Giáo viên vùng cao và nỗi niềm mỗi dịp Tết đến

Gần đến Tết Nguyên đán, câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên nói chung và giáo viên vùng cao nói riêng nhận được nhiều quan tâm. Do nguồn kinh phí nhiều trường còn khó khăn, nên việc được nhận thưởng Tết với giáo viên vùng khó là một khái niệm xa lạ, hoặc chỉ mang tính chất tượng trưng.

Nếu nhiều trường học tại các thành phố lớn đã công bố mức thưởng Tết cho giáo viên tăng cao, có nơi đến gần 30 triệu, thì với giáo viên vùng khó, vấn đề lương thưởng luôn là nỗi trăn trở mỗi dịp Tết Nguyên đán về. Trước đó, hầu hết giáo viên có mức thưởng Tết eo hẹp, nhiều nơi không biết đến khái niệm "Thưởng Tết" hay "Lương tháng 13".

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP nêu rõ, ngoài tăng mức lương cơ sở thì lần đầu tiên giáo viên, công nhân viên trong các trường công lập có chế độ tiền thưởng bao gồm đột xuất và định kỳ hằng năm. Khoản tiền thưởng này chi vào dịp cuối năm, tức trùng giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.

Đây là một tín hiệu đáng mừng với giáo viên, bởi năm 2024 là Tết đầu tiên các nhà giáo, công nhân viên các trường công lập được hưởng mức thưởng này từ ngân sách.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, cô giáo Quàng Thị Xuân, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cho biết, trước đến nay thầy cô nơi đây không có khái niệm về thưởng Tết, bởi nếu có cũng không đáng kể.

 Cô giáo Quàng Thị Xuân và các em học sinh dân tộc thiểu số (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Quàng Thị Xuân và các em học sinh dân tộc thiểu số (Ảnh: NVCC)

Hàng năm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn và công đoàn giáo dục đều hỗ trợ tặng quà và 500.000 - 800.000 tiền mặt cho 2,3 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn của mỗi đơn vị. Các phần quà giúp nhà giáo không chạnh lòng khi Tết đến, khuyến khích tinh thần cống hiến vào năm học tới.

"Tuy vậy, theo Nghị định 73, năm 2024 là năm đầu tiên giáo viên được thưởng đột xuất và theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Các thầy cô trong trường đều mong chờ khoản tiền thưởng này, bởi việc dạy học ở miền núi còn nhiều vất vả và nguy hiểm", cô Xuân chia sẻ.

Đồng hoàn cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) Lê Thị Quang cho biết, đã có 30 năm trong nghề, nhưng thưởng Tết là điều cô chưa bao giờ nghĩ tới. Với giáo viên dạy học ở vùng khó, Tết mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Có thưởng thì vui, nhưng nếu không có cũng không vì thế mà buồn phiền.

Theo chia sẻ của cô Quang, trước khi về quê nghỉ Tết, mỗi giáo viên của trường nhận được khoảng 200.000 đồng/người, nhân viên nhận 100.000 đồng/người. Tổng Nhà trường sẽ chi khoảng 6 triệu đồng tiền thưởng Tết Nguyên đán cho toàn bộ nhân sự.

Năm học trước, Trường Mầm non Xá Lượng tặng quà Tết cho thầy cô bằng những hiện vật thiết yếu như: nước mắm, muối, mì chính,.. Các phần quà tuy bình dị, nhưng là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với các nhà giáo giảng dạy nơi vùng khó.

"Với người dân nông thôn, đặc thù cuộc sống khó khăn nên không có khái niệm "biếu" quà Tết. Nhiều gia đình làm nương rẫy, không có điều kiện cho con đi học. Nên đối với giáo viên vùng cao chúng tôi, chỉ cần học sinh chăm ngoan, học giỏi và đi học đầy đủ là vui lắm rồi", cô Quang bộc bạch.

 Với giáo viên vùng cao, "thưởng Tết" là một khái niệm xa vời hay chỉ mang tính tượng trưng (Ảnh minh họa)

Với giáo viên vùng cao, "thưởng Tết" là một khái niệm xa vời hay chỉ mang tính tượng trưng (Ảnh minh họa)

Thầy Lê Văn Thắng (hiện đang công tác tại Sapa, tỉnh Lào Cai) cho biết, thưởng Tết là ước mơ của mọi giáo viên vùng cao, nhưng khó thành hiện thực. Bởi nhiều trường do khó khăn, không có nguồn kinh phí chi thưởng nên thưởng Tết đa số chỉ mang tính tượng trưng.

“Hàng năm, giáo viên chúng tôi trước khi về quê đón Tết đều nhận được sự động viên tinh thần của chính quyền địa phương. Còn việc thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên ở trường là điều không dễ thực hiện”, thầy Thắng tâm sự.

Chia sẻ về điều kiện giảng dạy, thầy Thắng cho hay, đường đến trường trắc trở, nguy hiểm với nhiều đồi núi quanh co. Trường thầy đang công tác nằm trong khu vực thường xuyên mất điện, mất sóng, khiến công tác dạy học thêm phần khó khăn. Vất vả là thế nhưng mức lương khởi điểm giáo viên mới ra trường lại chưa đến 6,7 triệu đồng/tháng.

 Học sinh Trường mầm non thôn Lếch Mông B (Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)

Học sinh Trường mầm non thôn Lếch Mông B (Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)

Về phía thầy Thắng, mức thu nhập hiện tại chỉ đủ nuôi các con ăn học và chăm sóc mẹ già bệnh tật ở quê. Cuộc sống được coi là bình ổn, không quá dư dả.

"Nhiều đồng nghiệp của tôi đang cống hiến từng ngày, nhưng hoàn cảnh sống lại khó khăn hơn. Họ không có nhà để ở, phải ở tạm nhà dân hoặc xin ở tại một phòng của trường. Tuy vậy, chưa bao giờ tôi thấy họ đánh mất tinh thần lạc quan và tình yêu nghề, yêu trò", thầy giáo nói.

Thầy Thắng kỳ vọng, khi lương cơ sở tăng cộng thêm tiền thưởng theo Nghị định 73, tổng các khoản thưởng Tết của giáo viên sẽ khởi sắc so với năm trước. Đây là nguồn động viên lớn để giáo viên công tác ở vùng cao có thêm thu nhập, thêm cơ hội để về quê ăn Tết bên gia đình.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-vien-vung-cao-va-noi-niem-moi-dip-tet-den-post400813.html