Giáo viên với 3 kì vọng về giáo dục cho năm mới 2025
Năm mới luôn là dịp để nhìn lại, suy ngẫm và hướng về tương lai với hi vọng đổi mới và phát triển. Là nhà giáo, họ mong muốn năm 2025 sẽ có những bước tiến đáng kể trong giáo dục, đặc biệt ở những khía cạnh quan trọng: sự phân luồng giáo dục phổ thông, thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, các kì thi cấp quốc gia và quốc tế.
Các giáo viên cùng chia sẻ về những kỳ vọng đổi mới giáo dục năm 2025.
Thầy giáo Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: 3 kì vọng
Về sự phân luồng giáo dục
Mong rằng trong năm mới, cùng với sự đồng hành của các cấp trong ngành giáo dục, các phụ huynh và sự tìm hiểu của học sinh sự phân luồng giáo dục, sự định hướng nghề nghiệp được thúc đẩy sớm từ giai đoạn cấp THCS từ đó làm tiền đề cho việc chọn môn học ở cấp THPT, tỉ lệ học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có sự cân đối hơn từ đó tạo nguồn lực đủ lớn cho sự phát triển của các ngành khoa học, công nghệ và kĩ thuật trong tương lai.
Ngay từ cấp 2, học sinh cần được tư vấn nghề nghiệp thông qua các chương trình thực tế, trải nghiệm thực tiễn. Thay đổi quan niệm về giáo dục nghề nghiệp: cần nâng cao chất lượng các trường nghề, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rằng học nghề không phải là "lối rẽ thấp hơn" mà là một hướng đi đầy tiềm năng. Liên kết với doanh nghiệp: các trường THPT và trường nghề nên hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thị trường, giúp học sinh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và xét tuyển đại học
Năm 2025, kì thi tốt nghiệp theo định dạng đề thi mới được thực hiện với lứa học sinh đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là một kì thi quan trọng nhằm đánh giá kết quả của quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời là căn cứ quan trọng để xét tuyển vào các trường đại học.
Trong các khâu của kì thi, tôi vẫn mong chờ nhất đề thi vừa đánh giá được kết quả học tập của học sinh trong 3 năm học, đề thi có yếu tố thực tiễn, vừa có khả năng phân hóa tốt để làm căn cứ xét tuyển đại học, phổ điểm đẹp và rải đều theo nguyên tắc thống kê, tránh tình trạng phổ điểm lệch về 1 phía hoặc theo đường cong yên ngựa… Sự phân hóa tốt của đề, tổ chức tốt sẽ là tiền đề quan trọng cho xét tuyển vào các trường đại học. Kì thi tốt nghiệp làm tốt thì các trường đại học sẽ đỡ phải tổ chức các kì thi riêng, đảm bảo sự công bằng hơn với các thí sinh ở mọi vùng miền tổ quốc.
Thành tích quốc tế – Hướng đến hội nhập sâu rộng
Những năm gần đây, học sinh Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào trong các kỳ thi quốc tế như Toán, Khoa học tự nhiên, Tin học. Tuy nhiên, để tiến xa hơn, tôi mong muốn có sự đầu tư bài bản hơn. Theo đó việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi nên được thực hiện từ sớm, có hệ thống, dài hạn và lọc dần qua từng bước, phát hiện sớm các học sinh giỏi từ bậc học dưới để có kế hoạch bồi dưỡng cho các em.
Kì thi chọn HSG Quốc gia được tổ chức theo các hội đồng thi lớn, cả nước với khoảng 5 – 6 Hội đồng thi, vừa tiết kiệm được nguồn lực lại tạo điều kiện cho các thí sinh, thầy cô giáo có cơ hội giao lưu, học hỏi, …
Mở rộng cơ hội thi cử: không chỉ chú trọng vào các kỳ thi truyền thống mà còn khuyến khích học sinh tham gia nhiều sân chơi học thuật quốc tế khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, các kì thi olympic Quốc tế khác, …
Hỗ trợ học sinh sau khi đạt giải: cần có chính sách tạo điều kiện để các em tiếp tục phát triển tài năng tại Việt Nam, thay vì chỉ coi thành tích là điểm nhấn rồi bỏ quên sau đó. Các học sinh đạt giải trong các kì thi quốc gia, quốc tế có cơ hội để học tiếp các ngành, lĩnh vực mà các em đạt giải, để có thể tiếp tục phát triển thành các chuyên gia trong tương lai.
Khi làm tốt các điều đó, chúng ta có quyền hi vọng kết quả các kì thi Quốc tế của học sinh chúng ta không chỉ tăng lên về số lượng và chất lượng, duy trì và tăng được vị thế mà tạo ra một phong trào học tập, thi đua thực sự ý nghĩa từ đó bồi dưỡng được những nhân sự tài năng cho phát triển đất nước.
Năm 2025 mở ra nhiều cơ hội đổi mới cho ngành giáo dục. Với tư cách một nhà giáo, tôi hy vọng những cải tiến trên sẽ giúp nền giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển, học sinh có môi trường học tập tốt hơn, giáo viên có động lực giảng dạy và xã hội có nguồn nhân lực chất lượng cao để đất nước vững bước tiến vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cô Kiều Huế (giáo viên dạy Văn): Mong học sinh có được một môi trường học tập thật sự hạnh phúc
Đối với tôi, mong mỏi lớn nhất là học sinh có được một môi trường học tập thật sự hạnh phúc và đầy cảm hứng mỗi ngày đến trường.
Tôi hy vọng rằng, các nhà trường sẽ triển khai nhiều hơn chương trình giáo dục về kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết xung đột hướng đến một trường học an toàn, lành mạnh để trường lớp là nơi các em tìm thấy niềm vui, sự sáng tạo. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn xây dựng được thêm nhiều hơn những tủ sách không chỉ cho học sinh ở thành phố mà còn có thể đến những em học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Tôi tin rằng, việc xây dựng được văn hóa đọc cho học sinh sẽ là nền tảng vững vàng để các em trở thành những người công dân có tri thức, có đạo đức và có khả năng đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.