Giáo viên tiếng Anh dạy nhiều, lương quá thấp
Lương giáo viên tiếng Anh mới ra trường hơn 3 triệu đồng, số tiết dạy nghĩa vụ 23 tiết/tuần. Do đó, các quận/huyện rất khó tuyển giáo viên hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có báo cáo về thực trạng giảng dạy tiếng Anh cấp tiểu học trên địa bàn TP.
97,2% học sinh được học môn tiếng Anh ở cả năm khối lớp
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện tại TP.HCM có ba chương trình giảng dạy tiếng Anh gồm: Tiếng Anh tăng cường trên hai tiết/tuần đối với các chương trình lớp 1, lớp 2 và lớp 3 (2022-2023) sau hai tiết tự chọn của Bộ GD&ĐT; tiếng Anh tăng cường tám tiết/tuần đối với các chương trình lớp 4, lớp 5 (chưa thay đổi so với Chương trình phổ thông 2018); tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (tám tiết/tuần). Cùng các phần mềm bổ trợ đã được cấp phép.
Thực tế, các phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý chuyên môn của các trường hiểu rõ về những yêu cầu của chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học nên đã có quản lý về mặt chất lượng tốt hơn với các tiết dạy tiếng Anh.
Việc dạy ngoại ngữ trong trường tiểu học ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao, chuẩn bị chu đáo cho việc triển khai các môn học này với tư cách là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh được tiếp cận với nhiều chuẩn đánh giá quốc tế, góp phần cho việc hội nhập sau này. Việc tiếp tục triển khai và mở rộng thực hiện “Dạy và học toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” theo quyết định của UBND TP.HCM ngày càng được nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho học sinh tiểu học tiếp cận với chương trình quốc tế. Việc giao lưu với học sinh tiểu học quốc tế cũng đóng góp cho việc học ngoại ngữ thành công. Tính đến nay, toàn TP có trên 97,2% học sinh được học môn tiếng Anh ở cả năm khối lớp.
Dạy tiếng Anh tiểu học rất cực, không thể dạy 23 tiết nghĩa vụ/tuần với số tiền lương trên 3 triệu đồng/tháng.
Lương giáo viên hơn 3 triệu đồng/tháng
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đánh giá việc tổ chức dạy học tiếng Anh trên địa bàn TP.HCM vẫn còn gặp những khó khăn.
Thứ nhất, các con số về nhu cầu giáo viên tiếng Anh chưa được tính đúng với nhu cầu thực tế khi 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ. Vì vậy, khi thiếu giáo viên, Phòng GD&ĐT cũng như nhà trường không thể tuyển giáo viên hợp đồng vì không có kinh phí.
Thứ hai, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ còn chưa đồng đều ở các trường, việc thiếu phòng học dẫn đến việc xây dựng “phòng học tiếng” còn hạn chế.
Thứ ba, lương của giáo viên tiếng Anh còn thấp (lương của giáo viên mới ra trường khoảng hơn 3 triệu đồng), số tiết dạy nghĩa vụ còn tương đối cao (23 tiết/tuần) nên các quận/huyện rất khó tuyển giáo viên hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt ở các vùng xa khó khăn. Ở các nơi này, việc tuyển giáo viên tiếng Anh đủ tiêu chuẩn hầu như là không thể thực hiện được, việc tuyển giáo viên mới và đào tạo lại để các giáo viên này có kỹ năng dạy tiếng Anh tiểu học phải tiến hành liên tục hằng năm, dẫn đến sự bất ổn về nhân sự.
Từ đó, Sở GD&ĐT TP.HCM mong muốn Bộ GD&ĐT có hướng giảm số tiết nghĩa vụ của giáo viên dạy tiếng Anh vì dạy tiếng Anh tiểu học rất cực, không thể dạy 23 tiết nghĩa vụ/tuần với số tiền lương trên 3 triệu đồng/tháng, khoảng 18 tiết/tuần là vừa đủ. Điều này sẽ khiến không tuyển được giáo viên mới và không giữ được giáo viên giỏi.•
Quy định dạy 23 tiết/tuần đã có từ lâu
Định mức tiết dạy tiếng Anh là quy định theo văn bản của Bộ GD&ĐT từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc giáo viên tiếng Anh thực hiện 23 tiết/tuần giống giáo viên tiểu học nhưng chế độ riêng lại không có.
Cũng theo Sở GD&ĐT TP.HCM, việc thiếu giáo viên tiếng Anh do lương thấp, không đủ thu hút nên trong năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT quận/huyện và TP Thủ Đức để thực hiện hợp đồng thỉnh giảng. Sở cũng đã làm việc với ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn để đặt hàng tuyển dụng giáo viên tiếng Anh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-vien-tieng-anh-day-nhieu-luong-qua-thap-post696225.html