Giáo viên chủ động, thích ứng tốt với chương trình mới
Triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam diễn ra thuận lợi nhờ đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo.
Thích ứng tốt với chương trình mới
Ngày 10/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo với đoàn công tác, thầy Bùi Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: Triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới cơ bản diễn ra thuận lợi. Nền nếp dạy học ổn định, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của giáo viên, học sinh trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn cho từng lớp chuyên, phương án phân công chuyên môn cho năm học 2022-2023 và những năm học tiếp theo. 100% cán bộ, giáo viên trong nhà trường hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học đã được các thầy cô giáo trong nhà trường thực hiện như: Cải tiến phương pháp dạy học truyền thống; kết hợp đa dạng phương pháp dạy học; vận dụng dạy học giải quyết vấn đề; dạy học theo tình huống; dạy học định hướng hành động; tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học...
Nhà trường cũng đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá theo chương trình mới như đánh giá bằng điểm số, nhận xét và kết hợp cả nhận xét - điểm số. Giáo viên triển khai đánh giá thường xuyên, định kỳ thông qua kiểm tra thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với môn học; đánh giá cả quá trình học tập và sự tiến bộ của học sinh.
Đa phần học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có nhận thức tốt, chủ động trong học tập nên nhanh chóng tiếp nhận chương trình, cách học mới. Nội dung sách giáo khoa phù hợp với học sinh, các hoạt động được thiết kế tương đối khoa học, giúp người học hình thành năng lực phẩm chất, đạt mục tiêu của chương trình.
Làm rõ thêm về Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Trần Thùy Dương- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mục tiêu của chương trình với quan điểm định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Chương trình giúp học sinh vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn, thoát khỏi lối học chay, học gạo.
Mục tiêu này cũng giúp chương trình giáo dục cập nhật với mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của thành phố, về cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường có thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 với các phòng học được trang bị máy chiếu, có đủ thư viện, phòng thí nghiệm. Đội ngũ giáo viên nhà trường có điều kiện tiếp xúc với nhiều môi trường giáo dục hiện đại, năng động, có khả năng thích ứng tốt với chương trình mới. Ngoài ra, mỗi giáo viên tham gia giảng dạy chương trình mới luôn chủ động, sáng tạo, tự tìm hiểu, nghiên cứu nội dung của Chương trình GDPT 2018.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng gặp một số khó khăn như: Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có không thể đáp ứng tất cả nhu cầu đa dạng về việc lựa chọn tổ hợp các môn học tự chọn của học sinh. Cơ sở vật chất của nhà trường vẫn cần bổ sung thêm thiết bị và phương tiện dạy học thực nghiệm ở môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ.
Làm rõ hơn về những khó khăn khi thực hiện chương trình mới, cô Mai Thị Tình - Tổ trưởng chuyên môn tổ Sinh học - Thể dục cho biết: Chương trình tập huấn SGK mới chủ yếu là trực tuyến nên giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và giảng viên...
Việc tổ chức dạy học trên lớp theo phương pháp mới có những bỡ ngỡ nhất định. Nhiều thầy cô còn băn khoăn trong cách xây dựng ma trận, đề kiểm tra, đánh giá, về cấu trúc đề thi và nội dung đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.
Với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023, ở cấp THCS, các em học theo chương trình cũ, khi tiếp cận SGK gặp nhiều khó khăn về phương pháp học, cách ghi bài, làm bài, tự học, tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận. Học sinh cũng có bỡ ngỡ nhất định trong việc lựa chọn tổ hợp và băn khoăn; lo lắng về cách thức tuyển sinh sắp tới của trường đại học đối với học sinh theo học Chương trình GDPT 2018.
Cơ cấu đội ngũ cán bộ giáo viên chưa đồng bộ, khó có thể đáp ứng hết được các tổ hợp môn học lựa chọn của chương trình. Giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo chính quy.
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên môn Giáo dục thể chất được đào tạo chưa đúng chuyên ngành hẹp của các môn thể thao tự chọn theo Chương trình GDPT 2018 nên việc tổ chức giảng dạy nội dung thể thao tự chọn ít nhiều gặp khó khăn. Học sinh trong các lớp học không đồng nhất về sức khỏe, giới tính và khả năng phối hợp vận động.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đại diện lãnh đạo nhà trường nêu một số đề xuất: Đề nghị thành phố Hà Nội đầu tư thêm kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ đảm bảo cho việc dạy học trực tiếp và trực tuyến tại các lớp.
Các trường cần được giao quyền chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn giáo viên một cách hợp lý, phù hợp với việc lựa chọn môn học của học sinh theo từng năm học. Tài liệu Giáo dục địa phương cần có bản in để giáo viên và học sinh chủ động trong công tác giảng dạy theo kế hoạch. Các cuốn sách giáo khoa, sách bài tập, chuyên đề học tập được thiết kế để cho có thể tái sử dụng, tránh lãng phí.
Kết luận buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà trường, tâm huyết của thầy cô giáo, sự hào hứng của học sinh lớp 10 khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những bất cập mà thầy cô phản ánh; kiến nghị của nhà trường sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu.
Ngày 10/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 đã làm việc với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội.
Các tổ công tác của Đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy); PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng); THPT Kim Liên (quận Đống Đa); Tiểu học, THCS, THPT Everest (quận Bắc Từ Liêm), THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (quận Cầu Giấy).