Giếng phố cổ thành

Hoàng thành Thăng Long và khu phố cổ Hà Nội được hình thành tập trung ở thời Lý-Trần. Hàng phố mọc lên từ các làng xưa nằm ở phía đông Hoàng thành ra đến sát sông Hồng rộng hàng trăm hecta. Hệ thống đường thủy sông ngòi thuở xưa được coi là giao thương chính trong khu phố buôn bán. Những con giếng từ đó cũng được khơi lên tạo mạch nguồn sinh sống. Nước giếng đá ong trong mát ấp ủ hương thơm trời đất và là hồn phố ngàn năm.

Ký ức giếng Ngọc

Xưa, nếu đi tàu điện từ chợ cửa Nam về nhà tôi ở làng Kim Liên (sau hồ Ba mẫu) chỉ mất chừng 1 xu. Bởi phố Hàng Cơm (bên phố Văn Miếu) ngày ấy còn thì gần lắm. Mẹ tôi kể thời các cụ cùng mọi người thường gánh cơm lên bán cho các sĩ tử về Văn Miếu chờ dự thi. Mà cơm làng tôi nổi tiếng thơm ngon vì dùng nước giếng Ngọc bên đình đền Kim Liên.

Giếng Ngọc rộng tới 30 mét được coi là mắt rồng của cửa Nam tứ trấn thành Thăng Long. Đường làng Kim Liên giờ lên phố lấy tên đức thánh Kim Hoa (thờ tại đình Kim Liên). Giếng Ngọc ở cuối phố nhưng luôn gắn với câu ca dao ra đời cách đây hơn 300 năm: "Thứ nhất gần mẹ gần cha/ Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần đình".

Giếng trong số nhà 15 ngõ Phủ Doãn vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu.

Thời Pháp có máy nước bơm từ giếng khoan nhưng dân phố Kim Hoa vẫn gánh nước giếng Ngọc về dùng. Nước vừa trong vừa ngọt bởi giếng có mạch nguồn nước mưa từ hồ Bảy mẫu và con đầm lớn tụ về. Chính vì thế ngã tư đầu phố Kim Hoa còn có tên là Ô Đồng Lầm. Giếng Ngọc gắn liền với hình ảnh trong câu ca dao cổ thành Nam rằng: "Đồng Lầm có vải nâu non/ Có hồ cá rộng có con sông dài". Ngay bên giếng Ngọc là đình Kim Liên được khắc ghi ba chữ "Trấn Nam Phương", cửa ngõ vào Hoàng thành và 36 phố phường xưa. Giờ đây mỗi lần về nhà đi qua giếng Ngọc là tôi lại nhớ đến tiếng đàn nguyệt réo rắt của chàng cung văn trong buổi hầu đồng cho bà ngoại tôi. Anh ta hát ngây ngất: "Đến đây trước giếng sau chùa/ Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu".

Mới đây gặp ông Phan Huy Thảo, nhà phong thủy ở ngõ phố Kim Hoa kể cho tôi nghe biết bao chuyện về những con giếng cổ. Tuy dấu vết hàng trăm con giếng đã bị vùi lấp qua bao triều đại nhưng cách đây không lâu các nhà khảo sát đã tìm được những ngôi giếng khơi tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu (Hoàng thành). Có tới 20 giếng tuổi đời ngàn năm được xây bằng đá ong, Giếng sâu chừng 6 mét nước trong vắt. Đó chính là nguồn mạch được chắt lọc qua nhiều tầng đất đá, thổ nhưỡng. Long mạch trong thế đất "Rồng chầu hổ phục" xưa được coi là phần âm đem lại sự cân bằng sinh thái cho Thăng Long bao đời nay. Cũng từ đây hàng trăm giếng được khơi lên trong từng con phố và xóm ngõ để lấy nước tiêu dùng.

Hiện có giếng tại đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) còn giữ nguyên tới 500 năm qua. Đền là nơi thờ thần Long Đỗ và cũng là dấu mốc của trấn kinh thành phía Đông. Nếu giếng Ngọc (phố Kim Hoa) ở phía Nam trấn kinh được định vị là "Mắt rồng" thì giếng ở đền Bạch Mã được coi là "Rốn rồng". Do đó đền có tên là Long Đỗ. Đây là thần có gốc của đất Hà thành được tôn thờ ngàn năm. Giờ đền luôn xuất hiện những đêm hát ca trù của những nghệ nhân Hà Nội.

Tôi còn nhớ có lần đã được nghe NSƯT Bạch Vân biểu diễn tại đây cùng CLB của chị. Câu hát ngày nào vẫn vang lên ở thềm sân bên giếng đền. Giọng hát của chị ngân vang ẩn chứa âm vực cổ phong phiêu du: "Thiều quang tuyết đượm vẻ thanh/ Lênh đênh rộn những đồ tranh vẽ rồng/ Ngậm ngùi nhớ cảnh hằng trông/ Lênh đênh bóng nguyệt chạnh lòng buồn thay..." (Thét nhạc - Ca trù).

"Cà phê Giếng"

Có thể coi giếng đền Bạch Mã (Hàng Buồm) vẫn được sử dụng có tuổi lâu đời nhất hiện nay. Nhưng ngôi giếng trong khu nhà thờ Lớn mới được coi là "đỉnh" thời gian. Hiện giếng vẫn tồn tại và được sử dụng sau hàng trăm năm. Hồi học cấp hai ở trường Đoàn Kết (phố Nhà Chung) chúng tôi cũng đã vào múc nước đùa nghịch ở giếng phía sau nhà thờ lớn.

Trước khi thực dân Pháp đến, giếng đã được đào bên cạnh một ngôi chùa. Giặc đã phá chùa xây nhà thờ và lập xóm đạo chung quanh. Nhưng con giếng buộc phải giữ lại sử dụng vì chưa có nước máy hay giếng khoan. Dân phố Nhà Chung, Nhà thờ và Lý Quốc Sư cùng các xóm đạo đều ăn nước giếng này một thời gian dài.

Đường đi vào giếng chính cổng số nhà 36 phố Nhà Chung. Điều thú vị hơn cả ở nét đẹp xây dựng và kiến trúc của giếng. Miệng giếng được tạo biểu tượng hình cánh sen. Giếng có chiều sâu chừng 5 mét luôn đầy nước trong lành. Đây là một dấu tích hấp dẫn các nhà nghiên cứu vì có ý kiến cho rằng hình cánh sen của miệng giếng chỉ có từ thời Lý. Vậy giếng có tuổi đời thực mấy trăm năm còn là một dấu hỏi phía trước.

Giếng ở ngõ 86 phố Hàng Trống.

Nhưng có điều rất thú vị, dọc phố Lý Quốc Sư hay các phố gần kề như Phủ Doãn, Ấu Triệu, Hàng Trống... vẫn tồn tại những cái giếng cổ trăm năm. Người dân ở đây vẫn sử dụng hằng ngày và không ít nhà đã dùng nắp giếng để làm bàn trà và cà phê cho bà con chung quanh. Giếng đã trở thành nơi gặp gỡ giao lưu ngõ xóm như ngày nào vẫn chia nhau từng thùng nước ăn. Đó là dáng vẻ sinh hoạt của một thuở văn hóa giếng nước, cây đa, sân đình lâu đời của ông cha ta.

Nếp sống văn hóa này vẫn được bảo lưu đâu đó trong mỗi con phố và ngõ xóm tại khu phố cổ Hà Nội. Hình ảnh chàng thanh niên ôm cây ghi ta với ly cà phê bên giếng cổ tại phố Lý Quốc Sư quả mới lạ và hấp dẫn du khách qua lại. Giai điệu trầm lắng của Trịnh Công Sơn cùng tiếng chuông nhà thờ vang lên từ ngõ nhỏ làm xao xuyến lòng người. Nhưng có lẽ hình ảnh quán "Cà phê giếng" nổi bật hơn cả tại phố Hàng Chỉ. Họ kinh doanh bên giếng cổ. Chủ nhân dùng nước giếng để pha cà phê tạo nên hương vị riêng. Bàn cà phê chính là mặt giếng và những chiếc ghế nhỏ xếp cho khách ngồi xung quanh.

Bà chủ hiệu cà phê giếng kể, xưa dân ngõ hàng Chỉ đều ăn nước giếng này. Sau khi có nước máy giếng như bị lãng quên. Hai mẹ con bà quyết định mở quán cà phê bên giếng. Khách chủ yếu là người bà con trong ngõ phố. Sau này không ít người ở xa tìm đến uống. Họ đâm nghiện vị cà phê nước giếng nơi đây nên thành khách thường xuyên. Bà chủ còn kể giếng được dân làng Tô Tịch đào từ khi phố cổ chưa hình thành.

Chung quanh phố Hàng Bông, Hàng Gai vẫn còn không ít giếng cổ trăm năm. Mấy ông khách còn cho biết tại số nhà 15 Phủ Doãn có một cái giếng còn nguyên vẹn với gạch đỏ xây chắc chắn. Hay trong ngõ Tạm Thương, hoặc ngõ 86 phố Hàng Trống mọi người vẫn dùng nước giếng cổ để pha trà. Tôi sực nhớ những câu thơ của cố thi sĩ Chế Lan Viên đã từng viết về ngõ Tạm Thương: "Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải tạm thương". Chắc có phải vì câu thơ này mà một chủ nhà xây khách sạn đã cho khơi lại cái giếng cổ và dành đất cho nó như đọng lại nỗi niềm thương nhớ người Hà thành bên thôn làng xưa. Những lúc thư giãn chủ và khách đều mang cà phê bên giếng cổ để đón ngọn gió tràn về từ Hồ Gươm mát rượi.

Những đôi mắt nào

Câu chuyện cuối cùng mà tôi được nghe nhà phong thủy Phan Huy Thảo nhắc đến đó là giếng "Liên Khu Một" ở phố Hàng Bút. Tôi thực ngỡ ngàng khi ông kể cái giếng này được đào ngay bên công sự chiến đấu của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, trong 57 ngày đêm đánh giặc Pháp (từ ngày 19-12-1946 đến 18-2-1947). Đây là cuộc chiến đấu theo "Lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch trước sự lâm nguy của Tổ quốc. Giếng nhỏ được đào lên cho các chiến sĩ Liên Khu Một dùng trong sinh hoạt và chiến đấu trên từng đường phố.

Đây là mặt trận trung tâm Hà Nội tại chợ Đồng Xuân. Hình ảnh "Người Hà Nội" của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cho đến nay vẫn vang lên hùng tráng. Nước giếng "Liên Khu Một" vẫn trong và ngọt theo thời gian. Biểu tượng người chiến sĩ ôm bom ba càng tấn công xe tăng giặc Pháp luôn luôn ngời sáng bất tử trong lòng người dân Thủ đô. Bên giếng nhỏ ngày ngày vẫn vang lên lời ca rộn ràng: "Bồi hồi chàng trai/ Những đôi mắt nào/ Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân/ Xanh tươi bát ngát Tây Hồ/ Hàng Đào ríu rít, Hàng Bạc, Hàng Gai...".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/gieng-pho-co-thanh-i625236/