Giáo viên cần chủ động, sẵn sàng

Giáo viên phổ thông cốt cán trên địa bàn tỉnh tham gia lớp bồi dưỡng Chương trình GDPT mới do Trường đại học Sư phạm Huế tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp 1 vào năm học 2020-2021. Thời gian thực hiện chương trình GDPT mới không còn nhiều, vì vậy, mỗi giáo viên cần chủ động trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng cho sự đổi mới này.

Truyền đạt những điểm mới cho giáo viên cốt cán

Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp 1 vào năm học 2020-2021; năm học 2021-2022 áp dụng ở lớp 2 và lớp 6; năm 2022-2023 áp dụng ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Việc hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ kết thúc vào năm học 2024-2015 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Vừa qua, gần 300 giáo viên cốt cán bậc tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh được Trường đại học Sư phạm Huế bồi dưỡng Chương trình GDPT mới. Quá trình tham gia bồi dưỡng, giáo viên các cấp học được tìm hiểu chung về Chương trình GDPT mới bao gồm mục tiêu chương trình, quan điểm biên soạn, yêu cầu cần đạt đối với môn học, phương pháp giáo dục; tổ chức đánh giá học sinh; so sánh và nêu ra những điểm mới so với chương trình phổ thông trước đây. Đồng thời, giáo viên còn được giới thiệu tổng quan về từng môn học của riêng từng bậc học; thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động dạy - học bộ môn.

Nét mới trong quá trình bồi dưỡng Chương trình GDPT mới, đó là giảng viên không thuyết giảng, cũng không làm hộ, làm thay mà tổ chức, xây dựng nhiệm vụ cho giáo viên. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ do giảng viên giao, các giáo viên phổ thông cốt cán cũng học cách chuẩn bị kịch bản, kế hoạch và triển khai bồi dưỡng giáo viên đại trà tại trường mình.

TS Đặng Thị Thuận An, giảng viên Trường đại học Sư phạm Huế, cho hay: Sự chủ động, sẵn sàng của đội ngũ giáo viên là nhân tố rất quan trọng cho việc triển khai thành công Chương trình GDPT mới. Vì vậy, xuyên suốt trong quá trình bồi dưỡng chúng tôi tập trung giúp giáo viên biết cách định hướng phát triển năng lực người học; giúp giáo viên hiểu rõ bản chất vấn đề, quan điểm của chương trình, dạy học lấy người học là trung tâm; sửa những lỗi kỹ thuật của giáo viên trong quá trình dạy học, giải đáp vướng mắc cho giáo viên… Giáo viên phổ thông cốt cán tham gia các lớp bồi dưỡng rất tích cực, chủ động cho Chương trình GDPT mới nên tôi tin qua đợt bồi dưỡng này, các thầy cô sẽ tự tin bồi dưỡng lại cho đội ngũ giáo viên còn lại.

Chủ động tiếp cận Chương trình GDPT mới

Cô Thúy Diễm, Trường THCS Hòa Quang (huyện Phú Hòa) chia sẻ: Trước khi tham gia bồi dưỡng, bản thân tôi và các đồng nghiệp rất lo lắng trong việc triển khai Chương trình GDPT mới như: Lập kế hoạch dạy học như thế nào? Làm sao để đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh…

Qua lần bồi dưỡng này, chúng tôi được trải nghiệm, tương tác, học tập và được giao lưu với các giáo viên cốt cán khác ở các trường học khác trong tỉnh. Qua đó cùng chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn dạy học với nhau để nâng cao năng lực chuyên môn.

Một cô giáo ở Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) thì cho hay: “Sau khi được bồi dưỡng, bản thân tôi thấy Chương trình GDPT mới đã khắc phục được những điểm còn hạn chế của chương trình trước đây. Đó là Chương trình GDPT mới chuyển từ cách dạy truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực. Nếu hiểu đúng bản chất chương trình, thực hiện phương pháp dạy học phù hợp thì học sinh sẽ được rất nhiều. Đến thời điểm này, tôi và nhiều đồng nghiệp đã sẵn sàng đổi mới theo Chương trình GDPT mới và thay sách giáo khoa”.

Chương trình GDPT mới là chương trình mở, theo đó các địa phương, nhà trường, giáo viên có nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình phát triển; triển khai chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục. Do nội dung thay đổi, không thể thực hiện dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều, nên giáo viên cần phải biết và sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học hiện đại, phương pháp dạy học tích cực.

“Để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT mới, bên cạnh tham gia các lớp bồi dưỡng, mỗi thầy cô hãy luôn không ngừng học tập từ đồng nghiệp, từ các cộng đồng giáo viên; từ các khóa học nâng cao trình độ và hơn hết là khả năng tự học của mỗi người. Học đến đâu vận dụng trong dạy học đến đó và theo thời gian năng lực của mỗi thầy cô sẽ đáp ứng được yêu cầu đổi mới”, ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên) nói.

Những khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT mới chắc chắn sẽ còn rất nhiều, trong khi lộ trình áp dụng chương trình mới thì đã cận kề. Vì thế, sự chủ động của giáo viên từ bây giờ là rất cần thiết để sau này đỡ vất vả cho bản thân mỗi người thầy và cũng là cách góp phần cho việc đổi mới của ngành Giáo dục thành công trong thời gian tới.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/233264/giao-vien-can-chu-dong-san-sang.html