Giáo viên có nhiệm vụ phải thu các khoản tiền học sinh đóng không?
Trường học trực tiếp thu thông qua hệ thống kế toán tài vụ của trường (không có cán bộ kế toán tài vụ hiệu trưởng chỉ định bộ phận riêng để tổ chức thu).
Thu các khoản tiền từ học sinh là công việc của bộ phận tài vụ của mỗi trường học. Thế nhưng ở nhiều địa phương, công việc này lại do giáo viên chủ nhiệm phải đảm nhận, dẫn đến nhiều ảnh hưởng.
Hệ lụy từ việc bắt giáo viên phải đảm nhận trách nhiệm thu tiền học sinh
Thu tiền ở các trường học luôn là công việc nặng nề và vô cùng áp lực. Nếu hỏi nhiệm vụ gì ở trường mà giáo viên chủ nhiệm sợ nhất thì phần đông câu trả lời sẽ là sợ phải thu tiền, dù cho đó là những khoản thu theo đúng quy định (còn gọi là thu đúng).
Một số đồng nghiệp của người viết đã chia sẻ câu chuyện ngoài nhiệm vụ giảng dạy, nhà trường nơi đồng nghiệp này công tác yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải đảm nhận thêm việc thu các khoản tiền từ học sinh.
Mặc dù, tại địa phương này, các trường học chỉ thu các khoản theo quy định (thu hộ tiền bảo hiểm), tiền học 2 buổi/ngày, tiền ấn phẩm, tiền vệ sinh (mỗi khoản chỉ thu vài chục ngàn đồng/học sinh).
Thế nhưng, ngày nào lên lớp, giáo viên nói việc đầu tiên là hỏi học sinh: “Hôm nay, lớp ta có ai đóng tiền không?”. Bởi nếu không hỏi, có khi đang giảng bài lại có em cầm tiền chạy lên: “Thưa cô cho em nộp tiền”; “Thưa cô, mẹ con đóng tiền”…Một tiết học có 35 phút mà có hôm thu xong tiền cũng phải mất hàng chục phút.
Nhiều hôm, không có học sinh nộp tiền thì lại có phụ huynh lại thập thò ngoài cửa lớp. Khi thấy phụ huynh, giáo viên thường ngưng bài dạy để thu tiền. Khổ nhất là vừa thu của phụ huynh này vài phút, vừa quay lại bài giảng lại có phụ huynh kia đến đóng. Dù có gián đoạn bài dạy cũng phải lo thu ngay vì nếu không thu gấp, họ đi về thì chưa biết khi nào quay lại đóng.
Ngoài việc trực tiếp thu tiền trên lớp, ngày nào đồng nghiệp tôi cũng phải nhắc nhở những học sinh chưa nộp tiền về nhà nói ba mẹ lên đóng tiền sớm.
Dù thế, trong lớp vẫn có vài ba phụ huynh không chịu mua bảo hiểm y tế hay đóng một số khoản tiền theo quy định mặc dù gia đình không thuộc diện khó khăn. Cô giáo này chia sẻ, ngoài phải gọi điện thoại nhắc nhở còn phải tìm đến tận nhà thuyết phục.
Đồng nghiệp kể lại, có năm không thuyết phục được phụ huynh mua bảo hiểm thì đành móc tiền túi ra đóng hộ vì sợ bị khống chế thi đua cuối năm.
Do thường xuyên nhắc nhở học sinh, phụ huynh nộp tiền đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm, mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. “Có phụ huynh tỏ ra khó chịu khi bị nhắc, có người còn nặng lời chỉ trích.
Có học sinh khi nhắc đến thầy cô ấy còn buông lời miệt thị, mỉa mai: “Bà cô (ông thầy) ấy hả, suốt ngày tiền, tiền” hay “Mở miệng ra là đòi tiền”, đồng nghiệp chua chát kể.
Giáo viên có nhiệm vụ thu tiền học sinh không?
Trong điều lệ trường tiểu học, trung học từ trước đến nay về nhiệm vụ của giáo viên thì ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy, giáo dục học sinh thì không có một dòng nào quy định giáo viên có nhiệm vụ thu tiền. Điều này, không ít hiệu trưởng mà người viết hỏi cũng đã xác nhận.
Thông tư liên Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính số 14-LB/TT ngày 4 tháng 9 năm 1993 hướng dẫn thực hiện thu - chi học phí giáo dục phổ thông hướng dẫn tổ chức thu, quản lý, sử dụng học phí có nêu: "Căn cứ quyết định của tỉnh, các trường học trực tiếp thu thông qua hệ thống kế toán tài vụ của trường (trường hợp không có cán bộ kế toán tài vụ thì hiệu trưởng chỉ định bộ phận riêng để tổ chức thu)".
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vẫn còn không ít trường học xem nhiệm vụ thu tiền học sinh là của giáo viên. Đã có thầy cô nêu ý kiến nhưng nhiều trường học vẫn phớt lờ. Nhiều giáo viên dù bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị làm khó nên thường lên các diễn đàn, hội nhóm để chia sẻ nhưng cũng không thay đổi được gì.
Khổ nhất là những giáo viên ở những trường học có nhiều khoản thu ngoài, khoản thu xã hội hóa thì áp lực và sự mệt mỏi càng tăng gấp nhiều lần.
Đã có những hiệu trưởng tiết lộ việc yêu cầu giáo viên thu tiền cũng là chuyện bất đắc dĩ. Bởi nếu để bộ phận tài vụ thu tiền thì sẽ khó thu được nhanh, nhiều. Ít nhất, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, phụ huynh cũng sẽ đóng nhanh hơn.
Có những hiệu trưởng vì muốn thu nhanh, thu đủ nên đưa ra hình thức kỷ luật khắt khe để giáo viên sợ mà làm. Nhưng cũng có hiệu trưởng hiểu, thông cảm nên không đưa hình thức kỷ luật khắt khe với giáo viên mà chỉ nhắc nhở, động viên nhẹ nhàng.
Giáo viên cũng hiểu, chính bản thân mỗi hiệu trưởng cũng bị áp lực thu đủ, thu đúng thời hạn từ cấp trên nên họ buộc phải làm thế.
Giáo viên thị xã La Gi, Bình Thuận không phải thu tiền học sinh
Hàng chục năm trở lại đây, nhiều trường học tại thị xã La Gi giáo viên chủ nhiệm không còn phải thu tiền của học sinh. Vào đầu năm học, các khoản thu đã được cấp trên thông qua thì nhà trường sẽ chuyển cho bộ phận tài vụ để có kế hoạch thu.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chỉ có nhiệm vụ đọc các khoản thu cho phụ huynh nghe để nắm được. Phụ huynh nào muốn đóng tiền sẽ vào phòng tài vụ đóng.
Sau thời gian quy định, tài vụ sẽ rà soát lớp nào đóng đủ, lớp nào đóng còn thiếu và nhờ giáo viên chủ nhiệm thông báo trên nhóm lớp về ngày hết hạn bảo hiểm y tế để phụ huynh chủ động.
Thông thường, đa số phụ huynh tham gia đầy đủ, lớp nào không thu đủ, giáo viên cũng không bị khống chế vào thi đua cuối năm như một số địa phương khác thường áp dụng. Nhờ thế, các thầy cô giáo cũng không còn bị ám ảnh về việc thu tiền như trước đây.
Việc còn trường học giao giáo viên thu tiền học sinh trên lớp, thu ngay trong giờ dạy không chỉ làm hình ảnh người thầy xấu dần trong mắt học sinh mà còn ảnh hưởng đến giờ dạy vì giáo viên phải bớt thời gian dạy học để lo cho việc thu tiền.
Cùng với đó, một số trường học đưa hình thức kỷ luật khi giáo viên do không thu đủ đã tạo nên nhiều bức xúc và áp lực trong đội ngũ nhà giáo, ảnh hưởng đến mối đoàn kết nội bộ giữa giáo viên và quản lý nhà trường.
Tài liệu tham khảo
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-lien-tich-14-LB-TT-huong-dan-thu-chi-hoc-phi-giao-duc-pho-thong-42561.aspx