Giáo viên, học sinh nói gì về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn?
Sáng 27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Kết thúc bài thi Ngữ văn, nhiều giáo viên đánh giá đề thi năm nay có mức độ phân loại cao, đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy, lập luận và diễn đạt tốt mới có thể đạt điểm cao.
Nguyễn Thị Ngọc Tiên, thí sinh tự do (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Đề thi năm nay không quá khó, tuy nhiên, phần đề nghị luận văn học khá dài nên mình chưa kịp mở rộng, so sánh”. Với đề thi này, Ngọc Tiên dự đoán mình có thể đạt trên 8 nhưng mục tiêu ban đầu là trên 9 nên cũng có phần tiếc nuối.
Khá tự tin về bài làm của mình, Đặng Ngọc Trúc Quỳnh, học sinh trường THPT Mạc Đĩnh Chi (tỉnh Gia Lai) cho rằng, đề thi khó ở câu 3, 4 (phần đọc hiểu) và nghị luận xã hội. Với đề thi này, Trúc Quỳnh dự đoán mình có thể đạt 8,5 điểm.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Hồng Thơm (giáo viên trường THPT Chu Văn An, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Đề thi năm nay có tính phân loại cao hơn so với năm trước, về cấu trúc đề thi không có gì thay đổi. Tuy nhiên, đề thi khá dài, nhất là phần nghị luận văn học. Trong thời gian 120 phút học sinh khó có thể viết kịp, kể cả Học sinh Giỏi”.
Đồng quan điểm với cô Thơm, cô Nguyễn Thị Hằng (giáo viên trường THPT Chu Văn An, tỉnh Gia Lai) phân tích cụ thể đề thi: Cấu trúc đề thi năm nay không có gì thay đổi, vẫn bám sát theo đề tham khảo của Bộ GD - ĐT.
Ở phần đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi với 2 câu nhận biết (câu 1 và câu 2), 1 câu thông hiểu (câu 3) và 1 câu vận dụng (câu 4). “Ngữ liệu phần đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa, hoàn toàn mới. Nội dung đoạn trích có phần trừu tượng nhưng sẽ phát huy được khả năng tư duy và lập luận của học sinh”, cô Nguyễn Thị Hằng nói.
Phần làm văn (7 điểm) gồm 2 phần: Nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm) cô Hằng nhận định: “Câu 1 phần làm văn yêu cầu thí sinh viết đoạn văn dài 200 chữ về vấn đề "ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính", đây là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt là giới trẻ".
Về phần nghị luận văn học, cô Hằng cho biết thêm: “Phần nghị luận văn học không đánh đố học sinh, bởi ngữ liệu nằm trong chương trình Học kỳ 1. Nhìn chung, đề thi năm nay có tính phân loại cao, đòi hỏi học sinh cần có khả năng tư duy, lập luận và diễn đạt tốt. Hơn nữa, học sinh cần có kỹ năng làm bài, phân bổ thời gian và dung lượng hợp lý thì mới đạt điểm cao”.