Giáo viên phản biện Thông tư quy định về dạy thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm. Một giáo viên bậc trung học phổ thông phản biện lại 4 nội dung trong Thông tư này vì một số quy định được cho là còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn dạy học ở các nhà trường phổ thông hiện nay.

Theo Thông tư, trong nhà trường không được thu tiền dạy thêm, học thêm của học sinh. Minh họa: N.C

Theo Thông tư, trong nhà trường không được thu tiền dạy thêm, học thêm của học sinh. Minh họa: N.C

Thứ nhất, vào thời điểm cuối tháng 8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan.

Theo đó, dự thảo này có 2 nội dung đáng chú ý, đó là cho phép giáo viên, gồm hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, được phép dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo quy định.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 1/2025, khi ban hành Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "quay xe" theo hướng: cấm giáo viên dạy thêm trong nhà trường có thu tiền; cấm dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh đã được dạy ở trên lớp.

Vậy thì, khoảng 4 tháng lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phớt lờ rất nhiều ý kiến đóng góp bổ ích về dạy thêm, học thêm. Đó cũng là lí do nhiều giáo viên cho rằng, phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn mang nặng tư duy không quản được thì cấm?

Thứ hai, theo Thông tư, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Như vậy, học sinh có học lực trung bình, khá, giỏi bị mất quyền được học thêm với những giáo viên bộ môn giỏi, tâm huyết, sao quá vô lí!

Cùng với đó là quy định lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh. Vậy thì, học sinh có học lực yếu (chưa đạt), nếu gom các em vào một lớp có sĩ số 45 em, làm sao giáo viên giảng dạy hiệu quả?

Ngoài ra, quy định mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần cũng khiến rất nhiều giáo viên không thể lí giải được vì sao lại như thế. Giáo viên dạy học sinh yếu, dạy đội tuyển học sinh giỏi miễn phí thì việc dạy bao nhiêu tiết là tùy tâm của thầy cô giáo, chứ sao lại "ép" số tiết/tuần?

Thứ ba, Thông tư quy định hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lí giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường cũng là điều bất khả thi. Bởi vì, hiệu trưởng có đi kiểm tra thường xuyên, liên tục hết tuần, hết tháng, hết năm được không? Một trường có vài chục giáo viên tham gia dạy thêm hàng chục địa địa điểm ở ngoài nhà trường thì hiệu trưởng nào có thể "quản" hết?

Đáng nói, chẳng hạn, ông A làm nghề tự do, bây giờ ông mở trung tâm (có giấy phép dạy thêm, học thêm) và thuê cô giáo B dạy thêm. Vậy thì, hiệu trưởng của cô giáo B lấy tư cách, thẩm quyền gì để vào trung tâm của ông A để kiểm tra?

Giả sử, trung tâm của ông A được mở ngay trong gia đình của ông. Nếu hiệu trưởng của cô giáo B tự ý vào kiểm tra dạy thêm, học thêm là có dấu hiệu của hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm giáo viên dạy thêm có thu tiền trong nhà trường nhưng bằng cách nào để cấm thầy cô giáo dạy thêm online (trực tuyến)? Và mỗi khi phụ huynh thỏa thuận với giáo viên về việc dạy thêm online (có thu tiền) nhưng không một ai tiết lộ cả thì hiệu trưởng nào "quản" nổi?

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-phan-bien-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-179250117144303893.htm