Nữ phó trưởng bộ môn đạt giải Nhì Olympic quốc tế dành cho giảng viên tiếng Nga

Cô Lưu Thị Nam Hà (Phó Trưởng bộ môn Thực hành tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN) giành giải Nhì tại Cuộc thi Olympic quốc tế dành cho giảng viên tiếng Nga năm 2024. Nếu tính theo độ tuổi, cô Hà nằm trong top 3 giảng viên trẻ nhất cuộc thi này.

Để đạt kết quả này, nữ giảng viên đã vượt qua hơn 100 thí sinh đến từ 30 quốc gia trên thế giới trong cuộc thi tại Nga tháng 12/2024 dành cho các giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tiếng Nga ở ngoài lãnh thổ nước này.

ThS Lưu Thị Nam Hà giành giải Nhì tại Cuộc thi Olympic quốc tế dành cho giảng viên tiếng Nga năm 2024. Ảnh: NVCC

ThS Lưu Thị Nam Hà giành giải Nhì tại Cuộc thi Olympic quốc tế dành cho giảng viên tiếng Nga năm 2024. Ảnh: NVCC

Để thuyết phục được ban giám khảo, cô Hà cũng như các giảng viên khác phải chia sẻ về triết lý giảng dạy tiếng Nga, giới thiệu cách tiếp cận trong giảng dạy tiếng Nga của bản thân... bằng cách thể hiện sáng tạo nhất.

Các thí sinh cũng thiết kế bài giảng với chủ đề “Tiếng Nga dành cho các nghề nghiệp trong tương lai” trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trí tuệ nhân tạo ngày càng tác động mạnh đến mọi lĩnh vực cuộc sống; Qua đó, trả lời câu hỏi: “Tương lai nào đang chờ đợi con người?”; “Điều gì sẽ xảy ra với các ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Nga?”; “Liệu chúng ta có cần tiếp tục học ngoại ngữ?”...

Bên cạnh đó, nữ giảng viên cũng phải xây dựng một dự án giáo dục và phổ biến kiến thức “Nga - Việt (quốc gia tương ứng với thí sinh) trước khi bảo vệ công khai tại cuộc thi. Nếu tính theo độ tuổi, cô Hà nằm trong top 3 giảng viên trẻ nhất ở cuộc thi này.

“Giành giải Nhì ở một cuộc thi cấp quốc tế là niềm vui bất ngờ và tự hào lớn với tôi. Các đồng nghiệp tranh tài đều có chuyên môn rất vững, nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng Nga. Khi quyết định tham gia, tôi chỉ nghĩ đây là cơ hội để học hỏi và thử sức với những đồng nghiệp quốc tế tài năng, không ngờ mình lại đi xa được đến vậy.

Giải thưởng này là một động lực mạnh mẽ, khích lệ tôi tiếp tục cống hiến trong công tác đào tạo nhân lực tiếng Nga. Tôi mong rằng, giải thưởng này cũng sẽ truyền cảm hứng học tập cho sinh viên, giúp các em vững tin trên con đường học tập, theo đuổi ước mơ và lựa chọn nghề nghiệp, bước ra chinh phục thế giới”, cô Hà chia sẻ.

Cô Hà tiếp xúc và yêu tiếng Nga từ nhỏ. Ảnh: NVCC

Cô Hà tiếp xúc và yêu tiếng Nga từ nhỏ. Ảnh: NVCC

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cô Hà tiếp xúc và có tình yêu với tiếng Nga từ nhỏ. Bố mẹ cô đều gắn bó với ngôn ngữ, văn hóa, khoa học đất nước Nga. “Bố tôi là giảng viên, phiên dịch viên tiếng Nga. Mẹ tôi cũng là giảng viên và sau này là nghiên cứu viên cao cấp. Có thể nói, tôi được nghe âm điệu tiếng Nga từ khi còn nằm nôi”, cô Hà nói.

Song, hành trình học tiếng Nga của nữ giảng viên không dễ dàng. Do đặc thù công việc của bố mẹ, những năm tháng học tập của cô gắn liền với rất nhiều lần chuyển trường. “Bố mẹ tôi khi ở miền Bắc, có lúc vào miền Nam giảng dạy, có thời gian sang Nga học tập, nghiên cứu, rồi lại trở về Việt Nam công tác. Tôi cũng theo chân bố mẹ, trải nghiệm học tập ở nhiều ngôi trường”.

Năm 2001, cô Nam Hà trở thành tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội). Với kết quả học tập Xuất sắc ở năm nhất, cô nhận học bổng của Bộ GD-ĐT để du học Nga với ngành Ngôn ngữ và Dịch thuật tại ĐH Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Matxcơva.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp loại ưu với 2 ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Anh, trở về nước, cô Hà đứng trước 2 lựa chọn, nên gắn bó với ngôn ngữ nào chính.

Tiếng Anh khi đó đang “lên ngôi", nhưng vì tình yêu, cô quyết định theo đuổi tiếng Nga. “Tôi tin đất nước vẫn sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu và thông thạo tiếng Nga. Bên cạnh đó, tôi muốn truyền lửa tiếng Nga tới thế hệ trẻ”, cô Hà nói về quyết định của mình.

Lựa chọn tiếng Nga, cô Hà cho rằng mình đã vượt qua những thử thách cần thiết để trưởng thành hơn trong nghề nghiệp, bao gồm việc truyền tải ngôn ngữ và văn hóa Nga tới sinh viên Việt Nam - những người có bối cảnh văn hóa hoàn toàn khác biệt.

Điều cô trăn trở nhiều hơn nằm ở tương lai. Làm sao để tăng hiệu quả dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam? Làm sao để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin vững bước trên con đường sự nghiệp, áp dụng được chuyên ngành đã học để có vị trí việc làm như mong muốn?

"Với tôi, giảng dạy tiếng Nga không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn giúp sinh viên tìm thấy đam mê và mục tiêu trong cuộc sống. Tôi tin rằng, mỗi thầy cô như chúng tôi, khi không ngừng làm việc sáng tạo, những thử thách đó sẽ trở thành cơ hội cho nền giáo dục tiếng Nga ở Việt Nam phát triển hơn”, cô bày tỏ.

Từng có lần "rẽ hướng", cô Nam Hà vẫn gắn bó với nghề giáo. Ảnh: NVCC

Từng có lần "rẽ hướng", cô Nam Hà vẫn gắn bó với nghề giáo. Ảnh: NVCC

Ít ai biết, nữ giảng viên từng là biên tập viên truyền hình. Năm 2012, cô “rẽ hướng” làm việc tại Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) - Đài Truyền hình Việt Nam với nhiệm vụ tham gia sản xuất bản tin tiếng Nga. Nhưng sau thời gian ngắn, thấy nhớ sinh viên và nhận ra với công việc mới, mình ít có dịp được lan tỏa nhiệt huyết, tình yêu với tiếng Nga tới các bạn trẻ, cô Hà trở lại nghề giáo cuối năm 2013.

Trong mắt sinh viên, cô giáo Lưu Thị Nam Hà không chỉ là một giảng viên giỏi chuyên môn, có tư duy mới mẻ mà còn rất thân thiện. Với sự dẫn dắt và khích lệ của cô, mới đây, nhóm sinh viên Khoa ngôn ngữ và Văn hóa Nga - nơi cô giảng dạy - đã đạt giải tại cuộc thi Dịch quốc tế năm 2024.

Nói về dự định trong năm 2025, nữ giảng viên mong muốn phát triển thêm những bài giảng sáng tạo, kết hợp công nghệ hiện đại, tích hợp các nền tảng trực tuyến để làm phong phú trải nghiệm học tập của sinh viên, giúp các em không chỉ dễ dàng tiếp cận mà còn thêm hứng thú trong quá trình học.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-giao-gianh-giai-nhi-olympic-quoc-te-danh-cho-giang-vien-tieng-nga-2366138.html