáo bị tính sai tiết dư giờ (phụ trội).
Không ít hiệu trưởng có dấu hiệu làm trái về việc tính tiết dạy dư giờ
Một giáo viên bậc trung học phổ thông ở một tỉnh phía Bắc vừa có phản ánh, giáo viên này dạy thừa tiết định mức (khoảng 100 tiết/năm học) nhưng hiệu trưởng lại "ép" kê khai cả 37 tuần nên bị mất khoảng một nửa số tiết dư giờ.
Một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh, giáo viên này dạy thừa tiết định mức nhưng khi kê khai tiền dư giờ thì hiệu trưởng lại trừ mất 4 tuần kiểm tra định kì – nghĩa là chỉ được tính tiết chuẩn 17 tiết/tuần.
Cả hai giáo viên này đều rất bất bình về việc hiệu trưởng tính tiết tiền phụ trội có dấu hiệu trái pháp luật. Khi họ lên tiếng bày tỏ sự không tình về cách tính tiết dư giờ như thế này thì hiệu trưởng nói "ngành giáo dục quy định vậy".
Được biết, hiệu trưởng nhiều trường phổ thông ở các tỉnh, thành trên cả nước cũng có tình trạng cắt xén tiết dư giờ của giáo viên vô lối như thế. Còn thầy cô giáo vì không nắm rõ luật, dẫu biết hiệu trưởng cố tình làm trái, nên nhiều người chỉ biết ấm ức, cam chịu.
"Tôi không biết phải viện dẫn quy định nào để nói chuyện với hiệu trưởng. Nhưng theo tôi tìm hiểu thì hiệu trưởng nhiều trường bạn không tính tiết dư giờ kiểu vô lối như lãnh đạo trường tôi. Tôi bị mất gần 50 tiết, tương đương khoảng 7 triệu đồng", giáo viên một tỉnh phía Bắc bức xúc nói.
Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định tính tiết thừa giờ
Thứ nhất, vào đầu năm học, các tỉnh thành đều ban hành khung thời gian năm học cho địa phương dựa trên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ví dụ, theo Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT năm 2023 về khung thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thì kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học (trích):
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
Như vậy, hiệu trưởng yêu cầu giáo viên kê khai tiết dư 37 tuần là hoàn toàn sai trái theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, giáo viên kê khai tiết dư giờ bị hiệu trưởng trừ 4 tuần kiểm tra định kì (giữa học kì 1, cuối học kì 1, giữa học kì 2, cuối học kì 2), mà chỉ được tính tiết chuẩn 17 tiết/tuần là sai.
Bởi vì, trong 4 tuần này giáo viên phải coi kiểm tra, chấm bài kiểm tra và phải hoàn thành chương trình môn học theo quy định.
Ví dụ, môn Ngữ văn 10 (không có tiết chuyên đề) có 105 tiết/năm thì trong 35 tuần thực học giáo viên phải hoàn thành nội dung chương trình theo phân phối.
Nếu hiệu trưởng trừ 4 tuần kiểm tra định kì, không tính tiết phụ trội là đồng nghĩa với việc giáo viên cắt xén chương trình – trong khi họ vẫn dạy đủ phân phối chương trình môn học theo quy định.
Cần biết thêm, Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT ban hành chế độ làm việc của giáo viên phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, khoản 6 Điều 3 quy định nguyên tắc trả thêm giờ như sau: "Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay."
Cùng với đó, khoản 7 Điều 3 quy định: "Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động."
Ngoài ra, điểm b khoản 1 Điều 37 Văn bản hợp nhất 6/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định: "Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục…".
Được hiểu là, giáo viên nếu được cấp có thẩm quyền điều động, cử đi đào tạo, bồi dưỡng sẽ được tính là thời gian công tác liên tục, được tính thực hiện đủ số tiết định mức theo quy định.
Cho nên, nếu tổng số tiết nghĩa vụ cộng với kiêm nhiệm lớn hơn số tiết theo định mức giảng dạy/năm học thì giáo viên sẽ được thanh toán tiền tăng giờ theo quy định.