Giáo viên nào được phép đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm?
Giáo viên ở khối ngoài công lập có thể đăng ký kinh doanh theo quy định để tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, một số tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giáo dục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương. Nhiều doanh nghiệp đã bổ sung ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giáo dục để tổ chức dạy thêm.
Việc đăng ký kinh doanh này nhằm thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Giáo viên tự do hoặc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể tự đứng tên đăng ký kinh doanh để tổ chức lớp dạy thêm.
Theo đó, việc đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường có thể thực hiện theo một trong các loại hình: hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.
Theo điều 6 Thông tư 29, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu: Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Thông tư 29 cũng nêu rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, việc giáo viên đó tham gia dạy thêm ngoài nhà trường cần phải thực hiện các thủ tục khác như phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Thông tư 29 cũng quy định từ ngày 14/2 chỉ có 3 đối tượng được học thêm trong nhà trường nếu có nhu cầu đăng ký, gồm: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Các nhà trường không được thu tiền của những học sinh này.
Những học sinh không thuộc 3 đối tượng trên nếu có nhu cầu sẽ học thêm ngoài nhà trường theo quy định. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa phụ huynh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
Như vậy, từ ngày 14/2, học sinh các khối lớp 6, 7, 8, 10, 11 ở Hải Dương không còn học thêm trong nhà trường mà chỉ học sinh lớp cuối cấp là lớp 9, 12 được học thêm trong nhà trường nếu có nhu cầu.
Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể về kinh phí chi trả cho giáo viên dạy thêm học sinh cuối cấp, từ ngày 14/2, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tạm dừng dạy thêm đối với học sinh lớp 9.
Còn theo Hiệu trưởng nhiều trường THPT, hầu hết học sinh lớp 12 sẽ đăng ký ôn thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, trước mắt các trường THPT vẫn sẽ tổ chức dạy thêm trong nhà trường để ôn luyện cho các học sinh này.
Việc dạy thêm trong nhà trường phải bảo đảm quy định tại điều 5 Thông tư 29, mỗi môn không được dạy quá 2 tiết/tuần.
Thông tư cũng quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học vẫn được học 2 buổi/ngày tại trường.
Được biết, có nhiều giáo viên từng dạy thêm tại nhà nay đã không còn tổ chức dạy. Không ít phụ huynh đang lo lắng, tìm giáo viên dạy thêm cho con. Đặc biệt, do nhu cầu nên một số phụ huynh đăng ký cho con học thêm online với giáo viên.