Giáo viên Hải Phòng linh hoạt với phương pháp dạy học dự án
Để dạy tốt nội dung Giáo dục địa phương trong SGK lớp 6, lớp 7 nhiều giáo viên tại Hải Phòng chọn phương pháp dạy học theo dự án.
Nội dung Giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới so với chương trình cũ. Để thực hiện hiệu quả môn học, giáo viên linh hoạt các phương pháp giáo dục. Trong đó phương pháp dạy học dự án được vận dụng hiệu quả mang lại cho học sinh sự hứng thú, chủ động, sáng tạo.
Chú trọng tính thực tiễn
Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 nói chung và Nội dung giáo dục địa phương nói riêng, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã mở những đợt tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cốt cán các môn học.
Phòng GD&ĐT huyện An Dương thông tin, khi có chỉ đạo của Sở GD&ĐT, lãnh đạo phòng đã triển khai thống nhất các yêu cầu về chuyên môn đối với từng môn học, thường xuyên tổ chức các hội thảo sinh hoạt chuyên môn theo cụm, huyện để trao đổi, chia sẻ, cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong những năm đầu thực hiện chương trình GDPT 2018.
Ông Vũ Mạnh Hùng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Dương cho biết: Khi nghiên cứu Nội dung giáo dục của địa phương lớp 6 và lớp 7, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm mới so với Chương trình GDPT cũ.
Chương trình GDPT trước đây, các tiết học địa phương được đưa vào nhiều môn học với các nội dung như: Lịch sử địa phương gắn với môn Lịch sử; Địa lí địa phương gắn với môn Địa Lí; Ngữ văn địa phương gắn với môn Ngữ văn…
Đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các nội dung thuộc 6 phân môn là: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục công dân được gộp thành nội dung giáo dung giáo dục địa phương có vị trí như một môn học được phân bổ thời gian 35 tiết học/năm.
Nội dung môn học nhằm trang bị cho các em những hiểu biết căn bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường… của địa phương mình. Đồng thời, qua việc học tập, các em được bồi dưỡng tình yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng nơi em sinh sống, kĩ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn tại gia đình, dòng họ, địa phương.
Tài liệu Giáo dục địa phương Hải Phòng được xây dựng theo hướng tích hợp, chú trọng tính thực tiễn và vận dụng. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, tổ chức các hoạt động học tập để tăng cường trải nghiệm thực tiễn cho học sinh
Với cấp trung học cơ sở, tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng đã được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 và năm học 2022-2023 đối với lớp 7.
Chương trình với 8 chủ đề thuộc các lĩnh vực: các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương, các vấn đề chính trị - xã hội, môi trường của địa phương; trong đó chủ đề Nghề truyền thống ở Hải Phòng thuộc tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 6.
Huyện An Dương là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Trên địa bàn huyện duy trì các làng nghề truyền thống như: thêu ren, móc chỉ, đan len ở các xã An Hưng, Đại Bản; mây tre đan ở Bắc Sơn, Hồng Thái và các sản phẩm mỹ nghệ có chất lượng cao.
Để lên lớp tiết dạy minh họa chung cho toàn ngành giáo dục của huyện, giúp thực hiện hiệu quả nội dung giáo dục địa phương trong các nhà trường, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo 3 trường THCS: Đại Bản, Bắc Sơn, Hồng Thái thực hiện chuyên đề Giáo dục địa phương tìm hiểu về làng nghề truyền thống. Trong đó có nghề Đăng đó ở thôn Tiên Sa xã Hồng Thái đã mai một, nghề sản xuất bán Nòng xã Bắc Sơn đang trên đà xây dựng thương hiệu sản phẩm và nghề Trồng rau gia vị xã Đại Bản đang phát triển thương mại.
Đây là hoạt động chuyên môn có sức lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tới các thầy cô giáo giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương nói riêng, các thầy cô giáo trên địa bàn thành phố nói chung.
Ông Hùng cho rằng, chuyên đề Giáo dục địa phương: “An Dương, nét đẹp nghề truyền thống” góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tự tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, đất nước. Qua đó, học sinh biết vận dụng những điều các em đã học để góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn tại các địa phương, đó mục đích của môn học hướng tới.
Linh hoạt đổi mới phương pháp
Cô giáo Phạm Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện An Dương cho hay, cô cùng học sinh các Trường Trung học cơ sở Hồng Thái, Bắc Sơn và Đại Bản thực hiện tiết dạy minh họa tìm hiểu về làng nghề truyền thống.Tiết học thuộc chủ đề số 7 – “Nghề truyền thống ở Hải Phòng” trong tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 6.
Chủ đề này có 3 mục tiêu gồm: Học sinh kể tên được các nghề truyền thống ở Hải Phòng; lập và thực hiện được kế hoạch cho hoạt động; có ý thức giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.
Để tiết dạy hiệu quả, cô chia học sinh làm 3 nhóm với các tên gọi của làng nghề truyền thống quê hương. Bài dạy được thực hiện theo phương pháp dạy học dự án. Các em tìm hiểu nghề trồng rau gia vị xã Đại Bản, nghề làm bánh Nòng xã Bắc Sơn và nghề mây tre đan, nghề trồng hoa cây cảnh xã Hồng Thái.
Khi tìm hiểu về các nghề truyền thống, học sinh được thăm quan, trải nghiệm tại những hộ dân đang duy trì nghề truyền thống. Các em được quan sát trực tiếp người dân ươm trồng, đan mây tre, làm bánh Nòng. Từ đó tìm ra nét đặc trưng khác biệt giữa các sản phẩm ở các địa phương.
Theo cô Tuyết Nhung, với những tiết giáo dục địa phương nếu thực hiện theo phương pháp dạy học dự án sẽ mang lại cho học sinh nền kiến thức vững chắc, giúp các em trải nghiệm thực tế và có định hướng nghề rõ nét.
Cũng áp dụng phương pháp dạy học dự án, cô Phạm Thị Thu Trang, giáo viên Trường THCS Đà Nẵng, quận Ngô Quyền lên lớp chủ đề Đặc sản ẩm thực Hải Phòng trong Nội dung Giáo dục địa phương lớp 7. Chủ đề này được thực hiện trong 4 tiết. Trong các tiết 1 và 2 học sinh đã được tìm hiểu về đặc sản ẩm thực Hải Phòng và được giao nhiệm vụ học tập dự án.
Sau đó, các nhóm thực hiện trải nghiệm thực tế với nhiều hình thức. Có nhóm học sinh lựa chọn tìm hiểu thông tin từ người thân trong gia đình, các cô bác ở địa phương.
Có nhóm lại trực tiếp trải nghiệm các món đặc sản tại một số địa điểm như quán bún chả trên địa bàn. Các em tìm hiểu cách lựa chọn nguyên liệu, cách chế biến món ăn, được thực hành các làm các món ăn tại nhà hàng. Ngoài ra, học sinh được trực tiếp tìm hiểu, lựa chọn các nguyên liệu chế biến đặc sản tại các khu chợ.
Tiết 3 và 4 của chủ đề là thời gian các nhóm báo cáo sản phẩm dự án. Các em thực hành một khâu trong quá trình chế biến đặc sản ẩm thực và thực hành tình huống giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về đặc sản ẩm thực Hải Phòng.
Em Bùi Thu Hà, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Đà Nẵng, quận Ngô Quyền chia sẻ, khi tìm hiểu chủ đề về Ẩm thực Hải Phòng nhóm em rất hào hứng. Nhiều bạn biết địa chỉ các quán ăn nổi tiếng, cùng đưa ra danh sách, thảo luận nhóm và lựa chọn một loại thực phẩm để tìm hiểu và báo cáo cô.
Với vai trò là người dẫn chương trình trong chuyên đề, em Nguyễn Ngọc Trang, học sinh lớp 9A5, Trường THCS Đà Nẵng nhận định, chúng em không được học riêng một môn Giáo dục địa phương như các em lớp dưới nhưng khi tham gia chuyên đề bản thân em thấy rất thú vị. Các bài báo cáo dự án rất hay, những trải nghiệm thực tế cho các em kiến thức về đặc sản Hải Phòng. Từ đó, học sinh chúng em có thể giới thiệu được nhiều món ăn đặc sản của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.