Giấy phép hành nghề dạy học xóa bỏ 'bình quân chủ nghĩa' nhưng cần rõ 1 số điểm

Lợi ích của giấy phép hành nghề dạy học chính là ở chỗ giúp người học nhận được chất lượng giáo dục đảm bảo, giáo viên yên tâm giảm đi các chứng chỉ.

Giáo viên là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục bởi vì giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò hình thành tư duy, kỹ năng, và giá trị đạo đức cho học sinh. Vì vậy, chất lượng của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Một giáo viên có năng lực sẽ biết cách tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, tư duy phản biện và phát triển toàn diện cho học sinh. Chính vì vậy, việc yêu cầu giáo viên có giấy phép hành nghề nhằm đảm bảo rằng họ đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về chuyên môn và đạo đức, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tổng thể.

Để có được giấy phép hành nghề, giáo viên cần tốt nghiệp ở trường cao đẳng hoặc đại học sư phạm và phải trải qua thời kỳ tập sự thường kéo dài hơn 12 tháng và trong thời gian này có thể tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, chính sách phát triển giáo dục và luật pháp. Cuối giai đoạn tập sự phải trải qua một ký sát hạch để có thể nhận được giấy phép hành nghề chính thức như một giáo viên.

 Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Hiên nay, còn khá nhiều ý kiến băn khoăn vì sao đã học và tốt nghiệp các trường sư phạm lại vẫn chưa đủ điều kiện hành nghề dạy học được. Lý do đơn giản là các giáo sinh học 3, 4 năm ở trường sư phạm chủ yếu có được kiến thức lý thuyết mang tính nền tảng, nhưng lại thiếu kiến thức thực tế và sẽ bị hạn chế kỹ năng dạy học mặc dù trong thời gian học ở trường sư phạm có thực tập nghề nghiệp. Tuy nhiên, thời gian đó là chưa đủ với môi trường đa dạng như trường học tương lai. Bởi ở đó có rất nhiều nhu cầu của học sinh, lại ở các vùng miền khác nhau, và vô vàn tình huống sư phạm mà trong quá trình học ở trường sư phạm các giáo sinh chưa được cọ xát bao nhiêu.

Hơn nữa, kiến thức và kỹ năng mà các giáo sinh được học ở trong trường không thể theo kịp so với những thay đổi trong hệ thống giáo dục về chương trình, phương pháp dạy học, công nghệ giáo dục và chính sách giáo dục mới. Vì thế giáo viên mới rất cần phải được cọ xát, bổ sung kiến thức thực tế và dựa trên đó phát triển kỹ năng của bản thân qua trải nghiệm.

Việc phân hạng giáo viên theo các hạng cho thấy việc đổi mới việc sử dụng, đãi ngộ giáo viên. Ứng với mỗi hạng giáo viên cần phải chứng minh được các chuẩn kiến thức, kỹ năng, phẩm chất chuyên nghiệp của mình. Giấy phép hành nghề dạy học sẽ đi kèm với việc phân hạng giáo viên. Hiện tại, theo dự thảo Luật Nhà giáo có giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp. Điều này đảm bảo rằng giáo viên ở thứ hạng nào với vị trí việc làm nào sẽ được đảm bảo hành nghề đúng với trình độ chuyên nghiệp ở mức đó qua giấy phép hành hành nghề dạy học.

Lợi ích của giấy phép hành nghề dạy học chính là ở chỗ giúp người học nhận được chất lượng giáo dục đảm bảo, giáo viên yên tâm đỡ vất vả do phải học liên tục các chứng chỉ nhưng lại ít được tính đến trong năng lực hành nghề. Ngoài ra, với giấy phép hành nghề dạy học trong tay quá trình di chuyển trong thị trường sức lao động từ nơi này đến nơi khác được dễ dàng hơn, chủ động hơn vì đó là quyền lợi được luật pháp bảo đảm. Tuy nhiên, cầm trong tay giấy phép hành nghề, giáo viên luôn phải tự ý thức bản thân tự học trau dồi các phẩm chất nhà giáo chuyên nghiệp, tự học để phát triển bản thân và sự nghiệp do vậy sức ép có thể tăng lên.

Hiện tại trong dự thảo Luật Nhà giáo việc cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên còn có một số ý kiến khác biệt như thẩm quyền sát hạch và cấp giấy phép hành nghề dạy học để đảm bảo tính chuẩn hóa, thời hạn sử dụng giấy phép hành nghề 5 hay 10 năm hay thời hạn vĩnh viễn.

Việc bỏ qua diễn đạt mục đích của việc cấp giấy phép hành nghề là căn cứ để đánh giá chất lượng, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm theo tôi là chưa chuẩn. Bởi vì giấy phép hành nghề chủ yếu được sử dụng để đánh giá xem một cá nhân có đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, và đạo đức nghề nghiệp để trở thành giáo viên hay không. Mặc dù kết quả sát hạch để cấp giấy phép hành nghề có thể phản ánh phần nào chất lượng đào tạo giáo viên (ví dụ, tỷ lệ giáo viên không đạt yêu cầu có thể dẫn đến xem xét lại chương trình đào tạo), nhưng nó không phải là căn cứ trực tiếp để đánh giá hoặc điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm. Thông tin từ giáo viên và hiệu quả thực tiễn của chương trình đào tạo sau khi họ được cấp phép và bắt đầu giảng dạy mới là những căn cứ chính để điều chỉnh và cải thiện chương trình đào tạo sư phạm.

Vấn đề tính khả thi và tính nhất quán với mục đich cấp giấy phép hành nghề ở đây cần làm rõ về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề với giáo dục phổ thông hay giáo dục nghề nghiệp thuộc sở giáo dục và đào tạo, hoặc thuộc sở lao động - thương binh và xã hội (trường nghề), phòng giáo dục và đào tạo hay phòng lao động - thương binh và xã hội. Ví dụ sát hạch thực hành về kỹ năng nghề thì các phòng lao động - thương binh và xã hội không thể sát hạch được kỹ năng nghề của giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp cấp huyện được. Vì thế, vấn đề khả thi ở đây liệu sở hay phòng có đủ năng lực để sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề?

Chứng chỉ này liệu có đảm bảo tính chuẩn hóa do các sở hay các phòng đứng ra sát hạch, đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề để nhà giáo có thể mang giấy phép hành nghề từ địa phương này sang địa phương khác vẫn đảm bảo độ tin cậy? Và năng lực của những chuyên gia được phép đánh giá nhà giáo và cấp chứng chỉ hành nghề là gì? Những vấn đề này rất cần được nghiên cứu khả thi khi giao quyền cho các sở, các phòng giáo dục và đào tạo hay sở, phòng lao động - thương binh và xã hội thực hiện.

Cần lường trước những rủi ro khi thiết kế các quy định trong luật. Với dự thảo Luật nhà giáo về thẩm quyền sát hạch và cấp giấy phép hành nghề dạy học có thể có những rủi ro sau:

Thiếu sự thống nhất về tiêu chuẩn: Nếu mỗi địa phương có quy định và tiêu chí sát hạch riêng, chất lượng giáo viên giữa các khu vực có thể không đồng đều. Điều này dẫn đến tình trạng giấy phép hành nghề của một địa phương có thể không tương đương với giấy phép từ địa phương khác, gây ra sự không nhất quán về trình độ chuyên môn trên toàn quốc. từ đó dẫn đến việc công nhận lẫn nhau giữa các địa phương sẽ trở nên phức tạp. Điều này có thể dẫn đến rào cản khi giáo viên muốn chuyển đến làm việc ở địa phương khác, mặc dù họ đã có giấy phép hành nghề của một địa phương.

Khả năng tạo ra bất công bằng: Các giáo viên ở những địa phương có tiêu chuẩn sát hạch thấp hơn có thể dễ dàng đạt được giấy phép hành nghề hơn so với những nơi có tiêu chuẩn cao hơn, dẫn đến sự bất công bằng trong việc đánh giá và công nhận năng lực của giáo viên.

Thiếu sự kiểm soát chất lượng giáo dục: Nếu không có một hệ thống sát hạch thống nhất trên toàn quốc, việc kiểm soát chất lượng giáo dục sẽ trở nên khó khăn. Các địa phương có thể áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau, gây ra sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực.

Phức tạp hóa quá trình quản lý giáo dục: Việc cấp giấy phép hành nghề ở cấp địa phương nhưng lại có hiệu lực toàn quốc có thể gây khó khăn trong việc quản lý và giám sát từ các cơ quan cấp quốc gia, làm cho quá trình điều hành và cải tiến giáo dục trở nên phức tạp hơn.

Ở đây rất nên có vai trò của Bộ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có tiêu chuẩn sát hạch chung, đào tạo năng lực bồi dưỡng chuyên môn cho người tham gia sát hạch và theo dõi đánh giá quá trình này. Đồng thời các địa phương cần có sự hợp tác với nhau tổ chức sát hạch theo khu vực thì mục đich hay kỳ vọng của việc cấp giấy phép hành nghề dạy học mới có thể khả thi.

Về vấn đề thời gian sử dụng giấy phép hành nghề, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chúng ta có thể tham khảo. Ví dụ riêng ở Trung Quốc không quy định thời hạn sử dụng giấy phép hành nghề, nhưng đòi hỏi giáo viên liên tục phát triển chuyên môn. Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc ) thì có thời hạn 5 năm và sau đó yêu cầu tích lũy đủ số giờ đào tạo bồi dưỡng và được tái chứng nhận. Hoa Kỳ và Nhật Bản có cấp giấy phép hành nghề theo sự phát triển chuyên môn. Nếu cho rằng phân hạng giáo viên ở giáo dục phổ thông gắn với vị trí việc làm thì giấy phép hành nghề nên được cấp theo hạng. Và sau khi tổ chức sát hạch theo hạng đạt yêu cầu thì cấp ngay cho họ giấy phép hành nghề tương ứng với hạn. Vì thế thời hạn hiệu lực của giấy phép hành nghề sẽ tùy thuộc vào kinh nghiệm và năng lực chuyên môn theo tiêu chuẩn xếp hạng. Đối với giáo viên mới ra trường đang đi dạy giải pháp tốt nhất là cấp giấy phép tạm thời sau thời gian tập sự và có tích lũy kinh nghiệm đủ năng lực sát hạch thì tham gia và đạt thì được cấp giấy phép hành dạy học.

Tóm lại, việc cấp giấy phép hành nghề là một chủ trương đúng được chuyên gia của Ngân hàng ADB khuyến cáo trong Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp cách đây hơn chục năm, nay đưa vào trong Dự thảo Luật Nhà giáo phản ánh đúng nhu cầu thực tế nâng cao trách nhiệm và quyền lợi giáo viên, giảm bớt những quy trình thủ tục hành chính thiếu chuẩn hóa trong thị trường lao động giáo viên, xóa bỏ tính bình quân chủ nghĩa trong đánh giá và công nhận năng lực giáo viên. Tuy nhiên, để mọi người thấu hiểu mục đích và ý nghĩa của quy định mới này đòi hỏi cơ quan soạn thảo xem xét kỹ càng lại tính mục đích của việc cấp giấy phép hành nghề và làm sao các quy định về đào tạo bồi dưỡng theo chuẩn, đỡ nhiêu khê như trước đây quá nhiều chứng chỉ và đặc biệt phải đánh giá tác động của các quy định nhất là về tính khả thi của các quy định phân cấp hoặc ủy quyền cho các cơ quan quản lý địa phương, trường học.

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giay-phep-hanh-nghe-day-hoc-xoa-bo-binh-quan-chu-nghia-nhung-can-ro-1-so-diem-post244804.gd