Giáo viên ở TP.HCM tất bật đăng ký kinh doanh dạy thêm
Từ khi thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2, lượng giáo viên đăng ký hộ kinh doanh tại TP.HCM ngày càng đông.
Đăng ký thuận lợi
Từ sáng sớm 21/2, ông Nguyễn Hữu Lộc (phường 1, quận Phú Nhuận) đến Chi cục Thuế quận để thực hiện kê khai thuế cho hộ kinh doanh dạy thêm của con rể (giáo viên THCS) để thuận tiện cho việc dạy thêm tiếng Anh tại nhà.
Ông Lộc cho biết, thủ tục đăng ký kinh doanh khá đơn giản và nhanh chóng. Trước đó, ông làm thủ tục đăng ký kinh doanh online, sau 3 ngày có thông báo lên quận nhận giấy phép kinh doanh. Hôm nay, ông đến hoàn tất các thủ tục liên quan đến thuế.

Khu vực giải quyết thủ tục thuế tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Ông Lộc nói, khi biết ông hoàn tất việc đăng ký kinh doanh dạy thêm, cũng có một số giáo viên ngỏ ý nhờ ông hỗ trợ làm các thủ tục để dạy theo quy định nhưng ông từ chối. "Hiện chỉ có con của tôi tham gia giảng dạy theo hộ kinh doanh mà tôi đăng ký. Việc này, tôi phải tìm hiểu kỹ mới dám đưa ra quyết định", ông nói.
Bà Vũ Thị Hải Yến – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thuế quận Phú Nhuận cho biết, từ ngày 14/2 đến nay, đơn vị tiếp nhận gần 20 trường hợp đến đăng ký thuế cho hộ kinh doanh dạy thêm, số lượng tăng lên theo từng ngày. Trong đó là những trường hợp người nhà đứng tên thay, giáo viên tự do và các giáo viên đã nghỉ hưu.
"Đây là lần đầu tiên việc dạy thêm phải đăng ký kinh doanh nên nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ. Hầu hết người dân còn thắc mắc về phương thức ký kết hợp đồng giữ chủ kinh doanh và các giáo viên. Ngoài ra, những giáo viên ký hợp đồng dạy với các hộ kinh doanh sẽ đóng thuế như thế nào?. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng nhân sự để từ vấn và giải quyết những vướng mắc cho người dân”, một cán bộ tại Chi cục Thuế quận Phú Nhuận nói.
Còn nhiều băn khoăn
Theo một số giáo viên công lập tại TP.HCM, trước đây việc dạy thêm diễn ra tràn lan, đa phần thầy cô đều tự mở lớp dạy thêm tại nhà. Khi có quy định phải đăng ký kinh doanh dạy thêm và giáo viên trường công lập không được đứng tên chủ hộ kinh doanh, các lớp dạy thêm tự phát buộc phải dẹp bỏ.
Nhiều giáo viên công lập muốn dạy thêm đã tập trung lại thành nhóm, sau đó nhờ người đứng tên hộ kinh doanh ký hợp đồng với các giáo viên để được dạy thêm hợp pháp.
“Việc cho bất cứ ai ngoài giáo viên công lập đứng tên cơ sở kinh doanh dạy thêm là không hợp lý. Nhiều người không có trình độ chuyên môn sư phạm mà lại được làm chủ trung tâm dạy thêm, chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu? Vì ai đảm bảo được chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất ở những trung tâm dạy thêm đó. Theo tôi một là cấm dạy thêm, còn nếu không thì cho đăng ký dạy thêm tại trường dưới sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo”, lãnh đạo một trường THCS tại quận Bình tân, cho biết.
Nhiều trường hợp đã đăng ký thành công giấy phép kinh doanh nhưng vẫn chưa hết lo lắng cho quá trình hoạt động sắp tới. Quy định cụ thể ra sao về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo PCCC... còn rất nhiều thắc mắc chưa được làm rõ.
Chị Minh Anh, giáo viên dạy tiếng Anh tự do cho biết, trước đây chị nhận dạy online và kèm học sinh tại nhà. Từ khi biết có quy định mới về dạy thêm, học thêm, chị đã thực hiện các thủ tục đầy đủ. Tuy nhiên, hiện chị cho học sinh tạm nghỉ vì chưa rõ các quy định về dạy online.
"Tôi cũng vừa xây mới một phòng dành riêng cho việc dạy thêm, mua sắm bàn ghế đầy đủ. Sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký, tôi dự định mở rộng quy mô lớp lên từ 15 đến 20 em nhưng giờ vẫn chưa chính thức mở. Tôi vẫn lo không biết còn quy định nào mình chưa đáp ứng hay không", chị Minh Anh nói.

Một lớp học thêm tiếng Anh tại TP.HCM. (Ảnh minh họa)
Sau khi có thông tư mới, một giáo viên Ngữ văn tại TP Thủ Đức tìm đến các Trung tâm dạy thêm tư nhân để xin ký hợp đồng. Tuy nhiên sau khi biết mức thuế phải đóng từ 20 - 25%, chị băn khoăn vì mức thuế này quá cao.
Trước mắt, nữ giáo viên này tạm thời nghỉ dạy thêm tại nhà, riêng học sinh cuối cấp, chị dạy online cho nhóm 5 học sinh .
"Đây là những học sinh có học lực dưới trung bình, tôi cũng muốn hỗ trợ các em có thêm kiến thức. Hiện các em đang học lớp 9, năm nay các em thi cuối cấp, lại là năm đầu tiên thi theo chương trình GDPT mới nên rất lo lắng. Phụ huynh đều gọi điện nhờ tôi hỗ trợ và tôi cũng cam kết không thu phí", giáo viên này nói.
Điều 6, thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT tạo quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung cơ sở dạy thêm) phải thực hiện yêu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thông tư 29 cũng quy định người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giao-vien-o-tp-hcm-tat-bat-dang-ky-kinh-doanh-day-them-ar927280.html