Giếng nước tự phun cao 20m ở Gia Lai có liên quan đến động đất?

Theo chuyên gia, việc giếng nước một hộ dân ở Gia Lai có mạch nước ngầm phun lên cao đến 20m có liên quan đến hoạt động địa chất của vùng, không loại trừ khả năng do tác động từ trận động đất mạnh 5.0 độ hôm 28/7.

Giếng nước tự phun cao 20m kèm theo khí

Khoảng 12h ngày 30/7, giếng của hộ gia đình ông Đàm Xuân Hòa (trú làng Klã, xã Ia Kly) bất ngờ phun nước khỏi mặt đất cao khoảng 20m, áp lực hơi nước rất mạnh. Ông Hòa cho biết, đây là giếng nước cũ, trước đây đã khoan 1 lần nhưng không có nước. Tuy nhiên, sau đợt dư chấn động đất tại tỉnh Kon Tum ngày 28/7, giếng nước có hiện tượng mạch nước ngầm phun mạnh.

Ngày 1/8, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, Bộ TN&MT) đã đến làng Klă (xã Ia Kly, huyện Chư Prông, Gia Lai) để kiểm tra hiện tượng nước ngầm phun mạnh, tạo thành cột nước cao hơn 20m. Đoàn công tác đã lấy mẫu nước, khí để kiểm tra, phân tích các thành phần thu thập được nhằm đưa ra các khuyến cáo phù hợp; kiểm tra nước và khí có độc hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân hay không. Đến sáng nay (2/8), giếng khoan vẫn phun khí và hơi nước, chưa có dấu hiệu giảm.

Giếng nước tự phun ở Gia Lai có thể liên quan đến trận động đất mạnh 5.0 độ richer.

Giếng nước tự phun ở Gia Lai có thể liên quan đến trận động đất mạnh 5.0 độ richer.

Theo PGS.TS Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa Địa chất Khoáng sản, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, có thể người dân khi khoan giếng gặp tầng đất ngậm nước, áp suất lớn so với các tầng khác. Do đó, người dân khoan tới tầng đất này sẽ xuất hiện nước dạng sương, hơi bay lên không trung. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong địa chất, thủy văn, tuy nhiên vẫn cần có thời gian nghiên cứu để xác định nguyên nhân cụ thể.

TS Vũ Quang Lân, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc cho biết ông không trực tiếp đến hiện trường nên không kết luận được nó là hiện tượng gì. Tuy nhiên về lý thuyết thì có thể lý giải được là ở trong các tầng ngầm có các túi khí hoặc túi nước ở các độ sâu khác nhau. Ở các túi này, nếu tầng chứa nó có độ rỗng cao thì khí hoặc nước sẽ di chuyển trong đó, áp lực sẽ không lớn. Nhưng nếu các túi khí hoặc nước này được bao bởi các tầng chắn như đất sét bị kín thì tạo thành áp lực rất lớn, giống chiếc săm xe được bơm căng.

"Khi khoan thủng tầng chắn, túi khí hoặc nước này khi được giải thoát sẽ tạo áp lực đẩy ngược lên theo lối thoát này. Ngày xưa khi người ta khoan thăm dò địa chất ở Thái Bình, khoan phải túi khí lớn làm chìm cả giàn khoan lớn do lượng khí bị giải phóng, tạo độ rỗng rất lớn trong túi khí, phần nặng sẽ bị chìm xuống", TS Vũ Quang Lân cho biết.

Khả năng một túi gồm cả khí và nước cũng có thể xảy ra, phần nước sẽ nằm ở phía dưới, khí ở phía trên. Khi tạo lỗ thủng trên túi này thì phần khí sẽ thoát lên trước, kéo theo phần nước lên sau. "Do không trực tiếp đến tận nơi nên tôi chưa rõ nhưng về nguyên lý thì có thể giải thích là như vậy", TS Lân nói.

Có khả năng do tác động từ trận động đất mạnh

Gia đình ông Đàm Xuân Hòa cho biết, trước đây giếng này được ông Hòa khoan để tìm nước tưới cho rẫy sầu riêng bên cạnh, khoan tới 170 mét không thấy nước nên dừng. Sau trận động đất 5 độ tại Kon Tum ngày 28/7, ông Hòa phát hiện miệng giếng có tiếng phun hơi nghe rất lạ.

Đến trưa 30/7, ông lấy máy khoan tiếp tục khoan sâu thêm khoảng 15 mét thì xuất hiện khí phun lên kèm nước. Theo người này, ban đầu dòng khí phun lên có mùi như mùi đất đèn, nhưng sau thời gian đến giờ dòng khí phun lên không còn mùi gì nữa. Do giếng nước đang phun khí và nước rất mạnh nên gia đình để nguyên hiện trạng, không bịt được miệng giếng.

TS Vũ Quang Lân cho biết, trường hợp một giếng nước tự phun khí sau đó phun nước như vậy khả năng rất lớn là khoan phải tầng chứa cả nước và khí. Lý do thời gian trước giếng khoan chưa cho nước mà đến giờ mới phun khí và nước lên thì có thể thời điểm khoan, tầng này chưa có nước và khí, đến giờ mới có khí và nước nên chúng bốc lên do một tác động nào đó của tự nhiên.

Vị trí của thành lỗ khoan chính là lỗi thoát cho tầng chứa nước và khí khi có một chuyển động nào đó phá vỡ vỏ bọc của tầng chứa nước và khí này.

Trả lời câu hỏi liệu hiện tượng này có liên quan đến trận động đất mạnh 5.0 độ ngày 28/7 ở Kon Tum, TS Vũ Quang Lân nhận định khả năng là có liên quan nhưng cụ thể như thế nào thì đơn vị vật lý địa cầu phải nghiên cứu làm rõ.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, động đất có thể tác động đến địa chất ở khu vực dưới nhiều hình thức khác nhau. Động đất có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước. Ví dụ trận động đất ở Cao Bằng 2019 có độ lớn 5.4 làm dòng suối ở khu vực xã Đàm Thủy bị mất nước, mó nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn, một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng.

Trận động đất Mộc Châu (Sơn La) năm 2020 có độ lớn 5.3. Trận động đất này đã khiến 126 nhà dân ở huyện Mộc Châu lún, nứt tường, sập trần. Trường mầm non ở Tầm Phế (xã Tân Hợp) bị nứt, một số trụ sở nhà văn hóa, UBND xã cũng nứt trường, trần nhà. Đá rơi làm bẹp đầu ôtô tải đang đỗ bên vệ đường tiểu khu Pa Khen. Điều đáng nói là tại xã Nà Mường đã xuất hiện hiện tượng cột nước phụt ra sau động đất.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gieng-nuoc-tu-phun-cao-20m-o-gia-lai-co-lien-quan-den-dong-dat-169240802100723633.htm