Giáo viên cần biết từ chối phong bì, quà tặng từ quỹ hội phụ huynh
Mỗi nhà giáo cần cương quyết từ chối những món quà, những chiếc phong bì được tặng trích từ nguồn kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp.
Vào đầu mỗi năm học, câu chuyện lạm thu quỹ cha mẹ học sinh lại trở thành đề tài bàn tán sôi nổi khắp mọi nơi đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.
Số tiền lạm thu ở một số trường học có chiều hướng gia tăng lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi lớp. Nhiều người đặt câu hỏi, lớp học thì cần tiền quỹ hội cha mẹ học sinh để làm gì mà dẫn đến phải lạm thu? Quỹ hội của lớp cần bao nhiêu là đủ?
Những khoản cần chi trong quỹ hội cha mẹ học sinh
Quỹ hội cha mẹ học sinh mỗi lớp thu được đều phải trích về quỹ hội phụ huynh cấp trường. Có nơi trích theo tỉ lệ 50-50 (lớp 50% và trường 50%), có nơi quy định lớp 30%, trường 70% hoặc ngược lại. Nơi lại 40% để ở lớp, trích về trường 60% hoặc ngược lại.
Về nguyên tắc được quy định trong Thông tư 55, muốn trích tỉ lệ bao nhiêu % về trường là do Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp quyết định. Tuy nhiên trong thực tế, việc trích về trường nhiều hay ít đều do hiệu trưởng các trường ấn định sẵn.
Kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp thường được dùng chi cho phần quà trung thu của học sinh, chi tập văn nghệ, thuê trang phục, phô tô tài liệu, bồi dưỡng cho học sinh khi tham gia các phong trào, tổ chức liên hoan cuối kỳ, cuối năm, mua hoa vào các dịp lễ tết (thực hiện tuần lễ hoa tươi), trang trí lớp, chi phần thưởng cho học sinh, tặng quà cho các em trong lớp…
Lớp có nhiều quỹ hơn, giáo viên sẽ cùng học sinh tổ chức buổi sinh nhật cho các thành viên trong lớp, đi thăm và tặng quà bồi dưỡng cho học sinh bị bệnh. Thăm hỏi thân nhân học sinh khi mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gia đình có chuyện đau buồn.
Nếu chi đúng những khoản liệt kê như trên ở mức độ vừa phải thì quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp cũng chỉ khoảng 4 đến 5 triệu đối với bậc tiểu học. Ở bậc học cao hơn, số tiền khoảng trên dưới 10 triệu đồng mỗi lớp là ổn.
Chi quà cho giáo viên mới mất nhiều kinh phí nhất
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì lẽ ra phải phục vụ chính cho các em. Tuy nhiên trong thực tế, tốn nhiều kinh phí nhất chính là chuyện tặng quà giáo viên ở một số địa phương.
Chuyện lấy tiền quỹ cha mẹ học sinh để chi quà cho giáo viên mỗi dịp lễ, tết là câu chuyện nhạy cảm, không thầy cô giáo nào muốn nhắc tới. Điều này cũng vi phạm vào điểm b, khoản 4 điều 10 của Thông tư 55.
Tuy nhiên trong thực tế, tại nhiều trường học hiện nay, số tiền mua quà cho giáo viên (giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn trong lớp) ở một số lớp là khoản tiền không hề nhỏ. Điều này, đã góp phần làm tình trạng lạm thu gia tăng.
Có phụ huynh kể rằng, tặng quà giáo viên ít thì khó coi, tặng nhiều một chút và tặng đầy đủ các giáo viên giảng dạy trong lớp lại tốn khá nhiều tiền. Thu tiền quỹ ít sẽ không đủ mua quà tặng nên đôi khi buộc phải thu nhiều.
Nếu nhìn vào bảng liệt kê những khoản dự chi của một trường học tại Hà Nội (đã được báo chí phản ánh năm 2022) sẽ làm nhiều người giật mình khi số tiền quỹ hội mang chi cho giáo viên các dịp lễ, tết chỉ trong học kỳ 1 đã lên gần 20 triệu đồng.[1]
Gần đây, là lớp học ở Thành phố Hồ Chí Minh thu quỹ lên đến hơn 300 triệu đồng. Người ta tìm thấy một khoản chi cho một giáo viên trong học kỳ 1 lên đến 4 triệu đồng.
Cần bỏ quy định ngầm tặng quà giáo viên từ quỹ hội phụ huynh
Thông thường, việc dùng tiền quỹ hội cha mẹ học sinh chi mua quà, bồi dưỡng cho giáo viên là chủ ý của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp. Có người chia sẻ thật: thầy cô đã vất vả dạy con cái mình cả năm, phụ huynh có chút quà bồi dưỡng, kỷ niệm cũng là việc nên làm.
Nhiều thầy cô cũng nghĩ: “Mình không đòi hỏi, đó là sự tự nguyện của phụ huynh” nên cũng nhận như một chuyện bình thường. Có nhiều thầy cô giáo cũng từ chối không nhận nhưng đôi khi bị đưa vào tình thế “đã rồi” như việc Ban đại diện cha mẹ học sinh đến tận nhà tặng quà với lý do “quà đã mua rồi khó trả lại”.
Theo chia sẻ của một số đồng nghiệp ở thành phố lớn, chuyện tặng quà (chủ yếu là phong bì) cho toàn thể giáo viên dạy trong lớp và cả Ban giám hiệu nhà trường gần như là “luật bất thành văn”.
Vì thế, khi tính toán mức dự chi trong năm, số tiền chi cho việc tặng quà đã được ấn định. Bởi thế, số tiền học sinh phải đóng quỹ đội lên khá cao.
Cô giáo M.N. giáo viên tại Thành phố Hồ Chí minh bật mí: “Lớp nào cũng có quà tặng giáo viên, Ban giám hiệu, chẳng lẽ lớp mình lại không có thì thấy kỳ”. Vì thế, dù không muốn thì khi phụ huynh đưa mức dự kiến chi và thu, cô giáo M.N. cũng buộc phải đồng ý.
Chống lạm thu quỹ hội, bên cạnh việc Ban đại diện cha mẹ học sinh cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT về hình thức vận động (trên tinh thần tự nguyện, tránh đưa ra mức đóng để cào bằng), về những khoản không được phép chi, bản thân mỗi nhà giáo cũng cần cương quyết từ chối trước những món quà, những chiếc phong bì được tặng trích từ nguồn kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.congluan.vn/phu-huynh-cang-nao-vi-cac-khoan-thu-dau-nam-tai-truong-thuc-nghiem-ha-noi-post212383.html