Giáo viên 'mách' bí quyết ôn tập môn Ngữ Văn

Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) chia sẻ về cách ôn tập, làm bài thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tiết dạy Ngữ văn của thầy Võ Minh Nghĩa.

Tiết dạy Ngữ văn của thầy Võ Minh Nghĩa.

Luyện tập thành thục các kỹ năng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, với môn Ngữ văn, theo thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du, học sinh cần ôn tập thật kĩ theo cấu trúc đề thi mà Bộ GD&ĐT đã minh họa. Với thời gian 120 phút, cho 3 câu: Câu đọc hiểu: 3 điểm, câu viết đoạn nghị luận xã hội 2 điểm và câu viết bài nghị luận văn học 5 điểm.

“Học sinh hãy thường xuyên luyện tập 3 kĩ năng này cho thật thành thục. Thật ra, nó là kĩ năng đọc-hiểu văn bản, kĩ năng viết ngắn và kĩ năng cảm thụ tác phẩm văn chương. Ôn luyện theo kĩ năng sẽ giúp các em xử lý được tốt nhất mọi tình huống”, thầy Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Nghĩa, đối với kĩ năng đọc-hiểu văn bản: Như tên kĩ năng, học sinh cần phải luyện cho mình sự tinh ý trong việc đọc và hiểu nội dung văn bản (không cho trước). Việc hiểu ở đây được đánh giá theo 3 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Nghĩa là học sinh cần chú ý bản thân mình nhận biết được điều gì trong nội dung, thông hiểu được điều gì qua con chữ và vận dụng nó như thế nào trong cuộc sống.

Hiểu được nội dung văn bản còn cần phải hiểu nội dung câu hỏi. Nhiều học sinh xác định sai yêu cầu của câu hỏi nên bị mất điểm rất nhiều. Các em cần bình tĩnh xác định rõ nội dung câu hỏi, trước hết cần xác định đáp án mà câu hỏi yêu cầu là tìm ở đâu?. Với kinh nghiệm nhiều năm chấm thi tốt nghiệp THPT, thầy Nghĩa nhận thấy, việc xác định nơi tìm đáp án rất quan trọng. Các em đọc kĩ câu hỏi và chú ý đáp án mình cần tìm là ở trong hay ở ngoài văn bản đã cho.

"Các tác phẩm thi đều đã được học, nên việc cần tránh là nhồi nhét, học tủ hay tự tạo cho mình áp lực phải thuộc lòng lời của giảng của thầy cô. Như thầy đã nói, giám khảo chấm dựa theo sự phân tích sáng rõ vấn đề của học sinh mà không căn cứ vào bất kì ý tứ nào đã cho trước đó. Các em nên thoải mái trong việc tiếp nhận văn bản văn học. Các tác phẩm thi tốt nghiệp THPT đều có nhiều phần, nên phải hiểu rõ từng phần, tránh trường hợp tủ một phần trong một bài thì sẽ gây ra việc “trúng tủ và lệch ngăn” mà các anh chị đi trước hay gặp phải. Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là một minh chứng", thầy Võ Minh Nghĩa.

Đối với kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, trước hết đừng quá bận lòng về việc giới hạn dung lượng, hãy tuân theo nguyên tắc, ưu tiên ý hơn là ưu tiên dung lượng. Đừng để giới hạn về dung lượng khống chế các ý mà các em muốn triển khai. Trước tiên cần xác định cho chính xác vấn đề nghị luận và lệnh đề yêu cầu. Thường với đoạn văn ngắn, đề sẽ chỉ yêu cầu một khía cạnh trong vấn đề nghị luận mà thôi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT khác với Kỳ thi Tuyển sinh lớp 10, các em không cần dàn trải qua nhiều luận điểm mà cần tập trung vào 1 luận điểm cho thật sâu. Sau khi đã tìm được ý để triển khai luận điểm thì hãy bắt đầu gọt dũa ngôn từ để sao cho phù hợp với dung lượng của một đoạn văn. Với tờ giấy thi, đoạn văn này tròn trịa nhất là khoảng 40-50 dòng.

Còn với kĩ năng viết bài cảm thụ tác phẩm văn học: Bài làm này rất quan trọng, nó chiếm hơn 50% trọng số điểm, nên các em cần đầu tư hơn 2/3 thời gian để viết và hoàn thành nó. Thầy gợi ý là nên dành từ 60p-65p để viết bài. Bài viết cần chia luận điểm rõ ràng ở phần thân bài (yếu tố quan trọng nhất để đạt điểm bố cục). Các em cần chú ý lắng nghe thầy cô giảng thật kĩ để kích hoạt cho mình cảm xúc qua từng văn bản nhằm khơi gợi lại nó khi làm bài. Bài viết phải có cảm xúc thì điểm số mới cao.

Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du.

Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du.

Không đoán đề, học tủ

Theo thầy Võ Minh Nghĩa, mỗi ngày cần luyện viết, đây là kĩ năng quan trọng giúp cho học sinh khối 12 chinh phục tốt trong kì thi và cả cho công việc sau này. Các em cần dành ra 15-20p mỗi ngày để tự mình luyện viết, luyện viết đoạn văn phân tích, cảm nhận các đoạn văn bản hoặc luyện viết đoạn NLXH. Không có kĩ năng viết sẽ dẫn đến việc sợ môn Văn là điều tất nhiên. Hãy xem môn Văn là môn học kĩ năng mà không phải thuộc lòng.

Việc luyện viết cần lưu ý đến thời gian. Điều này sẽ tạo nên kĩ năng viết rất chính xác. Mỗi lần viết bài hoặc viết đoạn cần canh đồng hồ, cần bấm giờ để mình biết rằng: Khi tư duy để viết cần tốn bao nhiêu thời gian trong tổng số 120p trong phòng thi. Phải tự cải thiện khả năng tư duy và khả năng viết qua mỗi ngày.

Đừng lao vào đoán đề, học tủ hoặc nghe theo bất kì ai trên các không gian mạng. Đề thuộc về bảo mật quốc gia nên việc rò rỉ hay ai đó tự cho mình biết đề là điều vô lý, trái pháp luật. Hãy bình tĩnh và học để hiểu bài, đừng tạo cho mình sự sợ sệt qua các tác phẩm văn chương.

“Trên đây là các lưu ý để các em ôn đường dài khi ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tôi tin chắc rằng với việc bỏ túi những điều này, các em sẽ cảm thấy “đường dài không vất vả, đường xa sẽ thênh thang”. Hãy luôn ghi nhớ việc học môn Ngữ văn là một cách để luyện viết, hiểu, cảm chứ không phải là một sự gượng ép hay phí hoài công sức”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-mach-bi-quyet-on-tap-mon-ngu-van-post682326.html