Giấy phép con trong lĩnh vực lao động: Cải tiến hay cải lùi?
Nhiều doanh nghiệp hoạt động về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động rơi vào cảnh 'một cổ, mười tròng' sau khi cải cách điều kiện kinh doanh.
Thời gian qua, cải cách điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động chủ yếu dưới hình thức giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất, ít cắt bỏ quy định về điều kiện kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.
Ví dụ, điều kiện về cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, quy định trước khi cắt giảm là “diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5 – 7,5m2/ chỗ học”.
Sau khi cắt giảm, điều kiện cụ thể là “diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5m2/ chỗ học”, bà Thảo cho biết tại hội thảo CIEM tổ chức mới đây trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform).
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng cho thấy thực trạng làm khó doanh nghiệp.
Trước khi cắt giảm, quy định “bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo”.
Quy định sau khi cắt giảm là “bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên, có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo”.
Theo bà Thảo, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động còn đang thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Đơn cử, trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động – Thương binh và xã hội thì nay phải xin giấy phép của 10 bộ với cùng một nội dung công việc.
Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu về kiểm định an toàn lao động giống nhau nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ, buộc doanh nghiệp phải trả phí.
Cùng với đó, quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách và thậm chí, có những văn bản mới được ban hành gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho biết thêm, hiện danh mục hàng hóa phải kiểm định vẫn còn quá nhiều, việc kiểm định vẫn còn khá trùng lặp và thậm chí phân chia thẩm quyền chồng chéo.
Ví dụ, Nghị định 44/2016/NĐ-CP chia phạm vi quản lý hàng hóa của các bộ nhưng tới 9 bộ cùng phụ trách, mỗi bộ một vài mặt hàng. Bình khí nén ở nhà máy này thì do Bộ Lao động quản lý nhưng cũng cái bình khí nén đó sang nhà máy khác lại do Bộ Công Thương quản lý.
Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định mọi cơ sở sử dụng lao động đều phải có tổ chức y tế lao động hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế (thông báo hợp đồng với sở), đồng nghĩa với việc quán phở, tiệm gội đầu, cửa hàng bán lẻ cũng cần tuân thủ, gây ra vấn đề không thực chất.
Theo ông Tuấn, chỉ nên quy định một số ngành nghề còn những cơ sở có quy mô nhỏ, ngành nghề nguy cơ thấp như văn phòng, thương mại, dịch vụ phổ thông thì không bắt buộc phải ký loại hợp đồng này.
Ông cũng kiến nghị cần rà soát danh mục hàng hóa tiến tới cắt giảm dựa trên lịch sử kiểm định, xem xét tỷ lệ kết quả không đạt, chia rõ hàng nào kiểm tra khi nhập khẩu, xuất xưởng hay khi lắp đặt, sử dụng. Bên cạnh đó, danh mục phải đi kèm với quy chuẩn kỹ thuật và quy trình kiểm tra tương ứng.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, đánh giá lĩnh vực lao động đang cho thấy “cải lùi” hơn là cải tiến và khiến điều kiện kinh doanh tiếp tục là gánh nặng lớn với doanh nghiệp. Quan trọng hơn, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất ảnh hưởng lớn đến niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh trong nước.