Giáo viên Ngữ văn kiến nghị có mẫu đề kiểm tra đầu ra đối với học sinh lớp 9

Cách dạy học mới có ưu điểm vượt trội là tránh được lối học tủ, học vẹt, nạn quay cóp và tạo tính chủ động, kích thích sáng tạo trong học sinh.

Ghi nhận sau 1 năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Ngữ văn lớp 10 cho thấy, các nhà trường, giáo viên đặc biệt chú trọng trong đổi mới phương pháp dạy và học, giúp học sinh hướng đến phát triển phẩm chất năng lực, rèn kỹ năng, phát huy tính tích cực chủ động và khả năng tư duy.

Chia sẻ về chuyển biến của cả người dạy và học môn Ngữ văn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Hoàng Phương Lan - Tổ phó chuyên môn tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, khi triển khai dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên đã tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy, đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá, cập nhật kiến thức mới cho học sinh khiến mỗi giờ học trở nên sinh động, thú vị, lôi cuốn.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm cung cấp).

Học sinh Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm cung cấp).

“Để nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên môn Ngữ văn lớp 10, công tác bồi dưỡng chuyên môn được diễn ra thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú như: tham gia các chuyên đề của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, của cụm trường Nam – Bắc Từ Liêm và tổ chuyên môn. Đồng thời, bản thân mỗi giáo viên đều không ngừng tự bồi dưỡng chuyên môn qua thực tiễn các bài giảng, tiết dạy của bản thân và đồng nghiệp…”, cô Lan chia sẻ.

Cô Lan cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo thực hiện thành công việc giảng dạy môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên và xây dựng tài liệu bài giảng phù hợp.

“Thực hiện chương trình mới, phương pháp giảng dạy của giáo viên Ngữ văn thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây, giáo viên quan tâm nhiều đến việc truyền tải nội dung, kiến thức mỗi bài học cho học sinh, thì giờ đây, giáo viên chú trọng nhiều hơn trong việc hướng dẫn các em nắm vững kỹ năng để tự mình tiếp cận, lĩnh hội nội dung bài học.

Là năm đầu tiên triển khai chương trình mới, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận những kết quả ban đầu của việc thay đổi phương pháp giảng dạy Ngữ văn đối với học sinh. Cách dạy học mới có ưu điểm vượt trội là tránh được lối học tủ, học vẹt, nạn quay cóp và tạo tính chủ động, kích thích sáng tạo trong học sinh”, nhà giáo Hoàng Phương Lan nhận xét.

Cũng theo chia sẻ của cô Lan, việc xây dựng chương trình học môn Ngữ văn rất quan trọng. Căn cứ chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên được linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục và giảng dạy dựa trên phân phối chương trình của tổ, nhóm chuyên môn. Đối với từng bộ sách giáo khoa, mức độ phân bổ kiến thức khác nhau được giáo viên vận dụng vào thực tiễn giảng dạy căn cứ theo nhu cầu, nhận thức của học sinh. Do đó, học sinh được phát triển các năng lực cá nhân đặc thù.

Song, do là chương trình mới, và được thực hiện năm đầu tiên nên còn bộc lộ một số khó khăn nhất định đối với công tác phân công nhiệm vụ và kiểm tra giám sát đối với giáo viên giảng dạy. Nhất là việc dạy học phân hóa và triển khai các phương pháp dạy học mới đối với từng đối tượng, lớp học cụ thể.

Những khó khăn này về cơ bản đã được khắc phục một phần khiến cho kết quả triển khai nhiệm vụ giảng dạy có nhiều khả quan. Dần về cuối năm học, cơ bản các nhiệm vụ đã được thực hiện đạt yêu cầu. Giáo viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm, học sinh cơ bản được đánh giá khách quan.

“Sau khi đánh giá chất lượng triển khai giảng dạy của giáo viên, chúng tôi đã có những điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh thực tế và năng lực học sinh. Hiện, về cơ bản, tổ, nhóm chuyên môn đã đáp ứng được chương trình, từng bước xây dựng kế hoạch phù hợp, phân công cụ thể nhiệm vụ để ứng dụng, rút kinh nghiệm cho năm học tới triển khai chương trình mới đối với lớp 11”, nhà giáo Hoàng Phương Lan chia sẻ.

Nhằm đáp ứng mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, với môn Ngữ văn, nội dung hướng nghiệp được tích hợp vào một số bài giảng trong chương trình. Bên cạnh đó, qua việc thực hiện các chuyên đề, các hoạt động trải nghiệm, giáo viên giúp học sinh xác định rõ năng lực, sở thích, đam mê… để tư vấn, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong tương lai.

Cũng theo chia sẻ của một số giáo viên tổ Ngữ văn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo viên còn gặp khó khăn như: thời lượng giảng dạy hạn chế so với yêu cầu cần đạt của bộ môn. Trình độ học sinh không đồng đều, nền kiến thức yếu, cấu trúc, ma trận đề thi chưa thống nhất...

Khắc phục khó khăn trên, tập thể giáo viên Ngữ văn từng bước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, không ngừng nỗ lực học hỏi đồng nghiệp và tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo môn Ngữ văn nói riêng.

Cùng chia sẻ về bộ môn Ngữ văn, cô Tô Lan Hương - giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Siêu cho biết, những ngày đầu, giáo viên gặp khó khăn trong việc vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật để tổ chức hiệu quả các hoạt động dạy học, nhất là ở hoạt động hình thành kiến thức.

Học sinh khối 10 Trường Nguyễn Siêu tham gia tuần định hướng môn Ngữ văn. (Ảnh: NTCC).

Học sinh khối 10 Trường Nguyễn Siêu tham gia tuần định hướng môn Ngữ văn. (Ảnh: NTCC).

Tuy vậy bằng nỗ lực và sáng tạo, trường đã có các giải pháp như: tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, cùng nhau xây dựng kế hoạch bài dạy để chia sẻ, trao đổi, tìm ra giải pháp tối ưu. Tham gia các lớp tập huấn, chuyên đề, hội thảo đổi mới phương pháp dạy học. Bám sát yêu cầu cần đạt của từng kỹ năng nghe – nói – đọc – viết để tổ chức các hoạt động học tập phù hợp trong từng tiết dạy.

Cô Nguyễn Thị Yến - giáo viên môn Ngữ văn Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Siêu cho biết, học sinh đã quen với cách “học gì thi nấy” nên còn lúng túng khi làm bài kiểm tra tiếp cận với một ngữ liệu hoàn toàn mới; một bộ phận học sinh lơ là việc ghi chép, mất tập trung trong giờ học do suy nghĩ kiểm tra sẽ vào một ngữ liệu mới. Vì vậy, giáo viên hướng dẫn học sinh ghi chú những nội dung quan trọng. Tổ chức các hoạt động học tập có hứng thú để thu hút sự tập trung của người học.

Học sinh Trường Nguyễn Siêu tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam. (Ảnh: NTCC).

Học sinh Trường Nguyễn Siêu tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam. (Ảnh: NTCC).

Chia sẻ kinh nghiệm cho việc dạy học môn Ngữ văn theo chương trình mới, các giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Siêu cho rằng, cần thay đổi nhận thức, cách tư duy. Thích ứng với cái mới, học từ những thiếu sót; hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng của bộ môn: nghe – nói – đọc – viết. Trau dồi kỹ năng công nghệ thông tin để hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động dạy học. Giáo viên cùng nhau xây dựng chương trình, tháo gỡ khó khăn, phát triển chuyên môn.

Đồng thời, các giáo viên cũng kiến nghị có mẫu đề kiểm tra đầu ra đối với học sinh lớp 9 bởi đây là một mục tiêu quan trọng, cốt yếu của bậc trung học cơ sở, từ đó giúp giáo viên và học sinh có lộ trình, kế hoạch dạy học, ôn tập, kiểm tra đúng hướng.

Ngọc Mai - Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-ngu-van-kien-nghi-co-mau-de-kiem-tra-dau-ra-doi-voi-hoc-sinh-lop-9-post235438.gd