Giáo viên mầm non vùng cao kỳ vọng chính sách tăng phụ cấp sớm có hiệu lực

Giáo viên mầm non ở vùng cao mong muốn chính sách tăng phụ cấp ưu đãi sớm được thực hiện để góp phần cải thiện cuộc sống.

Cô trò Trường Mầm non xã Thanh An, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Cô trò Trường Mầm non xã Thanh An, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Kỳ vọng ngày chính sách có hiệu lực

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập (Nghị định). Trong đó, mức ưu đãi đối với giáo viên mầm non ở các khu vực sẽ được điều chỉnh tăng thêm 10% so với hiện tại. Thông tin về những thay đổi trong dự thảo Nghị định này đã được lan tỏa và đem lại niềm vui cho các cô giáo ở vùng cao Lai Châu, Điện Biên.

Dạy học tại xã biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu), bà Phạm Thị Thao, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sin Suối Hồ thấu hiểu những khó khăn ở vùng cao. Bà Thao bày tỏ niềm vui khi sắp có những chế độ chính sách phù hợp, giúp giáo viên mầm non phần nào cải thiện cuộc sống.

Bà Thao chia sẻ: “Giáo viên vùng cao nói chung và giáo viên mầm non nói riêng có rất nhiều khó khăn. Giao thông không thuận lợi, đi lại tới các điểm trường rất vất vả. Hơn thế, cùng là giáo viên, nhưng việc hệ số lương thấp dẫn đến thu nhập thấp của giáo viên mầm non cũng thiệt thòi hơn”.

 Cô trò Trường Mầm non Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Cô trò Trường Mầm non Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Lên công tác tại huyện Phong Thổ từ năm 2001, lúc đó, lương hợp đồng của bà Thao mới chỉ được 630 nghìn đồng mỗi tháng. Đến năm 2002, khi được vào biên chế chính thức và dạy học tại xã Khổng Lào, lương tháng của bà cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng.

“Thời điểm đó, nhiều khó khăn, có những giáo viên đã chuyển công tác hoặc bỏ nghề để làm công việc khác, trong đó có chồng tôi. Chỉ có đi mới hiểu được công tác ở vùng cao vất vả như thế nào. Khi có những quy định về tăng lương, tăng phụ cấp, kể cả bao nhiêu chúng tôi cũng rất vui.” – bà Thao chia sẻ.

Dạy học ở điểm trường Sin Suối Hồ của Trường Mần non Sin Suối Hồ, cô Lương Hà Quyên cho biết: “Nhà tôi ở thành phố Lai Châu, cách điểm trường khoảng 70km. Ngày nào cũng vậy, ra khỏi nhà từ sáng sớm và đến tối muộn mới về tới nhà. Đi lại vất vả, ngoài lương ra chúng tôi không có thu nhập nào khác nên phụ cấp tăng được bao nhiêu chúng tôi mừng bấy nhiêu”.

 Cô Lương Hà Quyên cùng học trò tại điểm bản Sin Suối Hồ.

Cô Lương Hà Quyên cùng học trò tại điểm bản Sin Suối Hồ.

Công tác tại xã biên giới, đặc biệt khó khăn, các giáo viên của Trường Mầm non xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) đang hưởng mức phụ cấp ưu đãi 70%. Nếu áp theo Nghị định, giáo viên ở trường này sẽ được tăng mức phụ cấp lên 80%.

Hơn 13 năm gắn bó với Trường Mầm non Ka Lăng, thầy Khoàng Khò Hừ bày tỏ: “Nếu tăng 10% so với hiện tại, tôi sẽ được cộng thêm hơn 700 nghìn đồng tiền phụ cấp. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng phụ giúp được gia đình phần nào. Quan trọng là việc tăng phụ cấp cho thấy sự quan tâm của các cấp, ngành tới giáo viên mầm non”.

Là giáo viên mầm non tại khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cô giáo Trường Mầm non xã Thanh An, huyện Điện Biên (Điện Biên) đang được hưởng phụ cấp 50%. Theo dự thảo Nghị định mới, mức phụ cấp sẽ tăng lên 60%.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh An bày tỏ: “Đây là tín hiệu rất đáng mừng, giúp cải thiện đời sống và động viên đội ngũ nhà giáo. Hy vọng chính sách sẽ sớm có hiệu lực để giáo viên mầm non được động viên kịp thời”.

Cô Lù Thị Hặc, Giáo viên Trường Mầm non Mường So, huyện Phong Thổ cho biết: “Là một giáo viên mầm non công tác ở vùng thuận lợi với mức phụ cấp hiện hưởng là 35%, tôi rất vui mừng và kỳ vọng vào quy định mới trong dự thảo Nghị định của Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non.

Điều này thể hiện sự quan tâm và ghi nhận của Nhà nước đối với những nỗ lực, đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của đội ngũ đang chăm sóc, giáo dục và đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em”.

Theo cô Hặc, việc đề xuất tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên đến 80% ở vùng khó khăn không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn. Điều này sẽ giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề, đặc biệt trong bối cảnh áp lực công việc cao, mức thu nhập còn khiêm tốn và điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn.

Cần nhiều hơn thế

Việc điều chỉnh tăng phụ cấp đang đem đến niềm phấn khởi cho đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, nhiều giáo viên mầm non bày tỏ mong muốn những chính sách ưu đãi phù hợp, không chỉ dừng ở việc tăng mức phụ cấp ưu đãi.

Bà Bùi Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ka Lăng cho biết: “Việc tăng mức phụ cấp sẽ giúp giáo viên có thêm động lực để gắn bó với nghề. Tuy nhiên, mức tăng hiện tại cũng không quá lớn. Như tôi hiện tại áp mức phụ cấp 80% thì sẽ được tăng thêm khoảng 1 triệu đồng.

Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được quan tâm, có chế độ chính sách ưu đãi phù hợp hơn đối với giáo viên đang công tác ở vùng cao, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, sẽ tạo được động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.

 Nhiều giáo viên mầm non công tác vùng cao mong muốn dự thảo Nghị định sớm được thông qua.

Nhiều giáo viên mầm non công tác vùng cao mong muốn dự thảo Nghị định sớm được thông qua.

Còn bà Phạm Thị Thao chia sẻ: “Nếu được lựa chọn giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, chúng tôi sẽ chọn ở nơi thuận lợi hơn. Mặc dù mọi người thấy hiện tại giáo viên vùng cao lương cao nhưng mọi chi phí khá đắt đỏ. Phụ cấp tăng thêm vẫn chưa thể bù đắp những khó khăn của giáo viên mầm non đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn đang phải đối mặt”.

Nhiều giáo viên mầm non, đặc biệt là nữ, phải cân bằng thời gian làm giữa công việc và cuộc sống gia đình. Trong khi đó, nhiều giáo viên mầm non cho rằng chính sách đãi ngộ dành còn chưa tương xứng với yêu cầu công việc.

“Dù đang công tác tại một trường công lập ở vùng thuận lợi nhưng công việc của chúng tôi vẫn phải đối mặt với rất nhiều áp lực mà không phải ai cũng thấu hiểu. Bắt đầu từ rất sớm và kết thúc muộn hơn giờ hành chính với những công việc “không tên” ở lớp.

Điều khó khăn nhất là mức thu nhập hiện tại chưa tương xứng với công sức và trách nhiệm với nghề. Với mức phụ cấp ưu đãi hiện nay, nhiều giáo viên như tôi vẫn phải xoay sở rất vất vả để cân đối chi tiêu, lo cho gia đình, con cái” - cô Lò Thị Hiền, giáo viên Trường Mầm non Mường So chia sẻ.

 Giáo viên Trường Mầm non xã Thanh An, huyện Điện Biên đang hưởng phụ cấp ưu đãi 50%.

Giáo viên Trường Mầm non xã Thanh An, huyện Điện Biên đang hưởng phụ cấp ưu đãi 50%.

Bên cạnh việc mong muốn dự thảo Nghị định sẽ sớm được thông qua và đi vào thực tiễn, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh An kiến nghị Bộ Nội vụ bãi bỏ quy định khống chế chỉ tiêu thăng hạng chức danh giáo viên mầm non.

“Đây là rào cản lớn khiến nhiều giáo viên đã trên 40 tuổi, có bằng đại học và đủ điều kiện nhưng không có cơ hội thăng hạng do bị giới hạn chỉ tiêu, dù đã chờ đợi nhiều năm. Thông tư đã nhiều lần thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa có giáo viên mầm non nào được thăng hạng I” – bà Hường cho biết.

Cũng theo bà Hường, cần đề xuất giảm thủ tục hành chính trong xét thăng hạng. Cùng đó, xem xét điều chỉnh thang bậc lương cho giáo viên mầm non tương xứng với vất vả và áp lực nghề. Đặc biệt có quy định cụ thể để tính tiền tăng giờ làm cho giáo viên mầm non vì thực tế thiếu giáo viên mà chưa được tiền tăng giờ do các quy định hướng dẫn còn chung, chưa cụ thể đối với giáo dục mầm non.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-mam-non-vung-cao-ky-vong-chinh-sach-tang-phu-cap-som-co-hieu-luc-post732081.html