Giáo viên xếp hàng dài chờ, sốt ruột vì thủ tục đăng ký dạy thêm
Anh N.D. phải đi hai lần để làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho vợ dạy thêm. Trong khi đó, chị Ngọc Trâm bị từ chối vì đăng ký căn hộ chung cư làm địa điểm dạy học.

Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm ngoài trường, nhưng khi dạy phải đăng ký kinh doanh. Ảnh: Ngọc Bích.
8h sáng 19/2, anh N.D. (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có mặt tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân để sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm.
"Vợ tôi là giáo viên trường công lập, không được phép quản lý hoặc điều hành hoạt động dạy thêm bên ngoài. Vì vậy, khi đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, tôi phải đứng tên thay mới hợp lệ", anh D. chia sẻ.
Không riêng anh D., theo ghi nhận của Tri Thức - Znews lúc 9h sáng 19/2, khoảng 30 công dân đang làm thủ tục tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân, nhiều người trong số này là giáo viên đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm.
Xếp hàng đăng ký dạy thêm
Anh D. cho biết vợ anh là giáo viên môn Ngữ văn. Ngoài thời gian dạy ở trường, chị mở lớp dạy thêm tại nhà với học sinh cấp 2, cấp 3. Khi Thông tư 29 được ban hành, chị cùng nhiều giáo viên khác lo lắng về việc làm sao để được dạy thêm tại nhà. Cách đây một tuần, chị tạm dừng các lớp học thêm để tránh vi phạm.
Để được dạy thêm ngoài trường, theo Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, giáo viên có thể chọn một trong hai hướng đăng ký kinh doanh hoặc ký hợp đồng với trung tâm. Sau bàn bạc, vợ chồng anh D. quyết định chọn hướng thứ nhất, đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể, anh sẽ là người đứng tên, "thuê" vợ dạy học.
Dù đã quen với việc làm thủ tục, giấy tờ, song anh D. cho hay việc điền thông tin mất nhiều thời gian vì giấy kê khai có tới 2-3 trang, cùng nhiều thông tin phải điền như vốn kinh doanh, thông tin đăng ký thuế...
Bên cạnh đó, vì không có tờ khai điền mẫu ở bộ phận một cửa nên anh phải làm đi làm lại nhiều lần. Hôm nay là lần thứ hai anh quay lại đây. Sau hơn 2 giờ chờ đợi và làm các thủ tục, anh mới nhận giấy hẹn sẽ trả kết quả sau 3 ngày.
Tương tự, 10h sáng 19/2, chị Nguyễn Trang (quận Thanh Xuân) cũng mang theo một tập hồ sơ đến bộ phận một cửa để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh hộ gia đình.
Lâu nay, ngoài công việc chính (không phải giáo viên), buổi tối, chị nhận gia sư hoặc dạy kèm tại nhà vài học sinh môn Tiếng Anh. Số lượng học sinh ít, thu nhập cũng chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, chị Trang từng nghĩ quy định dạy thêm, học thêm không áp dụng với mình mà chỉ dành cho giáo viên.
Tuy nhiên, tất cả tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm, tổ chức dạy thêm đều chịu điều chỉnh của Thông tư 29. Vì vậy, muốn tiếp tục công việc gia sư, chị Trang buộc phải đăng ký kinh doanh.
Nhận số thứ tự 53, phải chờ cả chục người nữa mới tới lượt, chị Trang tranh thủ về nhà xử lý nốt công việc, sau đó sẽ quay lại để hỏi về các thủ tục đăng ký.
Hiện tại, việc đăng ký kinh doanh dạy thêm có hai phương án, đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể được cấp phép bởi UBND quận, huyện; đăng ký thành lập doanh nghiệp được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đại diện bộ phận một cửa quận Thanh Xuân cho biết những ngày gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cho việc dạy thêm tăng lên đáng kể so với trước đây.

Nhiều giáo viên đến bộ phận một cửa UBND các quận để đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm. Ảnh: Ngọc Bích.
Giáo viên than rắc rối, nhiều thủ tục
Chị Ngọc Trâm (giáo viên dạy thêm tự do tại quận Thanh Xuân) cho biết tuần vừa rồi, chị chạy đôn chạy đáo để tìm cách thực hiện đúng Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm nhưng vẫn chưa được.
Nữ giáo viên cho hay căn hộ chung cư của gia đình có 3 phòng ngủ nên chị dành một phòng để dạy thêm, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn...
Cứ ngỡ sẽ suôn sẻ, tuy nhiên, đến bộ phận một cửa, chị Trâm bất ngờ nhận thông báo để đăng ký hộ kinh doanh, chị phải đăng ký nhà mặt đất làm địa điểm kinh doanh, nhà chung cư có mục đích để ở không nằm trong danh sách.
Không thể mua nhà đất hay đi thuê đắt đỏ, chị dự tính ký hợp đồng với một trung tâm gần nhà để tiếp tục dạy thêm.
Với phương án này, chị sẽ phải trích lại 20% học phí cho trung tâm, song chị cho rằng sẽ "nhẹ nhàng" hơn bởi nếu đăng ký hộ kinh doanh, ngoài được cấp phép, chị còn phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ...
Trong khi đó, ngồi chờ trong trạng thái mệt mỏi, chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị T.H. (giáo viên tự do tại quận Thanh xuân) cho biết đã đăng ký làm thủ tục online nhưng khi nộp, "hệ thống cứ quay tít và thông báo không nộp được".
Vì vậy, chị quyết định đến làm trực tiếp. Song, hôm nay cũng là lần thứ ba chị đến đây. Những lần trước, chị đã in giấy và điền thông tin, nhưng bị trả lại vì điền nội dung chưa đúng.
"Lần này, tôi đã sửa theo đúng hướng dẫn của cán bộ ở bộ phận một cửa. Không biết giấy tờ đã chuẩn chưa hay lại phải về như lần trước. Tôi chỉ mong thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn để giáo viên chúng tôi không mất nhiều thời gian”, chị H. thở dài.
Theo Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên làm sai quy định về dạy thêm, học thêm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc.
Còn tại Nghị định 122/2021 của Chính phủ, trường hợp dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Trường hợp phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện đăng ký sẽ bị phạt tiền 50-100 triệu đồng. Do đó, việc tuân thủ đúng các quy định pháp luật đảm bảo hoạt động dạy thêm của giáo viên diễn ra một cách hợp pháp và tránh các rủi ro pháp lý.
Chính vì nhiều thủ tục, trên mạng xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức mời gọi giáo viên về dịch vụ đăng ký kinh doanh dạy thêm. Mức phí từ vài trăm đến cả triệu đồng với các dịch vụ như tư vấn miễn phí về thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan; tư vấn về các vấn đề thuế và quản lý tài chính sau khi thành lập hộ kinh doanh...
(*) Tên một số nhân vật đã được thay đổi.