'Gieo chữ' nơi vùng biên

Vào những năm đầu tái lập tỉnh, điều kiện dạy và học ở những nơi biên giới xa xôi gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Nhưng với lòng nhiệt huyết và sự cảm thông, chia sẻ cùng con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, xa, những thầy cô giáo ở tuổi mười tám, đôi mươi vẫn luôn kiên trì vượt khó để gieo con chữ nơi vùng biên. Đó là sự hy sinh đáng được trân trọng và là những tấm gương điển hình trong ngành giáo dục để các thế hệ trẻ học tập.

GIAN NAN GIEO CHỮ

Quê ở tỉnh Bình Dương, năm 2002 khi tốt nghiệp ra trường mới 22 tuổi, cô Nguyễn Thị Bích Lài được phân công về công tác tại điểm lẻ ấp 8B, Trường tiểu học Lộc Hòa (nay là Trường TH&THCS Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) chỉ cách biên giới vài kilômét. Thời điểm ấy, điểm trường chỉ có 2 phòng học tạm bợ dành cho con em người S’tiêng. Căn phòng của một lớp học mầm non trở thành nơi ở, sinh hoạt của 4 giáo viên nữ. Phòng tắm được che bằng tấm bạt sơ sài gần giếng nước. Mỗi ngày lên lớp, cô Lài và người bạn đồng nghiệp chở nhau trên chiếc xe đạp cũ với quãng đường dài hơn 6km. Để có những bữa ăn hằng ngày, các thầy cô nơi đây phải di chuyển hơn 15km ra chợ mua thực phẩm khô tích trữ dùng cả tuần.

Hơn 22 năm gắn bó với ngôi trường, rất nhiều thế hệ học sinh vùng biên giới Lộc Ninh trưởng thành bởi tâm huyết với nghề của cô giáo Đỗ Thị Hiếu

Hơn 22 năm gắn bó với ngôi trường, rất nhiều thế hệ học sinh vùng biên giới Lộc Ninh trưởng thành bởi tâm huyết với nghề của cô giáo Đỗ Thị Hiếu

Cô Lài chia sẻ: “Nhớ lúc mới ra trường về đây dạy học, cuộc sống của giáo viên khó khăn, vất vả, thiếu thốn không thể kể hết được. Cuộc sống sinh hoạt, môi trường dạy học, mọi thứ đều tạm bợ. Lương của giáo viên mới ra trường ít ỏi, chợ lại ở xa. Dạy ở điểm lẻ khá xa nên chiếc xe đạp cũ là phương tiện duy nhất gắn bó nhiều năm và trở thành kỷ niệm không bao giờ quên với chúng tôi”.

Mặc dù được phân công dạy ở điểm trường chính, cũng là một trong những giáo viên gắn bó với ngôi trường từ những năm mới thành lập, cô Đỗ Thị Hiếu thấu hiểu khó khăn trong quá trình công tác tại đây. Theo cô Hiếu, hơn 22 năm trước, những lớp học nơi đây đều là phòng tạm bợ, xung quanh trường chỉ lác đác vài ngôi nhà của người S’tiêng. Khi ấy, mới về trường, cô Hiếu cũng không tưởng tượng được những khó khăn, thiếu thốn trong công tác dạy học cũng như cuộc sống sinh hoạt. Những bữa cơm được các giáo viên thay nhau nấu bằng củi sát bên phòng ở tập thể. Bữa cơm tuy đơn giản nhưng cũng rất vui cùng sự ấm áp chở che, đùm bọc lẫn nhau của những người đồng cảnh ngộ xa nhà.

Cô Hiếu tâm sự: “Quá trình sinh hoạt của giáo viên lúc đó rất khó khăn, không có giếng, không có nước, cũng không có chỗ tắm giặt. Mỗi buổi chiều chúng tôi phải theo bà con nơi đây ra suối để tắm giặt và lấy nước về nấu ăn, sinh hoạt. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi rất vui, mỗi khi nghĩ lại cảm thấy tự hào”.

TẤT CẢ VÌ HỌC SINH THÂN YÊU

Gần 20 năm gắn bó với điểm trường, cô Lài chứng kiến nhiều đồng nghiệp đến rồi lại đi bởi không chịu được môi trường thiếu thốn đủ bề. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô và một số đồng nghiệp vẫn kiên trì, vượt khó tiếp tục gieo chữ nơi vùng biên xa xôi. “Tôi nghĩ, nếu ai cũng đến rồi lại đi, ai cũng muốn được cái tốt, chọn những việc nhẹ nhàng, không chịu gian khổ thì sẽ không có ai dạy dỗ, chăm lo cho các em ở đây. Tôi nghĩ, mình đã chọn nghề này, dù bất cứ nơi nào cũng hết sức cố gắng, rồi mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp” - cô Lài chia sẻ.

Dù môi trường dạy và học gặp khó khăn, thiếu thốn nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Lài vẫn luôn kiên trì gieo chữ cho con em dân tộc thiểu số tại điểm trường xa xôi của huyện Lộc Ninh

Dù môi trường dạy và học gặp khó khăn, thiếu thốn nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Lài vẫn luôn kiên trì gieo chữ cho con em dân tộc thiểu số tại điểm trường xa xôi của huyện Lộc Ninh

Những năm đầu tái lập tỉnh và ngày đầu mới thành lập Trường tiểu học Lộc Hòa, những khó khăn, vất vả và thiếu thốn trong môi trường dạy học là không thể kể xiết. Nhưng với tấm lòng và trách nhiệm của người “đưa đò”, cô Hiếu cũng như nhiều đồng nghiệp đã bỏ lại tất cả sau lưng những khó khăn, thiếu thốn để tiến lên phía trước. Bằng tâm huyết với nghề, vì học sinh thân yêu, cô đã bám trụ, kiên trì gieo chữ cho biết bao thế hệ con em dân tộc thiểu số nơi đây. Cô Hiếu cho biết: “Từ nhỏ tôi đã ước được làm giáo viên đứng trên bục giảng để đem con chữ đến với các em, nhất là học sinh nghèo, khó khăn, con em người dân tộc thiểu số. Do vậy, tôi đã bám trụ suốt hơn 22 năm cho đến thời điểm này. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu hết mình để gieo con chữ, giúp các em tiến bộ hơn, vững hành trang bước vào đời”.

Thầy Nguyễn Văn Gia, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lộc Hòa cho biết: “Có thể nói những thầy cô giáo đã bám trụ lại với ngôi trường Lộc Hòa hơn 20 năm qua đều là những thầy cô có tâm, nhiệt huyết với nghề. Từ đó thôi thúc thầy cô tìm tòi những phương pháp giảng dạy tốt để học sinh nắm chắc kiến thức. Nhiều thế hệ học sinh là con em dân tộc thiểu số nơi đây đã trưởng thành và trở thành cán bộ xã, huyện, thậm chí là cán bộ tỉnh được các thầy cô nơi đây dìu dắt từ những ngày đầu”.

Năm 2019, Trường THCS Lộc Hòa và Trường tiểu học Lộc Hòa sáp nhập thành Trường TH&THCS Lộc Hòa. Đây là trường vùng sâu, xa của huyện biên giới Lộc Ninh, là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào S’tiêng. Vì vậy, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hằng năm chiếm hơn 65%. Toàn trường hiện có 44 giáo viên, trong đó giáo viên có thâm niên gắn bó với trường từ 20 năm trở lên chiếm 50%. Hầu hết những thầy, cô giáo này đều là người ở nơi khác về đây công tác và lập nghiệp. Họ là những giáo viên tâm huyết với nghề, không từ mọi gian nan, vất vả để gieo chữ nơi vùng biên giới.

Dẫu nơi đây cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết của những người đang ngày đêm miệt mài bám trường, hết lòng vì học sinh thân yêu, những con chữ nơi vùng biên giới vẫn được ươm mầm, nảy nở từng ngày. Những thầy, cô giáo ngày ngày vẫn đang gieo niềm hy vọng, ước mơ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vì một tương lai tươi sáng hơn.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/138931/gieo-chu-noi-vung-bien