Giáo viên mệt mỏi vì áp lực dạy 'on-off'
Vừa phải dạy trực tiếp, vừa phải dạy trực tuyến, lịch học thì thay đổi liên tục là những áp lực mà giáo viên tại một số cơ sở giáo dục đang phải chịu.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học online qua các nền tảng công nghệ là giải pháp căn cơ để giáo viên và học sinh có thể duy trì được việc dạy và học bình thường.
Cực chẳng đã
Những tuần vừa qua, tình trạng một số giáo viên vừa phải dạy trực tiếp, vừa phải dạy trực tuyến không còn là chuyện cá biệt, mà đã xảy ra khá phổ biến trong các nhà trường trên cả nước bởi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến khá phức tạp, nhiều học sinh không thể đến trường.
Theo đó, tại nhiều cơ sở giáo dục, giáo viên vừa lo giảng dạy, quán xuyến ở lớp dạy trực tiếp, song cũng luôn phải chú ý đứng vào gần chỗ đặt camera để nói, nhằm giúp học sinh nghe tiếng của mình được rõ hơn.
Một số giáo viên cho rằng, nếu như trước đây, chỉ riêng việc học trực tuyến đã khiến họ phải chật vật vì vừa phải làm giáo án điện tử, vừa phải phân bổ thời lượng học sao cho hợp lý, thì nay khi dạy kết hợp, giáo viên không những phải chuẩn bị bài giảng trực tiếp, mà còn phải chuẩn bị thêm cả bài giảng trực tuyến. Áp lực là nhân đôi, chưa kể đến những thời điểm một giáo viên phải dạy nhiều khối khác nhau.
Trong điều kiện dịch bệnh, mục tiêu đặt ra với ngành giáo dục là làm sao đảm bảo được chương trình và chất lượng một cách tốt nhất có thể, chứ không phải thực hiện kế hoạch đồng loạt đến trường hay đồng loạt ở nhà.
Cô giáo Đào M.A, giáo viên khối THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho hay, hiện cô vừa phải dạy trực tuyến, vừa dạy trực tiếp, có những lớp còn phải dạy kết hợp cả 2 hình thức. “Có ngày tôi phải dạy trực tuyến ở một lớp, đồng thời phải dạy trực tiếp cho lớp khác và chuẩn bị bài giảng trên slide cho các em đang phải học tập tại nhà, khiến lúc nào cũng trong tình trạng quay cuồng”, cô M.A. nói.
Theo lời nữ giáo viên này, một tiết học chỉ có 40-45 phút, nhưng thời gian để kết nối thiết bị, ổn định lớp đã mất hàng chục phút, nên thời gian thực học chẳng có bao nhiêu. Đó là chưa kể đến việc chẳng may bị ngắt kết nối nhưng không có người hỗ trợ ngay, giáo viên sẽ rất khó khăn triển khai tiếp tiết dạy.
Lo lắng về hiệu quả dạy học không cao, cô giáo Nguyễn T.T, giáo viên một trường THCS của quận Đống Đa nêu ý kiến, khi kết hợp “on - off”, những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Giáo viên cũng không thể dạy riêng cho những em này theo cách thiết kế của bài giảng trực tuyến.
Còn theo lời một giáo viên ở huyện Kim Bảng (Hà Nam), khi học on-off, khó khăn lớn nhất ở những trường công lập là trong nhiều phòng học không có máy móc, hệ thống mạng cố định. Thế nên, giáo viên dạy ở phòng nào phải tự xách thiết bị riêng của mình sang lớp đó để lắp đặt, kết nối. Việc này cũng mất khá nhiều thời gian, khi ấy học sinh học trực tiếp bị ảnh hưởng mà học sinh học online cũng chẳng có kết quả nhiều.
Đề xuất các trường được “tự quyết”
Chia sẻ với khó khăn của các giáo viên khi vừa phải giữ gìn sức khỏe chống chọi với Covid-19, vừa nỗ lực giảng dạy trong điều kiện hết sức khó khăn, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, đây là khó khăn chung, để duy trì chất lượng dạy học, buộc các thầy cô phải thay đổi phương pháp giảng bài cũng như chuẩn bị giáo án, tài liệu để đáp ứng cả 2 yêu cầu dạy on - off.
Thầy Nhâm cho biết, ngoài việc dạy học trên lớp, nhà trường đã xây dựng hệ thống học trực tuyến, hỗ trợ học sinh tự học. Giáo viên giao bài, tương tác trên hệ thống và qua đó, theo dõi học sinh nắm bài đến đâu, tốc độ hoàn thành đến đâu.
Ở một góc nhìn khác, bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đề xuất, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay thì nên giao quyền chủ động cho các trường tự quyết việc đi học trở lại khi đủ điều kiện, hoặc tiếp tục học online đến khi đủ điều kiện an toàn.
Bà Dương cho rằng, hơn ai hết, các trường tư thục đang phải gồng mình để tồn tại giữa dịch Covid-19, vẫn phải chi khi giảm nguồn thu. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại học trực tiếp phải được các trường hết sức cân nhắc, vì khi xuất hiện lây nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng giáo viên đứng lớp chứ không riêng học sinh, và cả khả năng đảm bảo xử lý tình huống y tế của từng trường để khống chế, kiểm soát mức độ lây lan.
Do đó, thay vì chỉ đạo đồng loạt, cơ quan quản lý chỉ nên ra các khuyến cáo để các trường làm căn cứ. Trong điều kiện dịch bệnh, mục tiêu đặt ra với ngành giáo dục là làm sao đảm bảo được chương trình và chất lượng một cách tốt nhất có thể, chứ không phải thực hiện kế hoạch đồng loạt đến trường hay đồng loạt ở nhà.
Lãnh đạo trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cho rằng, vẫn còn khoảng thời gian hè để các trường củng cố kiến thức cho học sinh khi học trực tuyến, do đó không nên quá lo lắng về vấn đề chất lượng.
Một số ý kiến khác cũng đồng tình kiến nghị, vừa dạy trực tiếp vừa dạy online trong một lớp, cùng một khoảng thời gian sẽ rất khó mang lại hiệu quả. Nếu không điều chỉnh kịp thời, không chỉ học sinh học online tiếp thu bài không tốt, mà chính những học sinh đang học tập trực tiếp cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Thực tế vừa qua đã có một số cơ sở và giáo viên có cách làm sáng tạo khi tổ chức cho giáo viên phụ đạo thêm cho những học sinh ở nhà học bằng hình thức khác, thời điểm khác. Hay như một giải pháp được xem là hiệu quả là nhà trường sẽ tập trung tất cả học sinh F0 và F1 đang học chung một khối để phân công giáo viên dạy phụ đạo vào một số buổi trong tuần.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giao-vien-met-moi-vi-ap-luc-day-on-off-d162087.html