Giấy phép một 'đằng', thực thi một 'nẻo'

Sau khi đề xuất và được các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông thẩm định, cấp phép cho việc sử dụng nước dưới đất, một doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn lại chủ yếu sử dụng nước mặt cho hoạt động chăn nuôi. Đáng chú ý hơn, chủ doanh nghiệp còn tự ý san ủi, đào đắp đất rừng đang thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương.

Cổng vào trang trại của Công ty TNHH Chăn nuôi Khang Thọ Krông Nô, nơi ngành chức năng xác định đang khan hiếm nước và việc đào đắp trái phép nhằm tạo nguồn cấp nước cho dự án này.

Cổng vào trang trại của Công ty TNHH Chăn nuôi Khang Thọ Krông Nô, nơi ngành chức năng xác định đang khan hiếm nước và việc đào đắp trái phép nhằm tạo nguồn cấp nước cho dự án này.

Theo báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án trang trại chăn nuôi 48.000 con lợn hậu bị Khang Thọ (trang trại Khang Thọ) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi Khang Thọ Krông Nô gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, dự án của doanh nghiệp này sẽ sử dụng nước ngầm được khai thác từ 4 giếng khoan để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và hoạt động chăn nuôi. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn đầu tư hệ thống xử lý nước mưa để cấp nước cho hoạt động của trang trại.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu sử dụng nước mỗi ngày của trang trại Khang Thọ hơn 1.016 m3; trong đó, nước phục vụ trực tiếp cho hoạt động chăn nuôi hơn 700 m3.

Căn cứ trên báo cáo đề xuất của doanh nghiệp, kết quả thẩm định của hội đồng do lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông làm Chủ tịch, cuối tháng 2/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp giấy phép môi trường cho trang trại Khang Thọ.

Việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Đây là một quy định bắt buộc để đưa dự án, công trình vào vận hành. Trong trường hợp này, nếu không có giấy phép sẽ bị phạt từ 150 - 170 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Đạm Tuyết, Trưởng Phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông), đến thời điểm cuối tháng 3/2023, Sở chưa nhận được hồ sơ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi Khang Thọ Krông Nô liên quan tới vấn đề thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất và danh sách các doanh nghiệp được cấp phép liên quan tới vấn đề này không có tên của Công ty.

Theo ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi Khang Thọ Krông Nô đã thực hiện việc khoan nhiều giếng trước thời điểm hoàn thành dự án trang trại nhưng tất cả giếng đều không có nước. “Khu vực đó (ý nói vị trí xây dựng trang trại - PV) không có nước ngầm” và Công ty này chủ yếu sử dụng nước bơm từ suối, nước mưa cho quá trình chăn nuôi.

Theo ngành chức năng huyện Krông Nô, trang trại Khang Thọ đã chăn nuôi, xuất lứa lợn đầu tiên hơn 48.100 con trong năm 2022 và đang nuôi lứa thứ 2 từ đầu năm 2023.

Khu vực ông Vũ Văn Khang tự ý đào, đắp để ngăn nước đang được quy hoạch rừng sản xuất và đang được giao cho UBND xã Quảng Phú quản lý.

Khu vực ông Vũ Văn Khang tự ý đào, đắp để ngăn nước đang được quy hoạch rừng sản xuất và đang được giao cho UBND xã Quảng Phú quản lý.

Liên quan tới vấn đề này, bà Trương Thị Đạm Tuyết cho biết sẽ đề xuất lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông kiểm tra hoặc giao cho địa phương kiểm tra thực tế, phản hồi thông tin cho phóng viên. Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông) cho biết sẽ kiểm tra, đối chiếu việc sử dụng nước cho hoạt động chăn nuôi tại trang trại Khang Thọ và phản hồi sau.

Cũng liên quan tới vấn đề nước tại trang trại Khang Thọ, đầu tháng 2/2023, tại khu vực đất lâm nghiệp tiếp giáp với trang trại (tiểu khu 1333, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Phú), một số đối tượng đã ngang nhiên đào đắp đất trái phép để ngăn đập chứa nước.

Theo UBND xã Quảng Phú, khu vực bị thay đổi hiện trạng có diện tích hơn 1.600 m2. Việc ngăn đập được xác định do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi Khang Thọ Krông Nô thực hiện với mục đích giữ nước phục vụ trang trại nuôi lợn. Tại biên bản làm việc được lập ngày 8/2/2023, UBND xã Quảng Phú đã yêu cầu doanh nghiệp này ngưng mọi hoạt động ngăn đập và UBND xã sẽ xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm.

Căn cứ trên đề xuất của UBND xã Quảng Phú, ngày 28/3, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Văn Khang (61 tuổi, trú tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) 20 triệu đồng về hành vi tự ý đào đắp hồ chứa nước, làm thay đổi hiện trạng đất so với các thửa liền kề. Ông Vũ Văn Khang là người đại diện pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi Khang Thọ Krông Nô.

Quyết định của UBND huyện Krông Nô buộc ông Vũ Văn Khang thực hiện các biện pháp và xây dựng các công trình bảo vệ để đưa toàn bộ diện tích đất đã hủy hoại về trạng thái an toàn.

Khu vực đất đai bị san ủi trái phép đang được giao cho UBND xã Quảng Phú quản lý.

Khu vực đất đai bị san ủi trái phép đang được giao cho UBND xã Quảng Phú quản lý.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, dự án trang trại Khang Thọ có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Đây cũng là dự án chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất nhì tỉnh Đắk Nông hiện nay với quy mô 48.000 con lợn thịt.

Liên quan tới việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, trong các tháng 1 - 2/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã xử phạt 6 doanh nghiệp chăn nuôi tại huyện Cư Jút với tổng số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến là xả thải gây ô nhiễm, thực hiện không đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây đều là các trang trại có quy mô chăn nuôi khoảng 1.000 con/đợt.

Bài và ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/giay-phep-mot-dang-thuc-thi-mot-neo-20230403173701766.htm