Chậm muộn cấp kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 được áp dụng từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, có 1.859 sinh viên học các ngành sư phạm của Trường đại học Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) đã đăng ký, nhưng chưa được hưởng chế độ theo Nghị định. Theo tính toán của nhà trường, số tiền cần cho việc hỗ trợ theo Nghị định 116 từ năm 2021 đến hết năm 2023 của trường là khoảng 105 tỷ đồng.

Sinh viên sư phạm học tập tại Trường đại học Tân Trào.

Sinh viên sư phạm học tập tại Trường đại học Tân Trào.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo được sức hút lớn với nhiều điều kiện thuận lợi giúp sinh viên ngành sư phạm, nhất là những em thuộc diện hộ nghèo hoặc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng những chính sách, giúp gia đình cùng bản thân vơi nỗi lo về tiền học phí và chi phí sinh hoạt, yên tâm học tập.

Theo quy định của Nghị định 116, sinh viên theo học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy (gọi chung là sinh viên sư phạm) nếu đăng ký thụ hưởng sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập. Thời gian hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí được tính theo số tháng thực tế mà sinh viên học tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm. Để hưởng khoản hỗ trợ này, sinh viên phải làm đơn đề nghị và cam kết bồi hoàn nếu không công tác trong ngành giáo dục tối thiểu hai năm sau tốt nghiệp.

Nghị định có sức hút là vậy, tuy nhiên, trong quá trình triển khai lại gặp phải những khó khăn dẫn đến việc sinh viên theo học ngành sư phạm tại Tuyên Quang đã đăng ký hưởng chế độ Nghị định 116 từ năm học 2021-2022 cho đến nay, vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ.

Tại Trường đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang (cơ sở đào tạo giáo viên), những năm qua, đã thu hút được đông đảo học sinh tại tỉnh Tuyên Quang và nhiều tỉnh đến theo học. Năm 2021, em Vàng Thị Sy, dân tộc H’Mông ở thôn Thín Ngài, xã Thượng Phùng, huyện vùng cao Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, đã trúng tuyển Khoa sư phạm - Ngành Giáo dục mầm non, hệ đại học của trường.

Em Vàng Thị Sy chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình đông anh, em, sau khi tìm hiểu được biết Nghị định 116 hỗ trợ sinh viên sư phạm về tiền học phí và tiền sinh hoạt, em đã quyết tâm theo học. Tuy nhiên, do chưa được hưởng tiền hỗ trợ cho nên rất khó khăn. Năm nay, đã học đến năm thứ 4, em rất mong muốn sớm được hưởng kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116, để trang trải cuộc sống và mua sắm thêm phương tiện, đồ dùng phục vụ học tập. Đây cũng là mong muốn của các sinh viên theo học ngành sư phạm ở Trường đại học Tân Trào”.

Theo thống kê của Trường đại học Tân Trào, đến hết năm 2023 có 1.859 sinh viên học các ngành sư phạm đã đăng ký hưởng chế độ theo Nghị định 116 nhưng chưa được hưởng chế độ. Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Tân Trào cho biết, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm: Năm 2021 là 1.003 chỉ tiêu; năm 2022 là 2.303 chỉ tiêu; năm 2023 là 920 chỉ tiêu và năm 2024 là 860 chỉ tiêu.

Sinh viên sư phạm của trường thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội mà không có sinh viên thuộc diện giao nhiệm vụ, đặt hàng. Hằng năm, trường đều có tờ trình đề nghị cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 theo đúng quy định nhưng vẫn chưa được thực hiện. Nhà trường chỉ được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cấp kinh phí đào tạo với mức 4 triệu đồng/năm/sinh viên sư phạm.

Trường đại học Tân Trào đã vận dụng các chế độ chính sách khác để hỗ trợ các sinh viên sư phạm của trường. Thầy giáo Trần Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý sinh viên cho biết, đối với các em sinh viên hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã hỗ trợ các em sắp xếp chỗ ở ký túc xá miễn phí, hỗ trợ kinh phí sử dụng điện, nước. Trường cũng liên hệ với các tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm việc bán thời gian, để bố trí công việc làm thêm cho các em, phù hợp với quỹ thời gian học tập.

Trước những vướng mắc trong quá trình triển khai, Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang cho biết đã có Văn bản số 1133/STC-HCSN ngày 14/5/2022 gửi Bộ Tài chính để báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn nguồn kinh phí và việc lập dự toán đối với việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu). Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Việc chậm muộn, chưa cấp kinh phí hỗ trợ sinh viên theo học các ngành khối sư phạm theo quy định của Nghị định 116 ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các em; ảnh hưởng đến chính sách có ý nghĩa xã hội thiết thực của Nhà nước. Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Tuyên Quang cần sớm vào cuộc tháo gỡ các khó khăn, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho sinh viên theo học ngành sư phạm tại Trường đại học Tân Trào.

HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cham-muon-cap-kinh-phi-ho-tro-sinh-vien-su-pham-post842668.html