'Giật mình' với quyền lực mềm của Trung Quốc

Trong vòng 10 năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu.

Rất nhiều thương hiệu của Trung Quốc trong top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu năm 2022

Rất nhiều thương hiệu của Trung Quốc trong top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu năm 2022

Năm 2022, hãng định giá thương hiệu Brand Finance công bố danh sách 100 công ty giá trị nhất hành tinh. Đấy là điều thường lệ, nhưng lần này chứng kiến cuộc đổ bộ của Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực.

Từ lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, công nghệ và dịch vụ, y tế, năng lượng, bán lẻ và tiêu dùng đến truyền thông, viễn thông đều có sự góp mặt của hàng loạt thương hiệu của người Trung Quốc. Trong đó, phải kể đến như ICBC, PingAn, Bank of China, Huawei, Sinopec, JD.com, Tmall, Tencent, Tiktok,…

Cách đây hơn 10 năm, bảng xếp hạng 100 của Brand Finance không có thương hiệu Trung Quốc nào, nhưng đến nay cuộc chơi đã thay đổi ngoạn mục. Những thương hiệu đình đám một thời từ Nhật Bản và châu Âu, Mỹ lần lượt nhường chỗ cho các “đại gia” châu Á.

Phong cách hội nhập kinh tế kiểu “chiến lang” đã giúp Trung Quốc tiết kiệm tối đa thời gian để xây dựng một thương hiệu toàn cầu theo mô hình như BMW hay Toyota - cần hàng trăm năm để định hình giá trị.

Câu chuyện của hãng viễn thông NQ Mobile là minh chứng. Để “tẩy” gốc gác Trung Quốc, hãng này xây hẳn trụ sở ở Texas, thuê toàn bộ CEO và nhân viên là người Mỹ, niêm yết tại phố Wall. Với quan điểm: Nếu bạn có thể thành công tại Mỹ, bạn cũng sẽ phát triển được ở Tây Âu, Nhật Bản và Australia.

Trung Quốc có chương trình bài bản để khuếch trương quyền lực kinh tế của họ ở bên ngoài. Một trong những cách làm rất đặc trưng là mua bán và sáp nhập quốc tế nhằm vào các thương hiệu lớn, nắm bí quyết công nghệ.

Năm 2010, hãng xe Geely đã mua thương hiệu Volvo từ Ford. Còn Lenovo tiếp quản bộ phận sản xuất máy tính cá nhân (PC) của IBM từ năm 2005. Lenovo hiện nay đã trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới.

Tại Bắc Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp Trung Quốc không ngần ngại chi tiền để thâu tóm với thương vụ đắt giá nhất là việc tập đoàn hóa chất quốc doanh ChinaChem mua lại Công ty Syngenta AG của Thụy Sĩ với giá 43,2 tỷ USD. Tập đoàn công nghệ Tencent Holdings chi 8,6 tỷ USD mua lại công ty sản xuất game Supercell Oy của Phần Lan; HNA mua mảng cho thuê máy bay trị giá 10 tỷ USD của CIT.

Cách nhanh nhất là đổ tiền thâu tóm đối tác

Cách nhanh nhất là đổ tiền thâu tóm đối tác

Doanh nghiệp Trung Quốc lấy nguồn tiền ở đâu? Vốn được đài thọ tối bởi các ngân hàng trong nước; bản thân các ngân hàng này luôn dồi dào tiền bạc nhờ thói quen tiết kiệm của hàng trăm triệu người, bị điều khiển bởi cơ chế tài chính, tiền gửi và lãi suất theo kiểu áp chế.

Không thể xem thường sự phát triển ngoạn mục của doanh nghiệp Trung Quốc trên sân chơi toàn cầu. Bất cứ thương hiệu nào, lĩnh vực nào được đổ vốn đầu tư đều gánh vác một sứ mệnh nhất định.

Ví dụ, cách đây 5 năm không ai biết Tiktok là gì, nhưng hiện nay nó phổ biến đến mức khiến các chính phủ phương Tây “nóng” mặt. Với đa số người dùng nền tảng này là công cụ giải trí dễ dãi. Nhưng với Trung Quốc, Tiktok mang sứ mệnh cạnh tranh với các đối thủ Mỹ; giành giật thị phần dữ liệu - tài nguyên mang tính quyết định trong kỷ nguyên kinh tế số.

Người ta ví gã khổng lồ công nghệ Huawei như chiếc “ống hút” có thể thu nạp bất cứ công nghệ tiên tiến nào trên thế giới; giúp cho nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí. Mỹ và phương Tây có những thương hiệu nào đủ sức “điều khiển” thị hiếu tiêu dùng toàn cầu thì Trung Quốc đều đáp lại bằng những nền tảng tương tự.

Hiện nay, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng, giảm hoạt động M&A; rút vốn từ châu Âu và Mỹ về nước; đặt tham vọng làm chủ chuỗi cung ứng công nghiệp xe điện, năng lượng “xanh”.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giat-minh-voi-quyen-luc-mem-cua-trung-quoc-691185.html