Doanh nghiệp dùng chiêu so sánh trực tiếp trong quảng cáo: Cạnh tranh lành mạnh hay 'đòn bẩn'?
Trong thương trường, việc các doanh nghiệp tìm cách làm nổi bật sản phẩm, dịch vụ của mình là điều không thể tránh khỏi, một trong những chiêu thức được nhiều doanh nghiệp sử dụng là so sánh trực tiếp với đối thủ cạnh tranh trong các chiến dịch quảng cáo…

So sánh với sản phẩm của doanh nghiệp khác là hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Việc so sánh trực tiếp có thể mang lại lợi thế cạnh tranh nhất định, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy sự khác biệt và ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế một số doanh nghiệp lại lợi dụng giải pháp so sánh các sản phẩm cùng phân khúc như một cách làm mất uy tín của đối thủ gây ra những hệ lụy không nhỏ, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật về cạnh tranh và quảng cáo.
HIỂM HỌA NGẦM CỦA CẠNH TRANH TRONG KINH DOANH
Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền sự việc về thương hiệu thịt chua đặc sản của tỉnh Phú Thọ T.F đã đăng tải đoạn video trên nền tảng TikTok nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu của mình đến gần hơn với khách hàng.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không có gì đáng phải phản ánh nếu như không xuất hiện việc nhãn hàng này đã đăng tải sản phẩm của một thương hiệu khác với hình ảnh tương tự và sử dụng những từ ngữ nhạy cảm như “hàng giả”, “hàng nhái” trong lời quảng cáo nhằm mục đích khẳng định với khách hàng sản phẩm của thương hiệu mình là hàng chuẩn, chất lượng tốt nhất.
Cụ thể, nhân vật được cho là CEO của thương hiệu T.F xuất hiện trong đoạn clip liên tục khẳng định sản phẩm có nhãn màu trắng và in hình cá nhân mình mới là hàng chuẩn còn sản phẩm của thương hiệu BV.F dán nhãn màu xanh không phải hàng chính gốc. Ngay sau đó, đoạn video đã nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận cho rằng việc chủ nhãn hàng T.F đăng tải nội dung như vậy là sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu khác. Đồng thời, phía thương hiệu BV.F cũng lên tiếng về sự việc và yêu cầu T.F phải đính chính.
Trước sự phản hồi của dư luận và đơn vị bị đưa hình ảnh trong đoạn video, phía T.F đã nhanh chóng gỡ bỏ đoạn video quảng bá sản phẩm và lên tiếng đính chính vài ngày sau đó.
Tuy sự việc đã tạm thời khép lại, nhưng thực tế vấn đề uy tín, hình ảnh của sản phẩm bị đem ra so sánh vẫn phần nào bị ảnh hưởng, đặc biệt sẽ gây mất niềm tin với khách hàng và các đối tác. Điều này khiến khách hàng mất niềm tin đôi khi chưa nắm rõ sự việc sẽ quay lưng với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Uy tín giảm sút cũng gây khó khăn trong việc xây dựng quan hệ đối tác và thu hút đầu tư.
Ngoài ra, hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý và tài chính. Doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các vụ kiện tụng, bị phạt tiền, hoặc thậm chí phải ngừng hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng.
CẦN GIẢI PHÁP MẠNH TAY
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Bùi Thị Điệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”. Cùng với đó, hành vi “so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung” cũng là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.

Luật sư Bùi Thị Điệp
Luật sư Điệp cũng chỉ ra rằng, căn cứ khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định về các hành vi bị cấm trong Quảng cáo như sau: Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
Theo các quy định pháp luật hiện hành, trường hợp doanh nghiệp bôi nhọ, nói xấu đối thủ cạnh tranh, dùng sản phẩm của công ty khác để so sánh với sản phẩm của công ty mình được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm mục đích thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
Hành vi này đã trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực trong thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh. Dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại về danh dự, lợi nhuận… của doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính doanh nghiệp đó.
Những hành động bôi nhọ, nói xấu này được đánh giá là rất “hiệu quả” bởi sự lan tỏa của mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội, vì hiện nay, số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội facebook đang ngày càng tăng lên, nên các thông tin tiêu cực, có tính giật gân sẽ lan tỏa rất nhanh.
Từ thực trạng trên, Luật sư Điệp cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin không trung thực về đối thủ cạnh tranh dẫn đến ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó thì có thể bị xử phạt đến 300.000.000 đồng, trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì mức xử phạt có thể đến 600.000.000 đồng.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi, tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc cải chính công khai.
Trường hợp doanh nghiệp bị xâm phạm bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ thì có thể làm đơn khiếu nại (kèm các chứng cứ cụ thể) gửi lên cơ quan quản lý cạnh tranh đề nghị xử lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty mình.
Đồng thời, doanh nghiệp có thể gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp vi phạm xin lỗi công khai, cải chính thông tin, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự nếu có; ngoài ra có thể gửi văn bản đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính hoặc gửi Đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi doanh nghiệp vi phạm đặt trụ sở kinh doanh.