Giáo viên dạy 4 ca/ngày, kiếm bội tiền từ lớp tiền tiểu học
Mỗi lớp tiền tiểu học của cô giáo Phạm Thị Nhung diễn ra 3 buổi/tuần, trung bình 5 -10 học sinh, mức học phí là 1,5 triệu đồng/lớp/buổi.
Gần 22h, cô Phạm Thị Nhung (35 tuổi), giáo viên một trường tiểu học tư thục quận Hà Đông, Hà Nội mới được nghỉ ngơi và ăn cơm tối. Cuối tuần, cô dạy học liên tục từ 8h đến 21h30 mới hết 4 lớp tiền tiểu học - 1 lớp buổi sáng, 2 lớp chiều và 1 lớp tối.
Năm học 2021 - 2022 ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, trẻ mầm non nghỉ liên tục 11 tháng. Việc học bị gián đoạn khiến phụ huynh lo lắng trẻ thiếu các kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1 trong tháng 9 tới. Đó là lý do năm nay phụ huynh ồ ạt đăng ký cho con theo các lớp tiền tiểu học, nhiều hơn các năm trước.
Một tuần cô Nhung sẽ dạy 12 buổi tiền tiểu học, chia thành 4 lớp. Mỗi lớp học 3 buổi. Cô bố trí thời gian dạy vào các buổi tối trong tuần và cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Trung bình mỗi lớp 5 -10 học sinh. Mức học phí là 1,5 triệu đồng/lớp/buổi.
"Các lớp tiền tiểu học không thể dạy nhiều học sinh như các lớp lớn tuổi hơn. Tôi phải vừa dạy chữ, vừa cầm tay, nắn nót viết bài, tư thế ngồi cho từng em. Mỗi ca dạy khoảng 2 tiếng đồng hồ, tôi xoay như chong chóng mới đủ để hướng dẫn tỉ mỉ từng học sinh", vị giáo viên 35 tuổi nói.
Ngoài dạy trẻ nhận biết chữ, số, tập đánh vần, tập viết, cô cũng dạy cách cầm bút, bảng, phấn; cách viết bảng và rèn tính tự giác, tập trung khi ngồi học. "Nhẽ ra những kỹ năng này được rèn từ cấp mầm non nhưng do nghỉ quá lâu nên các em bị thiệt thòi", cô Nhung nói.
Tương tự, cô Trần Thị Oanh, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (Hà Nội) đang tổ chức 4 lớp tiền tiểu học với gần 70 trẻ. Các lớp sẽ học khoảng 2 tiếng, trung bình 150.000 đồng/học sinh. Mỗi khóa học chỉ kéo dài 20 buổi.
Như các năm học trước, trẻ mầm non được đến trường học trực tiếp, khi hoàn thành chương trình chuẩn ở bậc mầm non là trẻ nắm được các kiến thức cơ bản về nhận biết mặt chữ, số, đủ để lên lớp 1 mà không cần tham gia các lớp tiền tiểu học. Tuy nhiên, năm học qua, trẻ mầm non chỉ có 2 tháng đến trường, còn lại ở nhà tránh dịch, nên gần như không có đủ kiến thức cơ bản. Trong khi đó, lên lớp 1, con phải làm quen với môi trường mới, kiến thức mới. Nếu không có gốc cơ bản sẽ rất khó để theo kịp. Vậy nên, cha mẹ cần có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi con bước vào giai đoạn chuyển cấp quan trọng này là điều dễ hiểu.
“Thông thường, các trường tiểu học tư thục sẽ tổ chức khóa tiền tiểu học, phụ huynh thường đăng ký cho con tham gia trước khi bắt đầu năm học mới. Còn ở khối công lập không có khóa học này", cô nói và cho biết, các lớp tiền tiểu học chỉ kéo dài 1 - 2 tháng, cô không dạy trước chương trình lớp 1.
Việc tìm các lớp tiền lớp 1 được các bậc cha mẹ quan tâm những ngày qua. Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít phụ huynh đăng tải hỏi trung tâm, lớp học cũng như những yêu cầu tìm giáo viên dạy tiền lớp 1. Dưới phần bình luận hàng loạt thông tin về lớp học, giáo viên được mọi người chia sẻ. Hầu hết phụ huynh đều có chung tâm lý lo ngại con sẽ thiếu tự tin so với bạn bè khi bước vào lớp 1 do năm học vừa qua ở nhà nhiều.
Bé Tôm nhà chị Lê Thị Thu Hiền (37 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) phải ở nhà hai năm qua. Chị Hiền cho biết, nhẽ ra thời điểm này các con đã được cô giáo ở trường hướng dẫn nhận biết mặt chữ và số. Bố mẹ bận rộn, lại không có chuyên môn nên không thể kèm cặp, khiến việc học của con bập bõm. Chị lo khi vào lớp 1, bé Tôn khó theo nổi. Sau nhiều ngày đắn đo, vợ chồng chị quyết định tìm lớp tiền tiểu học cho con.
Trên hội nhóm phụ huynh, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm học lớp tiền tiểu học, giá thấp nhất khoảng 100.000 đồng/học sinh, cao nhất 300.000 đồng/học sinh. Chị Hiền rủ thêm một vài người bạn cùng cho con theo học. Chị mở lớp tại nhà, mời cô giáo về dạy, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tiết kiệm thời gian đưa đón con mỗi ngày.
Lịch học của bé Tôm bắt đầu từ 19h30 tối đến 21h30, tuần 3 buổi, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8. Cô giáo sẽ dạy các con cách cầm bút đúng chuẩn, nắm vững bảng chữ cái, cách ghép vần, đọc đánh vần, đọc trơn; làm quen với các con số và phép cộng trừ cơ bản.
Theo đề nghị của nhóm phụ huynh, cô giáo rèn thêm các kỹ năng như tư thế ngồi học, tác phong, khả năng tập trung, cách làm việc nhóm, cách giao tiếp và tinh thần tự giác học tập... Sau tháng đầu tiên, chị dần yên tâm và sẵn sàng chuẩn bị cho con bước vào lớp 1 năm học tới. Chị cũng dự tính sẽ cho con học thêm tiếng Anh ở trung tâm.
Cô Nguyễn Thị Hoài Lam, giáo viên trường tiểu học Minh Quang (Vĩnh Phúc) cho biết, việc chuyển từ môi trường vui chơi, nhận biết mặt chữ, mặt số sang học hành nghiêm túc ở tiểu học, trẻ cần một khoảng thời gian chuyển tiếp vừa đủ để chuẩn bị đầy đủ tâm thế làm quen việc học. Bởi vậy, các lớp tiền lớp 1 thực sự cần thiết.
“Theo tôi, các bé chỉ cần làm quen với lớp học tiền tiểu học trong thời gian khoảng 1 tháng trước khi bước vào lớp 1 chứ không cần thiết phải theo học trong thời gian dài. Việc chỉ dẫn để trẻ làm quen, thích nghi thay đổi giữa các môi trường khác nhau là việc nên làm, nhưng không nên làm quá để tạo áp lực cho trẻ”, cô nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/giao-vien-day-4-ca-ngay-kiem-boi-tien-tu-lop-tien-tieu-hoc-ar673831.html